Sáng 4/5, trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, ông Lê Văn Quang – Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi xảy ra vụ án kẻ “cuồng loạn” xông vào trường, đâm chém 5 học sinh và giáo viên khiến 1 em tử vong, tối cùng ngày gần 30 phụ huynh đã đưa con tới trường lấy cặp sách, dép và làm “vía” để ổn định tinh thần.
Cũng theo ông Quang, sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo nhà trường và giáo viên đưa các nạn nhân đi cấp cứu, nhiều em học sinh khác “hoảng loạn” bỏ lại cặp sách, dép… tại lớp đi về nhà.
“Tối hôm qua nhiều phụ huynh tới trường lấy cặp sách, dép… cho con. Họ nói với tôi là trưa qua nhiều em khóc không ăn cơm nên đã tới lấy và kết hợp làm vía cho con”, ông Quang cho hay.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, khoảng 9h ngày 3/5, tại trường tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, khi các em học sinh đang trong giờ ra chơi ở sân trường thì một nam thanh niên xông vào trường đâm, chém nhiều em học sinh các lớp 3,4,5.
Thấy vậy, một cô giáo công tác tại trường ra can ngăn, giải cứu các em cũng bị chém vào tay. Hậu quả, 1 em tử vong tại chỗ, 4 em học sinh và cô giáo bị thương kịp thời được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Sau khi gây án, đối tượng lẩn trốn trên đồi, cách hiện trường 1 km thì bị cơ quan công an bắt giữ.
Thủ phạm được xác định là Đỗ Mãnh Chiểu Minh (SN 1994), trú tại thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh. Danh sách các học sinh bị Minh đâm chém gồm: Lê Hữu Ph. (lớp 5A, đã tử vong), Lê Văn Đồng (lớp 5B), Lê Minh Triệu (lớp 4A), Phạm Đức Huynh (lớp 4B) và Lê Diệp Tuyền (lớp lớp 3B). Cô giáo bị chém vào tay là Trần Thị Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A.
Theo nhiều hàng xóm, 4 – 5 năm nay, ngoài đi vệ sinh, Minh hầu như không bước chân ra khỏi nhà, không giao lưu và quan hệ với bất kỳ ai. Ban ngày ngủ, ban đêm Minh cầm điện thoại chơi game cho tới sáng giống như dị nhân.
Nhà hung thủ và nạn nhân nằm sát cạnh nhau tại thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh.
Trung tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, kết quả xét nghiệm ban đầu xác định Minh âm tính với các chất ma túy (thời điểm xét nghiệm không phát hiện các chất ma túy trong người Minh - PV).
Dự kiến, khoảng 10h ngày 4/5, gia đình sẽ tổ chức lễ đưa tang và án táng cho nạn nhân Ph. theo phong tục địa phương.
Hiện, nguyên nhân vụ án vẫn đang được Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo quan niệm của người Thái, từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, một người Thái phải ít nhất hai lần được làm vía. Ngoài ra, người ta còn làm vía khi ốm đau bệnh tật, khi đi xa trở về, khi bị tai nạn; làm vía cho phụ nữ khi sinh, làm vía cho cô gái trước khi về nhà chồng, hay ông bà ngoại làm vía cho cháu khi năm hết tết đến, thậm chí là làm vía để cầu sinh được con gái, con trai...
Vía trong tiếng Thái là "khoắn" (hồn vía) và "làm vía" hay "gọi vía" (họng khoắn) là gọi hồn vía trở về nhà bố mẹ, vợ con, trở về với thể xác, để vía không đi lang thang nơi đất người, nơi bờ suối, bờ sông, bờ vực hay tránh xa các loài vật nguy hiểm trong rừng... Đây là quan niệm của người Thái khi họ gọi vía cho người đi xa trở về, người bị tai nạn, ngã sông, ngã suối hay ốm đau.
Tục làm vía có ý nghĩa hết sức quan trọng là cái áo của người được làm vía. Người ta cho rằng áo là vật tượng trưng cho con người và hồn vía sẽ theo cái áo đó mà trở về với thể xác của nó. Tục làm vía đã tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc Thái từ rất lâu.
Làm vía thực chất là việc anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống, là cách cộng đồng thể hiện sự quan tâm đến một cá nhân nào đó theo tinh thần "mọi người vì một người". Gạt đi những hủ tục còn ít nhiều rơi rớt, phần tốt đẹp của phong tục này chính là sự cố kết cộng đồng, buổi làm vía là nơi mọi người gặp nhau, chuyện trò, thắt chặt hơn tình cảm anh em, tình cảm xóm giềng.