Thuyết âm mưu và những tranh cãi
Trưa 22/11/1963, khi đang ngồi trên chiếc limousine mui trần cùng đệ nhất phu nhân đi quanh thành phố Dallas, Tổng thống thứ 35 của Mỹ Kennedy bất ngờ bị sát hại.
Loạt đạn trúng lưng và đầu đã khiến ông Kennedy bị thương nặng. Đoạn băng ghi hình cho thấy cảnh đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy hốt hoảng bò ra phía sau xe khi thấy chồng bị bắn. Ông Kennedy tử vong tại bệnh viện không lâu sau đó.
Chỉ vài giờ sau vụ ám sát chấn động này, trên chuyên cơ Air Force One, Phó Tổng thống Lyndon Baines Johnson đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống dưới sự chỉ dẫn của thẩm phán Sarah T. Hughes.
Đệ nhất phu nhân goá phụ Jacqueline Bouvier Kennedy chứng kiến sự nhậm chức của ông Johnson trong nỗi đau mất chồng.
Sau sự việc, nhiều đồn đoán về âm mưu cũng như động cơ của vụ ám sát được đưa ra. Tuy nhiên, theo tài liệu được phát hành từ cục Lưu trữ quốc gia Mỹ liên quan đến vụ ám sát mới được giải mật, chính quyền Liên Xô coi vụ ám sát cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy là do cựu Phó Tổng thống Johnson tổ chức.
Liên Xô khi đó cho rằng, vụ ám sát ông Kenedy là một vụ dàn dựng xuất phát từ nội bộ giới tinh hoa Mỹ nhằm chiếm quyền lực. Tài liệu của FBI vừa công bố cho biết, người đứng đầu cơ quan An ninh quốc gia (KGB) của Liên Xô, ông Boris Ivanov cho rằng vụ ám sát “đã được lên kế hoạch bởi một tổ chức chứ không phải là hành động của một cá nhân đơn độc”.
Theo nguồn thông tin riêng của FBI, vào năm 1965 các nhân viên tình báo Liên Xô được trao nhiệm vụ tìm hiểu về nhân cách, tiểu sử, gia đình và tất cả những người ủng hộ ông Johnson.
"Nguồn riêng của chúng tôi nói thêm, các hướng dẫn từ Moscow cho biết KGB có dữ liệu cho thấy Tổng thống Johnson chịu trách nhiệm về vụ ám sát Tổng thống Kennedy”, tài liệu FBI do Giám đốc cơ quan Edgar Huvert ký có đoạn.
Tài liệu này còn tiết lộ trong khuôn khổ tình hình lúc đó, KGB cho rằng, Chính phủ Liên Xô cần biết về quan hệ cá nhân của Tổng thống Johnson với gia đình Kennedy, đặc biệt là với Robert và Ted Kennedy, anh em của cố Tổng thống.
Theo chia sẻ của một nguồn tin riêng khác ở Liên Xô với FBI vào năm 1963, chính quyền Liên Xô đã coi vụ ám sát là kết quả của một âm mưu nội bộ ở Mỹ.
Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, truyền thông Mỹ lại xem xét các yếu tố của Nga có liên quan đến vụ ám sát khi nghi phạm số 1 của vụ ám sát Tổng thống, cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald đã từng có thời gian làm việc ở Liên Xô.
Phía Mỹ đặt nhiều câu hỏi về các thay đổi tâm lý, lấy vợ và quá trình hung thủ Lee Harvey Oswald ở Liên Xô có thể ảnh hưởng tới quyết định ám sát Tổng thống Kennedy, thậm chí người này được cho là có thể là điệp viên được Liên Xô hay Cuba, hoặc bất cứ quốc gia nào có thâm thù với Mỹ cài cắm vào lực lượng quân đội để thực hiện vụ ám sát.
Vụ ám sát thu hút trí tò mò
Phản ứng trước các cáo buộc này, các nhà ngoại giao Nga đã thể hiện thái độ không mấy hài lòng. Thứ trưởng bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, trong tình thế quan hệ Nga- Mỹ đang có các bước đi xuống, tốt nhất là hãy để các thông tin điều tra thuộc về sự tỏ tường của các nhà sử học.
"Chúng tôi không có bình luận gì về bất cứ giả định hay suy đoán nào. Nó sẽ không xứng đáng với lòng tự trọng của chúng tôi, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi mà tuyên truyền chống lại sự lan truyền của Nga và tin tức giả mạo chiếm ưu thế trong giới truyền thông Mỹ", Thứ trưởng bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Còn người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, tất cả các nỗ lực nhằm liên kết Nga với vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Kennedy "chỉ là những lời lăng mạ hoang đường và gây sốc".
Chuyên gia Nga cho rằng việc gần 3.000 tài liệu liên quan đến cái chết của ông Kennedy được Mỹ công bố hôm 26/10 là cách Washington cố tình chứng tỏ rằng Liên Xô trong quá khứ và nước Nga hiện tại luôn muốn can thiệp vào nội bộ chính trị Mỹ.
Còn bí mật gì chưa công bố?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/10 đã yêu cầu công bố tất cả các hồ sơ liên quan tới vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy. Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump nêu rõ "sau khi tham vấn nghiêm túc với Tướng John Kelly (Chánh Văn phòng Nhà Trắng), cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và các cơ quan khác, tôi ra lệnh công bố tất cả các hồ sơ về John F.Kennedy, ngoại trừ tên tuổi và địa chỉ của bất kỳ người nào được nhắc tới mà vẫn còn sống".
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định hành động này "vì lý do công khai trọn vẹn, minh bạch và để dập tắt bất kỳ thuyết âm mưu nào". Trước đó, Tổng thống Trump đã chỉ thị tiếp tục giữ bí mật hàng trăm hồ sơ, ít nhất là tạm thời, vì lợi ích an ninh quốc gia.
Xem thêm >> TT Donald Trump bất ngờ yêu cầu công bố hết hồ sơ vụ ám sát Kennedy?