Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên

Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên

Thứ 6, 22/11/2013 17:38

Một nhà báo BBC đã có mặt tại Dallas ngay sau thời điểm xảy ra vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy.

Peter Watson khi đó làm công tác đưa tin từ trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Chỉ vài giờ sau khi có tin về việc John F. Kennedy bị bắn (22/11/1963), ông đã có mặt tại Dallas để tường thuật về vụ việc động trời này. Đến ngày 29/11/1963, ông đã gõ lại một bản tóm tắt những gì ông đã quan sát và cảm nhận trong quãng thời gian này.

***

Sáng thứ 6 buồn tẻ. Tôi nhớ đã viết 1 bài vui vui về 1 chủ đề nghe vẻ to tát – thỏa thuận về một văn bản vạch ra cơ sở pháp lý cho việc thăm dò không gian vũ trụ. Sau đó chúng tôi xuống phòng chờ dành cho đại biểu (tại trụ sở Liên Hợp Quốc) để uống gì đó trước khi đi ăn trưa. Nhóm chúng tôi gồm Tony Wigan (sếp của tôi), John McVane của Công ty Phát thanh Truyền hình Mỹ, và tôi. Khi đó tôi thấy Sylvia Gould (thư ký tạm thời của chúng tôi) chạy vội xuống sảnh chờ. Tôi hỏi: “Trông cô như thể có tin gì mới?”. Cô ta đáp: “Có đây – Kennedy vừa bị bắn”.

Tiêu điểm - Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên

Vợ chồng Tổng thống Kennedy đến Love Field, Dallas, vào ngày 22/11/1963 (ảnh: AP)

Thời gian ở New York lúc đó chắc tầm 2h kém 15 và Tổng thống trên thực tế bị bắn lúc 12h 30 (giờ Dallas). Sau đó, thời gian dường như ngừng lại hoặc chí ít trôi rất chậm.

Chúng tôi quay lại văn phòng. Tony đang gọi điện điên cuồng về London và Washington. Sylvia và tôi thì cố liên hệ với hãng hàng không. Hệ thống điện thoại New York khi đó nghẽn mạng, các cuộc gọi rất tậm tịt. Hãng hàng không Mỹ đã được đặt chỗ hết nhưng vẫn hứa đưa tôi vào danh sách chờ đợi cho các chuyến bay tới Dallas.

Tôi chạy trở lại Bedford và thu xếp hành lý, mắt dõi lên tivi. Truyền hình thông báo Tổng thống Kennedy đã chết. Tôi nhặt va ly rồi chạy tới trụ sở Liên Hợp Quốc.

Joanna và Sylvia đã nhâm nhi một chút cà phê và vài cái bánh xăngđuých còn tôi chỉ có thể làm được nửa chiếc xăngđuých. Lúc 3h45 tôi quyết định ra sân bay đề phòng có kẻ vô lương tâm nào đó tranh mất chỗ đã đặt trước của tôi. Sau đó văn phòng của tôi cho tôi biết thi thể của Tổng thống đã lập tức được đưa bằng máy bay về Washington và yêu cầu tôi tiếp tục tới Dallas để đưa tin về việc truy tìm hung thủ.

Tiêu điểm - Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên (Hình 2).

 Phóng viên Peter Watson thời trẻ (ảnh: BBC)

Ngồi cạnh tôi trên máy bay là 1 nam giới tên McCoy, quê ở Dallas và đang trên đường về đó để thăm mẹ. Anh ta nói với tôi rằng vào lúc này anh ta chẳng lấy làm vui gì khi nhận mình là người Dallas. Anh đã bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử trước đó nhưng Tổng thống [Kennedy] thì vẫn là Tổng thống của toàn thể dân Mỹ. Anh nghe nói cảnh sát đã bắt 1 người đàn ông Cuba.

Chúng tôi tới Love Field, Dallas, nơi Kennedy mới đến ngay sáng hôm đó. Cũng từ chỗ này thi thể của Tổng thống được đưa ngược trở lại thủ đô. Khi đó là 9h kém 10 (giờ địa phương), 10h kém 10 ở New York cách đó 1.600 dặm. McCoy có 1 chiếc xe hơi hiệu Hertz đợi sẵn; anh ta đã chở tôi vào thành phố - nhờ đó lúc 9h30 tôi đã ở trong 1 căn phòng của khách sạn Adolphus. Lúc 10h tôi đọc báo và xem tivi để cập nhật tin tức về vụ ám sát. Lúc ở trên ô tô của McCoy tôi có nghe đài thông báo kẻ bị bắt tên là Lee Oswald và người này không phải là người Cuba – anh ta đang bị thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát.

… Tình hình thật hỗn độn. Hành lang bên ngoài Phòng Điều tra Tội phạm Giết người và Trộm cướp chật ních phóng viên, quay phim và cảnh sát các loại – từ thám tử mặc thường phục cho đến lính mặc cảnh phục. Một nửa trong số đó vẫn dính tấm phù hiệu ghi dòng chữ “Chuyến thăm Texas của Tổng thống Kennedy”.

Tôi ở lại đồn cảnh sát độ một tiếng rưỡi và lấy được tất cả những thông tin mình cần từ 1 đại úy cảnh sát. Người ta thông tin là Oswald sẽ không xuất hiện lâu, nên tôi quay trở lại khách sạn Adolphus để viết. Văn phòng ở New York yêu cầu tôi viết một đoạn tin 45 giây cho phóng sự khoảng 45 phút và một cái dài hơn tầm 4 phút trong khoảng nửa tiếng sau đó.

(Đoạn tin thứ 2 do Peter Watson viết)

“Sau vụ giết người, hung khí là 1 khẩu súng trường Italy cỡ 6.5mm trang bị ống ngắm được phát hiện dưới cầu thang trong tòa nhà đó. Bốn lăm phút sau, khi đặc điểm nhận dạng nghi phạm sát nhân đã được truyền qua mạng lưới của cảnh sát, thì nhân viên cảnh sát Tippit đang đi ô tô dọc theo 1 con phố cách đó 2 dặm. Các nhân chứng thấy anh này dừng lại, ra khỏi xe và tiến về phía 1 người đàn ông đang đi bộ theo hướng ngược lại. Người đàn ông rút ra 1 khẩu súng lục cỡ nòng 0,38 inch và bắn xuyên đầu, ngực và dạ dạy của viên cảnh sát Tippit. Sau đó y chạy về rạp chiếu phim Texas gần đó - ở đây gã tiếp tục bắn về phía cảnh sát đang đuổi theo. Nhưng lần này, súng của hắn bị kẹt và hắn nhanh chóng bị khống chế. Người đàn ông tên là Lee Harvey Oswald và y được giải ngay đến trụ sở cảnh sát và bị buộc tội giết hại cảnh sát viên Tippit và sau đó là tội ám sát Tổng thống.

Tiêu điểm - Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên (Hình 3).

Cảnh sát trưởng thành phố Dallas thông báo vắn tắt cho phóng viên (ảnh: AP)

“Oswald 24 tuổi, gầy, da sậm, cằm nhọn. Anh ta đã có vợ và 2 con. Anh ta làm việc tại 1 nhà kho mà từ chỗ đó Tổng thống đã bị bắn. Anh ta có lịch sử liên hệ với Liên Xô và Cuba. Oswald sinh ra ở Texas, đến từ thành phố Fort Worth, chặng ghé thăm cuối cùng của Tổng thống Kennedy trước khi đi Dallas. Oswald từng phục vụ 1 thời gian ngắn trong thủy quân lục chiến Mỹ.

Bốn năm trước đó anh ta có đi Nga. Sau 18 tháng thì trở về Mỹ. Kể từ đó anh ta dường như tham gia vào các hoạt động thân Cuba.”

Trong khi đó phố xá Dallas khá vắng vẻ nhưng vẫn thắp sáng đèn, ngoại trừ 1 cửa hiệu đầy đồ chơi trẻ em đã tắt đèn và treo thông báo “Đóng cửa để tưởng nhớ John F. Kennedy”.

Khi tôi dậy vào 7h sáng hôm sau, Oswald vẫn ở trụ sở cảnh sát. Tôi ra ngoài giữa thời tiết mùa đông lạnh giá để tìm cái nhà kho mà từ đó những viên đạn súng trường đã được bắn về phía Kennedy. Đó quả là một nơi lý tưởng để ngắm bắn. Bắn trượt còn khó hơn, và với 1 tay thiện xạ như Oswald, lại có ống ngắm nữa thì việc bắn trượt là không thể. Tôi đi bộ qua 3 phố chính của Dallas, ăn sáng tại 1 hiệu thuốc rồi quay trở lại khách sạn và viết thêm 2 tin nữa, kết thúc phần đưa tin về sự kiện ở Dallas.

Tiêu điểm - Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên (Hình 4).

 Thi thể Tổng thống Kennedy được di dời khỏi bệnh viện Parkland ở Dallas (ảnh: AP)

(a) “Lee Harvey Oswald, bị cáo buộc sát hại Tổng thống Kennedy, lại tiếp tục được thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát Dallas. Giống trong buổi thẩm vấn 10 tiếng đồng hồ hôm qua, có 3 người thẩm vấn cả thảy – gồm 1 nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI), 1 nhân viên mật vụ (bảo vệ tổng thống), và trưởng đội điều tra tội phạm giết người của thành phố.

Cảnh sát trưởng Jesse Curry nói Oswald tiếp tục từ chối tội giết Tổng thống và giết một cảnh sát 45 phút sau đó. Thái độ của anh ta, theo lời Curry, là ngạo mạn suốt buổi thẩm vấn. Trước mọi câu hỏi, anh ta đều trả lời, ‘thật là lố bịch’ hay ‘thật là ngớ ngẩn’… Cảnh sát trưởng Curry cho biết một người khác cùng làm ở nhà kho với Oswald cũng đã được thẩm vấn.

Tiêu điểm - Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên (Hình 5).
Nghi phạm Oswald (ảnh: AP)

Khi cảnh sát kết thúc việc thẩm vấn, họ đã giải Oswald tới nhà tù hạt Dallas – trớ trêu thay nơi này chỉ cách nơi Tổng thống Kennedy bị bắn có 45m”.

(b) ‘Dallas ngày hôm sau’

“Ở 1 thành phố 1 triệu dân, có ít dấu hiệu bên ngoài thậm chí là về cái chết của 1 vị Tổng thống. Nắng chiếu sáng rõ lên trên khu nhà kho nâu gạch đã xảy ra hành động ám sát. Chỉ có vài chiếc xe cảnh sát đậu gần đó là đánh dấu sự khác biệt giữa nơi này và các khu thương mại khác. Không có đám đông tụ tập nào. Nhưng từ mỗi chiếc xe hơi hoặc xe bus đi qua, các con mắt đều hướng lên cửa sổ tầng 5 của khu nhà xảy ra vụ án mạng. Cũng không có đám đông nào bên ngoài trụ sở cảnh sát nơi Lee Harvey Oswald đang bị giữ.

Tiêu điểm - Vụ ám sát tổng thống Kennedy: Ghi chép của một phóng viên (Hình 6).
Nghi phạm Oswald đang được dẫn giải thì bị nhân vật Jack Ruby bất ngờ dùng súng ngắn bắn ở cự ly gần (ảnh: BBC)

Bên ngoài, trên các con phố lộng gió, không có nhiều dấu hiệu. Nhưng bên trong có 1 từ nói lên cảm xúc của Dallas và toàn Texas. Đó là ‘hổ thẹn’, không chỉ vì tội ác đã xảy ra mà còn vì sự hiếu khách của Texas đã bị xâm phạm. Chính trong thành phố này, tờ Dallas Morning News đã nói đến “một vết nhơ ác độc trong lịch sử thành phố này”. Tờ Fort Worth Star Telegram thì viết: “… ở đó hình thành 1 tâm lý phẫn nộ, và đặc biệt đối với những người sống ở Texas, tâm lý ô nhục".

Trung Hiếu (VOV/BBC)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.