Vụ 7 người chết tại ở Hồ Tây: Vì sao GĐ công ty tổ chức nhạc hội được trả tự do?

Vụ 7 người chết tại ở Hồ Tây: Vì sao GĐ công ty tổ chức nhạc hội được trả tự do?

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 2, 24/09/2018 19:41

Chuyên gia pháp lý nhận định, Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt giữ Giám đốc công ty TNHH kết nối Á Châu trong vụ 7 người chết khi tham gia lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây là có căn cứ pháp luật.

Liên quan đến vụ 7 người chết khi tham gia lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây, sau gần một ngày bị công an giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ông Lê Thái Sơn (26 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Giám đốc công ty TNHH kết nối Á Châu đã được trả tự do vì VKSND TP.Hà Nội không phê chuẩn lệnh bắt giữ ông Sơn của Công an Hà Nội.

Góc nhìn luật gia - Vụ 7 người chết tại ở Hồ Tây: Vì sao GĐ công ty tổ chức nhạc hội được trả tự do?
Hình ảnh lễ hội âm nhạc tại Hồ Tây

Trước đó, cơ quan điều tra cho rằng, ông Lê Thái Sơn phải chịu trách nhiệm về cái chết của 7 nạn nhân tử vong khi tham gia đại nhạc hội mùa thu 2018 ở Công viên nước Hồ Tây nên đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Sơn để điều tra vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người, theo Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015.

Vậy, căn cứ nào để VKSND TP.Hà Nội không phê chuẩn lệnh bắt giữ ông Lê Thái Sơn?

Nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao, ông Lương Quang Tuấn cho biết:

Góc nhìn luật gia - Vụ 7 người chết tại ở Hồ Tây: Vì sao GĐ công ty tổ chức nhạc hội được trả tự do? (Hình 2).
Ông Lương Quang Tuấn - Nguyên Kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao.

Căn cứ theo quy định tại Điều 110, BLTTHS năm 2015, chỉ được giữ người trong trường hợp khẩn cấp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”.

Khoản 4, Điều này cũng quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 132 của Bộ luật này”.

Thực hiện quyền giám sát của mình: “Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trường hợp Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì người đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người bị giữ”. (Khoản 6, Điều 110, BLTTHS năm 2015).

Từ các quy định của pháp luật nêu trên, nguyên Kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao cho rằng, đối chiếu với các quy định của pháp luật, xét thấy không đủ căn cứ để bắt giữ ông Lê Thái Sơn, Giám đốc công ty TNHH kết nối Á Châu nên VKSND TP.Hà Nội đã ra quyết định không phê chuẩn lệnh bắt giữ của Công an Hà Nội.

Ông Lương Quang Tuấn cũng nói thêm: "Mặc dù Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt giữ của Công an TP.Hà Nội nhưng không có nghĩa là cơ quan chức năng không được ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi thấy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Trong một số trường hợp, nếu xét thấy bị can có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì cơ quan chức năng có thể cho bị can tại ngoại trong quá trình điều tra vụ án".

Góc nhìn luật gia - Vụ 7 người chết tại ở Hồ Tây: Vì sao GĐ công ty tổ chức nhạc hội được trả tự do? (Hình 3).
Luật sư Nguyễn Bá Ngà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Đồng tình với quan điểm của ông Lương Quang Tuấn, luật sư Nguyễn Bá Ngà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Khi phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết được quy định trong BLTTHS và các văn bản dưới luật khác để thực hiện việc bắt giữ, ngăn chặn, trấn áp tội phạm.

Tuy nhiên, ngay sau khi tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết trong một khoảng thời gian theo luật định, nếu xét thấy không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm hoặc không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp tố tụng thì cơ quan chức năng phải ra văn bản để trả tự do cho người bị giam giữ.

“Khi thấy không đủ cơ sở để tạm giữ ông này, Viện kiểm sát đã không phê chuẩn lệnh bắt giữ của công an. Từ đó, cơ quan công an phải trả tự do cho ông Sơn là phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Ngà nhận định.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.