Cái chết bí ẩn trong khách sạn Ngàn cánh hạc
Chờ dài cổ, cuối cùng, Lâm Hùng và đám hành khách cũng được phép leo lên một chiếc máy bay nhỏ như cái hộp diêm bọc nhôm. Máy bay vừa đạt độ cao trên 6.000 mét, Lâm Hùng đã đánh sạch bách bữa ăn nhẹ mà cô tiếp viên hàng không dọn cho y…
Chuyến bay cấm hút thuốc, nên ăn xong, ngoài việc xỉa răng, uống ly trà nóng pha đường và ngâm một lát chanh, chẳng còn biết làm gì, y lơ đãng đưa mắt nhìn quanh. Chợt Lâm Hùng chú ý đến một vị khách đứng tuổi, tóc đã ngả sang "muối" nhiều hơn "tiêu". Nhìn lối ăn mặc, cử chỉ, vị khách có vẻ là đại diện thương mại cho một công ty ngoại quốc nào đó, trên đùi đặt một chiếc săm-sơ-nai màu đen. Nhưng điều khiến Lâm Hùng bị cuốn hút chính là lớp sương mù xám ngắt của nỗi âu lo, phiền muộn cực kỳ bí ẩn đang nhận chìm gương mặt vị khách ấy.
Bữa cơm chiều trong ngày đầu tiên Lâm Hùng đến thành phố biển nổi tiếng thơ mộng và mát mẻ, tại khách sạn Ngàn Cánh Hạc (sự ngẫu nhiên lặp lại, y và vị khách lạ lùng về chung một khách sạn), tình cờ các nhân viên phục vụ xếp cho hai người ngồi chung một bàn ăn.
Ông ta ngơ ngác nhìn y rồi mỉm cười héo hắt. Dường như trong lòng vị khách có một nỗi niềm khác thường nào đó khiến ông không bận tâm đến kẻ ngồi cùng bàn...
Bẩy giờ tối, giám đốc Công ty "Hùng Cường & các bạn" mời y xuống tầng một dự bữa tiệc “tẩy trần” trước khi bắt tay vào công việc với Trung tâm Nghiên cứu Vật lí Đại dương - đơn vị nghiên cứu quy trình sản xuất bi-ốc-xit ti-tan. Trong bữa tiệc y làm quen với vợ và con gái “ông chủ xị”. Một gia đình hạnh phúc lý tưởng. Y tự nhủ với thoáng một chút ghen tị. Vân Anh, giám đốc phu nhân, một thiếu phụ ngoài bốn mươi, dịu dàng và có nụ cười đầy nữ tính thật lôi cuốn. Tuy thế, đôi khi ánh mắt chị phảng phất một nỗi u buồn. Còn cô bé Mây Ngàn, một bản sao tuyệt vời của người mẹ, trẻ trung và trên miệng không lúc nào tắt nụ cười thiếu nữ tươi tắn, hồn nhiên và hạnh phúc. Giữa chừng, một nhân viên khách sạn đến gần, trao cho y một mảnh thư nhỏ.
Hóa ra thư Ba Khanh. Lâm Hùng nhăn nhó rủa thầm. Tuyệt thật, gã “sát thủ văn chương" vẫn chưa chịu buông tha mình. Mà gã ra đây làm cái quái gì kia chứ?
"Hãy gọi điện thoại cho mình qua tổng đài 824613-xin máy 72.K".
Y hậm hực quay lại không khí bàn tiệc, thay vì hận Ba Khanh, y uống thả phanh rượu vang Por-tô vốn là món "khoái khẩu" của y mà ông giám đốc Công ty "Hùng Cường & các bạn" chiêu đãi một cách hào phóng. Thậm chí, lúc chuyển sang uống thứ Quintro đắt tiền của Pháp quốc, y càng hăng lên, liên tục tiến công, chẳng cần biết hậu quả ra sao? Y quên luôn cả cái sứ mạng viết " một bài phóng sự 2.000 chữ về quy trình sản xuất bi-ốc-xit ti-tan từ sa khoáng cát đen"...
Đèn hành lang tối mò, đầu óc lại chếnh choáng, Lâm Hùng không hay đã đi quá phòng 707 của y. Đến trước phòng 709, y chẳng còn biết gì ngoài nỗi thèm khát được lăn kềnh ra giường. Phải, mình sẽ ngủ như chết. Mặc xác lão Tổng biên tập và tên Ba Khanh độc mồm độc miệng. Cửa không khóa, y cũng không còn đủ tỉnh táo để thấy sự khác thường đó, ném thân thể xuống chiếc nệm và "phi" luôn. Cũng không nhớ là mình đã nằm như thế bao nhiêu lâu, Lâm Hùng chỉ uể oải ngồi dậy khi cơn khát dữ dội đánh thức bộ thần kinh ê ẩm của y.
Lâm Hùng lảo đảo bước về phía buồng tắm, sờ soạng tìm công tắc đèn toa lét. Suýt nữa Lâm Hùng hét lên và vùng chạy khi phát hiện ra cái xác chết…
Thay vì tìm tài liệu viết phóng sự về bi-ốc-xit ti-tan, y phải đối mặt với một biến cố bi thảm và “những con bồ câu đen-bì bõm trong nước bẩn”…
Lâm Hùng vội vã mở cửa, nhanh nhẹn đi về phía cuối hành lang, nơi đặt máy điện thoại. Lục lọi, tìm mảnh thư của Ba Khanh trong túi áo ngực, Lâm Hùng mang máng nhớ lại. Hình như y đã đọc những câu thơ này ở đâu rồi? Y thận trọng quay số điện thoại. Và từ đầu dây kia nói, vang lên tiếng của đại úy Ba Khanh. Một giọng nói trẻ trung hơi trầm nhưng không tỏ lộ một chút nào là viên đại úy mệt mỏi, ngái ngủ khi bị dựng cổ lúc nửa đêm.
Chính nhờ thái độ bình tĩnh của Ba Khanh, Lâm Hùng mới lấy lại được sự tỉnh táo cần thiết khi thuật cho bạn nghe về sự kiện khủng khiếp mà y vừa chứng kiến do tình cờ vào lầm phòng. Theo dõi chăm chú, bây giờ đến lượt Ba Khanh ra lệnh:
- Cảm ơn cậu, bước đầu như vậy là tốt. Hãy canh chừng căn phòng 709 và đừng cho ai ra vào. Bọn mình sẽ đến ngay lập tức. Càng im lặng, kín đáo, càng được việc. Tạm biệt.
Trả ống nói xuống tổ hợp, Lâm Hùng châm lửa hút thuốc trước khi trở lại căn phòng giờ đây đã trở thành hiện trường của một vụ án. Khép nhẹ cánh cửa bọc da, y ngồi im trên chiếc ghế dựa, chăm chú quan sát các đồ vật trong bóng tối.
Mười lăm phút sau, Ba Khanh và các cán bộ an ninh, nhân viên y tế theo vị trưởng ban bảo vệ khách sạn, âm thầm bước vào căn phòng 709.
Lâm Hùng ký tên vào biên bản lập ngay tại chỗ rồi trở về phòng mình, phòng 707. Phần việc còn lại, thuộc những người có trách nhiệm. Ba Khanh xiết chặt tay bạn trước khi từ biệt, nói nhỏ:
Một cái chết càng êm ái bao nhiêu càng chứa đựng những bí mật ghê gớm bấy nhiêu. Hi vọng cậu sẽ cho tôi uống trà móc câu trong buồng cậu khi mọi chuyện tạm dừng ở giới hạn ban đầu của nó.
Khi nghi án chồng lên nghi án
Từ đó đến 5h sáng, Lâm Hùng không tài nào chợp mắt được. Quả thật Ba Khanh giải quyết mọi việc êm nhẹ đến nỗi, ngay cả những nhân viên khách sạn cũng không hề biết đêm qua đã xảy ra chuyện gì trên lầu bảy. Y nằm và nghĩ miên man đủ thứ chuyện và giả thuyết xung quanh cái chết quá êm ái của người láng giềng bất hạnh. Và những câu thơ bí ẩn trên mẩu giấy có ý nghĩa thế nào trong cái chết này?
Ba Khanh mệt mỏi, căng thẳng, xuất hiện trên khuôn cửa, Lâm Hùng chồm ngay dậy, hấp tấp hỏi:
- Sao rồi?
- Pháp y kết luận: Nạn nhân chết sau cơn nhồi máu cơ tim đột ngột. Không có dấu hiệu bị ám hại hoặc đầu độc. Hình như cậu đã kịp làm quen với con người bất hạnh đó?
- Ờ, người ta dọn phần cơm của mình trên cùng chiếc bàn ăn của ông ấy. Chẳng lẽ cắm đầu, im lặng nhai? Mà cậu biết đấy, tính tôi vốn sởi lởi, ưa tán gẫu. Nhưng ông ấy chỉ đáp lễ vừa phải, đủ cho tôi hiểu rằng, ông ấy từ Sài Gòn ra đây làm việc trong khuôn khổ một dự án hợp tác làm ăn nào đó.
- Thế cậu có thấy gì đặc biệt ở con người này không?
- Không, hình như ông ấy là người điềm đạm, lịch sự- Lâm Hùng vừa trả lời vừa nhanh nhẹn chế trà móc câu vào chiếc ấm sứ màu hổ phách. Ba Khanh khoanh tay trước ngực, đi đi lại lại trong phòng như đang nghiền ngẫm những ý tưởng nào đó. Lâm Hùng ngạc nhiên nhìn bạn:
- Có chuyện gì gay cấn phải không?
- Chắc vậy.- Viên đại úy dịu dàng hướng cái nhìn thông minh về phía anh bạn ký giả - Trưa nay, công an TP.Hồ Chí Minh sẽ cho biết thêm một số chi tiết về nạn nhân. Nhưng vẫn có một cái gì đó ám ảnh tôi khác thường?
- Phải chăng do mảnh giấy kỳ quặc trong toa-lét?
Lâm Hùng quả quyết hỏi. Mắt Ba Khanh sáng rực lên, khẽ gật đầu và ngồi xuống ghế:
- Tôi biết, với con mắt nhà báo lão luyện, cậu không thể bỏ qua chi tiết ngàn vàng ấy trong cái chết tưởng chừng chỉ liên quan đến tiền sử tim mạch của nạn nhân.
- Và cậu chưa đoán nổi ý nghĩa của những câu thơ ma quái đó?
- Đúng thế- Ba Khanh buồn bã thú nhận- Chẳng phải chính cậu đã từng gọi tôi là một “tên sát thủ văn chương” sao?
Lâm Hùng cười cầu tài:
- Thôi đi nào, thù dai vậy cha nội? Ủa, lên lon đại uý từ lúc nào vậy?
Ba Khanh đáp qua loa:
- “Đến hẹn thì lên” thôi. Nè, hãy quay lại câu chuyện của chúng ta. Đây là lúc óc tưởng tượng, khả năng phân tích, nắm bắt những “vi tình cảm” của một nhà văn như cậu, rất cần thiết cho suy đoán và khám phá ra bí mật của cái chết này.
- Cậu quên là cậu vừa liệt tôi vào loại "văn chương hạng bét " à? - Lâm Hùng cay cú trả miếng.
Ba Khanh gật đầu xác nhận khiến Lâm Hùng cười dở mếu dở:
- Phải, những thứ cậu bịa đặt đúng là hạng bét khi so với đời sống thứ thiệt…
Viên đại uý không cao giọng càng khiến “văn chương hạng bét” đứng chưng hửng giữa phòng… Lâm Hùng cũng ngớ người, không hiểu tại sao sự thể lại xảy ra éo le như vậy. Đọc tiểu thuyết của y, người ta thấy ngồn ngộn chất thông tấn. Đọc các bài báo y viết, người ta lại ngờ ngợ chuyện văn chương. Chẳng biết phải tin ai. Ba Khanh bình thản ngồi xuống, nhấm nháp từng hụm trà đã nguội ngắt, để mặc Lâm Hùng, thằng bạn con chấy cắn đôi của mình từ thời học phổ thông, tha hồ rầu rĩ và hoang mang than vãn. Sau rốt, viên đại uý mỉm cười từ tốn:
- Theo mình, cậu lọt vào đúng cái kẽ hở giữa nghề viết văn và viết báo. Rất có thể sự éo le ấy giúp cậu trở thành một cây bút viết tiểu thuyết trinh thám có triển vọng.
Lâm Hùng lạnh gáy, thất vọng tưởng chừng vừa nghe toà tuyên án mình:
- Thôi đi bố, viết trinh thám để nhà em hít bã mía của Cô-nan Đoi, A-ga-ta Cri- xti và Xi-mơ-nông hả?
- Ồ, cậu phải trổ một lối đi riêng chớ? Tóm lại, một nhãn quan sắc bén, một đầu óc suy luận lô-gích chặt chẽ, một trí tưởng tượng phong phú, một trái tim nồng nàn, ấm áp, vị tha, một lối viết uyển chuyển từ gam trữ tình đến gam lạnh lùng, minh triết… Đó là tất cả những gì cần cho một người viết trinh thám chân chính!
Viên sĩ quan an ninh giảng giải một thôi một hồi về nghệ thuật viết tiểu thuyết trinh thám, khiến nhà văn kiêm nhà báo Lâm Hùng trố mắt kinh ngạc:
- Thưa ngài đại úy khả kính, ngài không đùa đấy chứ?
- Không, không đùa dù chỉ với một chút "phết phảy”- Đại úy Ba Khanh nghiêm trang đáp - Tôi đã đọc hết cái thứ truyện hình sự “Mật mã đêm màu hồng” mà cậu đưa tôi bữa trước...
Lâm Hùng hồi hộp chờ đợi những nhận xét của vị "cố vấn nghiệp vụ an ninh". Nhưng Ba Khanh cho y một đòn trời giáng khi sổ toẹt tất tần tật. Không những thế, giọng Ba Khanh còn đượm vẻ phẫn nộ:
- Nói thật nhá, ngoài mỗi cái tiêu đề cải lương và ăn khách, còn lại là hạng ba, hạng tư. Không, đúng hơn là một cuốn sách hạng bét! Toàn những chuyện bịa đặt vớ vẩn. Cuộc sống sinh động, phức tạp và giàu kịch tính hơn sự bịa đặt nhiều.
Thất vọng não nề, Lâm Hùng ngồi phịch xuống ghế:
- Tôi sẽ quẳng kiệt tác của mình vào sọt rác và thề sẽ bẻ bút viết tiểu thuyết, chỉ để lại bút viết báo, kiếm cơm, đỡ đần vợ. Mà rồi còn phải nuôi con nữa chứ? Mấy hôm trước, Đoan báo tin… Hình như tháng này nàng “chậm”. Trời cao đất dày ơi, được làm bố chắc chắn phải vinh hạnh gấp tỷ lần làm một nhà văn chuyên môn bị đồng nghiệp đố kị, dèm pha, bới móc…
Đột nhiên y kêu lên:
- Chúa ơi, tôi nhớ ra rồi, những câu thơ trên mảnh giấy mà xác chết nắm trong tay, chính là của Lor-ca, một thi sĩ Tây Ban Nha thời nội chiến, chống lại phát xít Phrăng-cô… Phải rồi, bài "Rạng đông Niu-oóc" . Và cơn cuồng phong những bồ câu đen - Bì bõm trong nước bẩn...
Ba Khanh mắt sáng lên:
- Có thế chớ…
Lâm Hùng bất chợt sững lại giây lát trước khi nói trong hơi thở dồn vì hồi hộp:
- Rất có thể sự hiện diện những câu thơ của Lorca đã trở thành "ký hiệu" báo cho vị khách bất hạnh phòng 709 hiểu rằng, tai họa sắp ập xuống đầu ông ta. Cũng tương tự như tâm trạng một kẻ vốn bất yên chợt nhìn thấy "nhện sa trước mặt" - run rẩy coi đó là điềm gở.
Ba Khanh đứng vụt dậy:
- Cậu suy đoán cừ lắm... Mở mắt cho mình rất nhiều... Nhất định cậu sẽ trở thành một nhà văn chân chính, có hạng, miễn là cậu đừng quên là cậu viết cho ai, viết vì cái gì?
Lâm Hùng lặng người, ớn lạnh toàn thân nghe Ba Khanh giãi bày chân tình và dứt khoát…
Dự án mang mật danh “Khuấy biển sữa”
Hai người chia tay nhau, Ba Khanh quay về phòng làm việc, đọc lại cuốn nhật kí-tang vật của vụ án tại khách sạn Ngàn Cánh Hạc, nơi Dương Phong, vị khách chết bất đắc kì tử vì vỡ tim… Không có gì đặc biệt. Đúng hơn, chỉ là những ghi chép bằng tiếng Anh, công việc hàng ngày của một nhân viên thuộc Công ty Niu Pa-ra-đi (Tân Thiên đường), một công ty đa quốc gia chuyên kinh doanh ngành ăn uống và giải trí. Nhưng Dương Phong lại sang Việt Nam với tư cách một khách du lịch, vào đúng cái thời đất nước này bị bủa vây tứ phía vì cấm vận và ở hai đầu biên giới, đang diễn ra những cuộc xung đột ngày càng phức tạp và gay gắt. Đương nhiên, vì thế, số du khách phương Tây đến đây lác đác như lá vàng rơi. Và đó cũng là lý do để Dương Phong xuất hiện tại thành phố biển thơ mộng này…
Anh biết là mình không được phép phí phạm thì giờ cho những suy đoán vô ích. Dương Phong là người Việt nhưng lại có quốc tịch một nước phương Tây. Chắc chắn sau khi hay tin về sự cố trong khách sạn Ngàn Cánh Hạc, đại diện cơ quan ngoại giao của cái quốc gia đã cấp quốc tịch cho Dương Phong, sẽ nhanh chóng có mặt tại đây. Ngay cả việc có mổ xét nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân tử vong của Dương Phong hay không, cũng không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của cơ quan an ninh Việt Nam, khi mà nạn nhân trước lúc gặp tai biến, chưa có hành động nào tỏ dấu hiệu đã vi phạm pháp luật nước sở tại. Hiển nhiên, cả cái mẩu giấy chép những câu thơ của Lor-ca, cũng không thể coi là bằng chứng chống lại Dương Phong…
Trong lúc Ba Khanh đang đau đầu, đánh vật với mẩu giấy, đầu mối duy nhất, có thể dẫn anh lần tìm được sự thật đằng sau cái chết bí ẩn trong căn phòng 709, Lâm Hùng ngồi trong phòng làm việc của giáo sư Hiếu, giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Vật lý Đại Dương…
Y hầu như đã quên bẵng câu chuyện u ám đêm qua, khi nghe giáo sư Hiếu hào hứng phác hoạ cái viễn tưởng huy hoàng một khi đại dương được khai thác đúng mức, phục vụ đắc lực cho quốc kế dân sinh Việt Nam. Rằng, bi-ốc-xit ti-tan chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm mà Trung tâm của giáo sư đã làm ra. Dưới đáy biển, giáo sư nhấn mạnh, còn một lượng khổng lồ các khoáng sản quý, hiếm trong những "kết hạch kim loại". Cũng theo giáo sư, không ai có quyền nhìn tương lai với con mắt quá ư bi thảm trước những lời dự báo rùng rợn: Tài nguyên trên hành tinh sẽ cạn kiệt vào năm 2.000 hoặc chậm nhất vào thập niên đầu thế kỉ 21.
Y ngồi nghe đầy cảm xúc, quên cả việc giở sổ tay ghi chép:
- Thưa giáo sư, chúng ta có quyền hy vọng vào những gì cụ thể dưới đáy biển Nha Trang của chúng ta?
- Ti-tan và Zi-ri-cô-ni có trong các vỉa bồi ven biển – Giáo sư dõng dạc đáp ngay. Các “kết hạch kim loại” mà tôi vừa nhắc tới, chứa không những sắt, măng-gan mà còn đồng, kền, cô - ban, kẽm, chì và các nguyên tố quý hiếm.
- Giáo sư có thể nói rõ hơn về kế hoạch nghiên cứu và khai thác những “kết hạch kim loại” đó không ạ?
Chính câu hỏi này của Lâm Hùng đã khiến giáo sư chững lại. Y vừa đụng đến một dự án tuyệt mật mang mật danh “Khuấy biển sữa”, mà giáo sư đang chỉ đạo một nhóm khoa học gia tại Trung tâm thực hiện. Giáo sư trấn tĩnh, khéo léo chuyển hướng câu chuyện:
- Chúng tôi đang theo dõi những tin tức sơ khởi, về các cuộc khai thác thử nghiệm ngầm dưới vịnh Bốt-ni của các nhà khoa học Pháp và Thuy Điển.
Đột ngột giáo sư quay về phía kỹ sư Toàn, người trợ lý của mình:
- Toàn, cậu còn nhớ chính xác, họ dự định khai thác hàng năm bao nhiêu triệu tấn sắt và măng-gan dưới vịnh Bốt-ni?
- Mười triệu tấn, thưa đồng chí giám đốc!
Lâm Hùng giật mình không phải vì con số “mười triệu tấn” viên kỹ sư vừa nêu ra, mà chính vì sự xuất hiện của một người phụ nữ… Cô khẽ gật đầu chào khách rồi đến gần giáo sư, ghé tai ông nói nhỏ gì đó. Chỉ thấy gương mặt giáo sư rạng rỡ hẳn lên, giọng nói đượm một niềm vui khó tả:
- Tuyệt lắm, ba đồng ý.
Cô gái mỉm cười, quay lại nói với Lâm Hùng:
- Xin lỗi, đã làm phiền.
Y bối rối:
- Dạ, không có gì.
Dường như câu đáp lại của y chẳng khiến cô bận tâm, ánh mắt cô đã hướng về phía kỹ sư Toàn. Và mặc dù cả hai chẳng nói với nhau tiếng nào, Lâm Hùng cũng linh cảm được một điều, chắc chắn giữa họ phải có một mối quan hệ đặc biệt thân thiết…
Cô gái hồn nhiên và duyên dáng chào Lâm Hùng, bước ra ngoài, giáo sư âu yếm nhìn theo, giọng đượm vẻ trìu mến khác thường:
- Mi Trang, con gái tôi đó!
Kể từ giây phút cô gái xuất hiện, Lâm Hùng chả còn bụng dạ nào nghĩ đến việc tìm hiểu tài liệu và thực hiện thiên phóng sự mà ông Tổng biên tập của y đang đỏ mắt trông chờ…
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục