Mối quan hệ có lịch sử đầy sóng gió giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lại một lần nữa đối mặt với thách thức sau sự kiện tay súng Thổ Nhĩ Kỳ ám sát đại sứ Nga tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở ngay thủ đô Ankara, ngay giữa ban ngày.
Vụ giết người tàn bạo đã gây sự chấn động dư luận toàn cầu và giới quan sát bắt đầu lo ngại những hệ lụy có thể xảy ra từ điều này.
Trên một số phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người liên tưởng tới vụ ám sát trong quá khứ có động cơ chính trị mà nạn nhân là Thái tử Franz Ferdinand nước Áo dẫn tới kết quả châm ngòi cho chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Ngoài ra đã có những hoài nghi về một cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể xảy ra sau vụ việc nói trên.
Tuy nhiên tờ New York Times cho rằng một tình huống như vậy có vẻ là khó xảy ra. Trong thời điểm hiện tại, Ankara và Moscow đều đang gửi cho nhau những tín hiệu đồng nhất và hợp tác trong nhiều vấn đề. Ankara và Moscow cũng thiết lập một cơ chế đối thoại để có thể gặp mặt nhau, giải thích trước mỗi sự việc nhạy cảm xảy ra và về cơ bản họ không coi nhau là kẻ thù.
Lý do quan trọng hơn cả là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rất cần nhau trong cuộc chiến ở Syria dù mục tiêu của cả hai vẫn còn những mâu thuẫn. Về cơ bản Thổ Nhĩ Kỳ muốn Tổng thống Bashar al-Assad ra đi và ủng hộ phe đối lập, trong khi Nga lại hậu thuẫn cho chính phủ hợp pháp của nhà lãnh đạo này.
Ngay sau khi Nga bước chân vào chiến trường Syria và bắt đầu ném bom phiến quân mà Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng, tháng 11 năm ngoái Ankara đã bắn hạ một trực thăng của Nga gần biên giới với Syria. Điều này đã kéo theo một sự leo thang căng thẳng dẫn đến bờ vực xung đột giữa hai nước. Nhưng không có dấu hiệu nào cho đến nay cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga sẽ thay đổi chính sách Syria của họ.
"Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ nhìn nhận vụ ám sát như lý do giải thích cho câu hỏi vì sao họ nên hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố", Busines Insider dẫn lời chuyên gia Ian Bremmer, chủ tịch công ty phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết.
"Ông Erdogan chắc chắn sẽ thể hiện sự tiếc nuối sâu sắc trước người Nga, đồng thời thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện môi trường an ninh nội địa", Bremmer nói. "Điều đó hàm ý rằng Ankara sẽ tăng cường tiến hành các chiến dịch trấn áp trong nước chứ không chủ đích tung một đòn giáng bất ngờ vào Moscow".
Ngay sau vụ ám sát Đại sứ, giới chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng lên tiếng bày tỏ sự đoàn kết và đồng nhất quan điểm về vụ việc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án vụ ám sát và kêu gọi những đại sứ quán khác của Nga trên thế giới tích cực tăng cường an ninh và cam kết sẽ truy lùng kẻ chủ mưu. Ông Putin cũng khẳng định rằng vụ việc trên là một kịch bản nhằm phá vỡ tiến trình hòa bình Syria, âm mưu làm phương hại quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Một tội ác đã được thực hiện và không nghi ngờ gì nữa, đó chính là hành động khiêu khích với mục đích phá hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tiến trình hòa bình Syria đang được các bên thúc đẩy tích cực, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các bên khác”, ông Putin nghiêm nghị nói.
Theo nhà lãnh đạo Nga, chỉ có một cách đáp trả duy nhất với “hành động khiêu khích hèn hạ” nêu trên đó là tăng cường cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. “Những kẻ sát nhân sẽ cảm thấy điều đó đang diễn ra”, ông Putin nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định cả Ankara và Moscow sẽ không để vụ việc trên ảnh hưởng tới tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương.
“Tôi tin rằng đây là một cuộc tấn công nhằm vào chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, và rõ ràng là một sự khiêu khích đối với quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi chắc chắn rằng những người bạn Nga cũng có thể thấy sự thật đó”, hãng tin quốc gia Anadolu dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố.
Ông Erdogan cũng xác nhận kẻ tiến hành vụ ám sát là Mevlut Altintas. Một số nguồn tin cho hay những người thân của Altintas đang bị cơ quan điều tra tạm thời bắt giữ để phục vụ cho công tác điều tra.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố Ankara không cho phép mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi chỉ vì vụ ám sát đại sứ. Tổng thống Erdogan trong khi đó gọi cuộc tấn công là một "hành vi khiêu khích" nhằm cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Ông cam kết sẽ phối hợp cùng các đối tác Nga điều tra vụ ám sát, đồng thời nhắc lại rằng "sự hợp tác chặt chẽ" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Aleppo, Syria, đang "giúp cứu sống vô số mạng người".
Việc bỏ qua những bất đồng trước đó để bắt tay vào hợp tác là điều cho thấy những xung động nhỏ không thể một lần nữa phá vỡ đi sợi dây liên kết giữa hai nước. Aaron Stein, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định một cách thẳng thắn: "Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga để thúc đẩy những lợi ích trong cuộc chiến riêng của nước này. Trong khi đó Nga cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ để xác định một chiến thắng ở Syria. Do vậy cả hai sẽ nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc".
Stein cho rằng một cuộc khủng hoảng quan hệ có thể nổ ra sau cái chết của vị đại sứ có thể gây nguy hiểm cho không chỉ lợi ích hai nước ở Syria - mà tệ hơn là làm sống lại những căng thẳng gây mất ổn định mà hai nước đã có với nhau vài tháng trước. Vì vậy Moscow và Ankara sẽ cố gắng giải tỏa điều này thay cho việc châm lên ngọn lửa của sự tức giận.
Quốc Vinh