Vụ án 'hai con nhím': Có dấu hiệu oan sai?

Vụ án 'hai con nhím': Có dấu hiệu oan sai?

Thứ 4, 11/12/2013 11:16

Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội làm rõ những dấu hiệu oan sai trong vụ án “hai con nhím” xảy ra ở Từ Liêm (Hà Nội).

Không trả tiền thịt nhím để... lấy cớ bắt giam người tố cáo?

Bà Hàn Thị Phước, trú tại số 93 Trường Chinh, phường Phương Liệt (Thanh Xuân - Hà Nội) có đơn kêu cứu gửi đến báo chí phản ánh, anh Bùi Quốc Phòng (con trai bà Phước) là chủ Nhà hàng Trang Lùn (địa chỉ số 106 phố Nhổn, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP. Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 10/7/2013 có dấu hiệu oan sai.

Pháp luật - Vụ án 'hai con nhím': Có dấu hiệu oan sai?

Nhà hàng Trang Lùn

Theo bà Phước, con bà bị bắt vì tội “vu khống”, bởi trước đó anh Phòng có đi đòi khoản nợ 11.600.000 đồng của một vị khách đặt đồ ăn tại nhà hàng. Theo đơn, tháng 7/2012, bà Nguyễn Thị Hoa (SN. 1966) – vụ trưởng, chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương tới Nhà hàng Trang Lùn đặt làm một bữa tiệc tại nhà riêng của người quen bà Hoa.

Sau khi có đơn đặt hàng, anh Phòng cử 2 đầu bếp nhà hàng là bếp trưởng Nguyễn Tiến Trình và bếp phụ Nguyễn Bá Mạnh mang thực phẩm, đồ nấu nướng đến làm tiệc tại nhà riêng theo đúng yêu cầu của bà Hoa. Trong bữa tiệc bà Hoa có đặt chế biến các món ăn từ 02 con nhím. Tổng số tiền chi phí cho bữa tiệc là 11.600.000 đồng.

Sau bữa tiệc, anh Phòng đã nhiều lần đề nghị bà Hoa thanh toán số tiền 11.600.000 đồng nhưng bà Hoa một mực không trả vì cho rằng bà không ăn nhím ở nhà hàng. Bức xúc trước việc làm trên, anh Bùi Quốc Phòng đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng và cơ quan chủ quản của bà Hoa nhưng không được giải quyết.

Ngày 10/7/2013, anh Phòng đến trụ sở Bộ Công thương, nơi bà Hoa đang công tác để gửi đơn tố cáo cho một số người tại khu vực cổng ra vào. Chiều cùng ngày, anh Phòng được mời đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội làm việc, Sau đó anh Phòng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “vu khống”. Theo bà Phước, việc cơ quan công an bắt giữ khởi tố anh Phòng là oan sai.

Bà Phước cho rằng: “Bữa tiệc tại nhà người quen bà Hoa, nhân viên nhà hàng đều có băng ghi âm nên không thể có chuyện vu khống. Ngoài ra, sau khi con tôi bị bắt, hai đầu bếp là Trình và Mạnh cũng bị công an mời lên. Sau đó, các đầu bếp về đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng vì bị công an ép cung phải khai là mới vào làm, không được chứng kiến sự việc...”.

Siết nợ theo kiểu xã hội đen?

Theo đơn thư và qua làm việc trực tiếp của chúng tôi, bà Hàn Thị Phước (SN. 1959) trú tại 93, đường Trường Chinh, phường Phương Liệt, Q. Đống Đa (Hà Nội) còn cho biết: Tháng 11/2011, con trai bà là Đào Anh Tuấn cùng vợ  có vay của bà Nguyễn Thị Hoa (SN. 1966) – vụ trưởng, chủ tịch Công đoàn Bộ Công Thương, với số tiền là 3,68 tỷ đồng. Nhưng khi nhận tiền thì bà Hoa yêu cầu viết là “Giấy bán nhà” với số tiền 4,330 tỷ đồng (số tiền vênh 650 triệu đồng là tiền lãi của 3 tháng mà bà Hoa bắt Tuấn phải trả trước).

Ngày 26/3/2013, bà Hoa yêu cầu Đào Anh Tuấn cùng bà chốt nợ và thông báo là 5,892 tỷ đồng, theo đó, Tuấn viết “Giấy xác nhận nợ” với 5,892 tỷ đồng (có băng thu âm việc chốt nợ này).

Bà Phước cho biết, sau khi có được “bảo bối” (tức “Giấy xác nhận nợ”), đến ngày 31/3/2013, bà Hoa cùng nhiều đối tượng xã hội đen đã đến uy hiếp, áp đáo tại gia đối với gia đình anh Tuấn (con trai bà Phước) tại số 8, ngõ 152, phố Bồ Đề, Quận Long Biên (Hà Nội). Trong số người này, có một người mặc quần áo thường phục - đó là ông Vũ Huy Dũng, Công an thuộc Đội 3, phòng CSHS Công an TP. Hà Nội. Bị áp đáo tại gia và bị đe dọa nên bà Phước đã có đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Hoa và ông Vũ Huy Dũng đến cơ quan chức năng (trong đó có Bộ Công Thương).

Bà Phước tố cáo ông Vũ Huy Dũng vì cho rằng ông Dũng đã chỉ đạo và thực hiện hàng loạt sự việc như thu giữ trái phép ô tô BKS 29A-313.86 của Đào Anh Tuấn đang đỗ trước nhà liền kề nhà hàng Trang Lùn vào ngày 10/07/2013, vì cho là xe…chứa vũ khí. Nhưng khám xe và lập biên bản thì không xác nhận được điều này. Tuy nhiên, ông Dũng và đồng nghiệp vẫn cẩu xe đi mà không lập biên bản thu giữ tài sản (?!).

23h30 ngày 15/7/2013, ông Dũng bất ngờ khám xét nhà bà Phước tại 119, phố Nhổn (Xuân Phương - Từ Liêm). Sau khi đọc lệnh khám nhà mà chưa có phê chuẩn của Viện Kiểm sát, bà Phước bị ngất phải đi cấp cứu. Vậy mà ông Dũng vẫn chỉ đạo khám nhà mà không có thành viên nào trong gia đình (chỉ có người làm thuê).

Trước những khiếu nại trên, đề nghị lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo, kiểm tra nhằm tránh gây ra vụ án oan sai. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đức Dũng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.