Liên quan đến vụ 7 nạn nhân tử vong sau đêm nhạc hội diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây vào tối 16/9, Công an TP. Hà Nội kết luận, những người này đều có kết quả thử dương tính với ma túy.
Quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an đã phát hiện có một số tinh thể màu trắng, viên nén nghi là ma túy và bóng cười.
Cùng với đó, cơ quan công an xác định, đơn vị tổ chức đêm nhạc hội được tổ chức bởi công ty TNHH kết nối Á Châu do ông Lê Thái Sơn là Giám đốc được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp Giấy phép.
Ngay sau khi vụ trọng án xảy ra, nhiều người đặt ra câu hỏi, 7 người xấu số tại đêm nhạc hội đều mua vé vào xem. Những chiếc vé này có đánh thuế và bảo hiểm, khi tử vong có được bồi thường thệt hại về tiền bạc hay không?
Để rộng đường dư luận, PV Báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Công Thành (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) để làm rõ về trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường dân sự trong trường hợp hy hữu này.
Thưa luật sư, người nhà của 7 người tử vong có được bồi thường thiệt hại dân sự hay không?
Luật sư Nguyễn Công Thành: Theo ý kiến cá nhân của tôi, vấn đề này cần phải được xem xét một cách toàn diện thông qua hoạt động điều tra. Cụ thể, cần phải làm rõ xem việc tổ chức đêm nhạc hội đó có hợp pháp hay không? Nói cách khác, việc tổ chức có được thực hiện theo đúng giấy phép hay không?
Tuy nhiên, chúng ta không thể đặt ra vấn đề bồi thường thệt hại, kể cả trong trường hợp họ có mua vé vào xem, vé có đánh thuế và có bảo hiểm. Bởi lẽ, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bất kỳ ai, thì phải xem xét tới việc người đó có lỗi trong việc gây ra thiệt hại hay không.
Điều 584, BLDS năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Như vậy, nếu có căn cứ xác định, ai đó có hành vi xâm phạm đến tính mạng của 7 nạn nhân thông qua việc sử dụng chất ma túy ngoài ý muốn của họ, thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường thệt hại dân sự.
Cơ quan CSĐT- Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự về 2 tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Theo quan điểm của luật sư, ai sẽ là bị can trong vụ án này?
Luật sư Nguyễn Công Thành: Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc các loại ma túy mà các nạn nhân sử dụng, kẻ nào cung cấp cho họ. Theo đó, người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người nào đó lôi kéo 7 nạn nhân sử dụng trái phép chất ma túy, thì sẽ phải chịu trách nhệm hình sự về 2 tội này.
Khoản 1, Điều 256, BLHS 2015 Tội chứa châp việc sử dụng trái phép chất ma túy ghi rõ: "Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Còn khoản 1, Điều 258 quy định: "Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đọan khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".
Trong trường hợp này, người phạm tội Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy gây chết 2 người trở lên sẽ bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4, Điều 258).
Xin cảm ơn luật sư.