Người dân phố Sàn bây giờ đã không còn những ánh mắt nhớn nhác, hoảng loạn đến khó chịu, khi có khách lạ ghé qua, nhưng khi nhắc đến thảm án kinh hoàng, họ vẫn nguyên vẹn cảm giác rùng mình đến ớn lạnh. Bà Nguyễn Thị H., chủ cửa hàng bán tạp hóa ngay sát với tiệm vàng Ngọc Bích nhanh miệng trò chuyện khi thấy xe chúng tôi dừng trước cửa ngôi nhà ba tầng: "Ngày xưa, cửa hàng cô chú ấy lúc nào cũng đông khách, có khi để tràn cả xe sang hè nhà tôi. Từ ngày chuyện khủng khiếp xảy ra, người ở cạnh như tôi cũng thấy lạnh lẽo. Bây giờ chỉ có vợ chồng người anh thi thoảng qua đây hương khói, chăm chút ban thờ".
Rồi theo hướng tay chỉ của bà, chúng tôi tìm đến nhà ông Sinh, anh trai của anh Ngọc, một trong những nạn nhân của vụ thảm án.
Vụ thảm án kinh hoàng tại phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang xảy ra vào rạng sáng ngày 24/8/2011 đã khép lại với bản án 18 năm tù cho sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện. Thế nhưng cho đến nay, nỗi đau của gia đình nạn nhân vẫn còn dai dẳng. Nó không đơn giản chỉ vì sự mất đi sinh mạng ba người thân trong một ngày định mệnh, mà nó còn là nỗi đau âm ỉ bởi những điều không thể cắt nghĩa.
Ngôi nhà đã từng là tổ ấm hạnh phúc một gia đình nay vắng tanh, lạnh lẽo.
Nỗi đau không chỉ nằm ở sự ra đi...
Nhà ông Sinh cũng cùng một dãy phố với tiệm vàng Ngọc Bích, chỉ cách chừng vài ba chục mét đường. Ông Sinh có vẻ dè dặt và thờ ơ khi biết chúng tôi là phóng viên. Ông nói luôn: "Nếu các cháu đến thắp hương thì chú không bận lòng gì. Nhưng nếu muốn viết báo thì thôi! Còn nghĩa lý gì nữa đâu".
Đắng cay. Chua chát. Và có cái gì đó như cả là trách móc trong từng câu nói, khiến chúng tôi cũng khó để bắt đầu. Thú thật, tôi và cô bạn đồng nghiệp đã loanh quanh ở phố Sàn hai ba lượt, dừng chân ở hai quán nước trước đó, suy nghĩ rất lâu rồi mới quyết định bước chân vào gia đình người nhà nạn nhân.
Thực tâm chúng tôi sợ gợi lại nỗi đau trong lòng ai đó! Giây phút giáp mặt ông Sinh và những câu nói của ông là lúc chúng tôi cảm nhận rõ nhất cái điều đáng sợ ấy. Nhưng đã mang nghiệp cầm bút, có mấy ai lại chùn bước lảng tránh khi thấy điều xót xa đang ở ngay trước mắt mình?! Và rồi, hình như những câu nói chân thành của hai cô gái mặt vẫn còn nguyên sự phờ phạc và bụi bặm của quãng đường xe máy hơn 100km từ Hà Nội về, đã chạm đến những chất chứa trong lòng, nên ông Sinh dịu đi và cởi mở hơn với chúng tôi.
Ông bắt đầu trải lòng bằng một cái lắc đầu ngao ngán: "Xã hội bây giờ nhiều giá trị bị đảo lộn quá! Con người ta sống tử tế và đối xử đàng hoàng với nhau mới khó, chứ cái chết đến nhẹ tựa lông hồng. Chết là hết. Người chết chẳng làm phiền người sống nhưng nỗi đau không chỉ nằm ở sự ra đi...". Câu nói bỏ lửng của ông Sinh khiến chúng tôi nhớ lại sự bất bình đến mức phải bỏ về sớm của gia đình nạn nhân khi chưa nghe hết bản án của HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang trong phiên xử sát thủ Lê Văn Luyện. Ông Sinh giọng đầy uất nghẹn nói: "Gia đình chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng. Báo chí cũng phản ánh nhiều rồi nhưng có thay đổi được gì đâu. Chúng ta phải tôn trọng và làm theo pháp luật”.
Trong nỗi bất bình chưa bao giờ vơi nguội, ông Sinh gay gắt như đang đứng trước phiên tòa phúc thẩm hôm nào: "Rõ ràng cháu Bích đã nhìn thấy có hai kẻ lạ mặt vào nhà chém giết người thân, cháu còn nhớ và miêu tả có một tên tóc xấu, một tên tóc tốt. Nếu luật pháp đã chiếu theo luật mà y án theo lời khai của Luyện, tại sao lại không có chỗ cho lời nói của nhân chứng sống là cháu tôi? Tôi không dám nói luật pháp là sai, nhưng ở đây có vẻ không có sự công bằng.
Nói cho bằng thật, may mắn cháu Bích sống sót là để vạch mặt kẻ thủ ác. Vậy mà luật pháp lại cho rằng lời nói của cháu không có hiệu lực hay giá trị chứng minh. Tôi đã sống qua một nửa đời người, chẳng còn nghĩ mình hồ đồ trong từng câu nói. Với những tình tiết nghiêm trọng của vụ án như thế, đáng lý nên có sự “linh động” của cái gọi là luật pháp. 18 năm "bóc lịch" có xứng với một sát nhân giết mấy mạng người như vậy không?
Hơn nữa, theo lời khai của Luyện, nó đâm em trai tôi trên tầng ba, nhưng khi xét nghiệm kết quả rõ ràng là máu của em tôi không có trên tầng ba mà là từ tầng hai chảy xuống. Như thế liệu nỗi đau của chúng tôi có được xoa dịu lại hay không? Suy cho cùng, mọi chuyện chả còn nghĩa lý gì nữa. Người chết chẳng thể sống lại. Mà như cháu Bích tưởng chết đi rồi sống lại cũng không ai tin lời khai của cháu. Nỗi đau của chúng tôi liệu trời xanh có thấu?!”.
Người nhà nạn nhân (ông Sinh, anh trai chủ hiệu vàng) với nỗi day dứt khôn nguôi.
Khoảng trống không thể lấp đầy
Tránh nhìn vào đôi mắt đỏ hoe ngân ngấn nước và khuôn mặt suy tư của người đàn ông đã ngoại ngũ tuần, chúng tôi bất giác cùng quay sang nhìn nhau lặng người. Có cái gì đó nghẹn đắng lại nơi cổ họng. Nỗi đau đã không còn là của riêng gia đình nạn nhân nữa. Giờ đây, trong lòng mỗi người thân của gia đình nạn nhân xấu số dường như còn nguyên sự bức xúc về vụ án.
Họ vẫn sống, vẫn nhang khói an ủi linh hồn người đã khuất, vẫn hướng về phía trước nhưng những điều họ mong muốn giúp những nạn nhân trong vụ thảm án thanh thản nơi chín suối đã nhập nhòe và mong manh trong tâm thức của họ. Bà nội cháu Bích, đã gần đất xa trời, ở tuổi 80 vẫn không thanh thản, vẫn đau đớn vì tóc bạc đưa tiễn tóc xanh.
Bà lo ngại, cháu bà sẽ ra sao khi lớn lên. "Tôi già rồi nhưng tôi sợ lúc về gặp tổ tiên vẫn không nguôi được niềm uất hận với những kẻ đã hại con, cháu tôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh trong mỗi giấc mơ. Người ta lúc sắp ra đi thì hay mơ về giấc mơ thời con trẻ, thảnh thơi an nhàn. Còn bản thân tôi vẫn đang day dứt quá. Các cụ vẫn dạy rằng "Ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ" mà tại sao luật pháp không công nhận lời cháu tôi?".
Câu hỏi của bà nội cháu Bích như xoáy vào tâm can chúng tôi đầy day dứt. Chẳng có câu trả lời nào tốt hơn là sự im lặng và ít nhiều thấu hiểu vào lúc này! Chỉ biết lắng nghe và đồng cảm, mong linh hồn người chết siêu thoát cùng thời gian!... Bởi ai có thể cấm họ khóc? Ai có thể cấm họ uất hận? Và hơn hết, ai cấm họ không tin vào những điều họ không muốn tin. Bởi sự thật đau đớn là họ đã mất đi ba người thân một cách tức tưởi...
Tuyệt nhiên chưa một chút bồi thường, một lời xin lỗi Ông Sinh cho biết: "Từ ngày xảy ra vụ án cho đến nay, phía người nhà tên Luyện chưa hề có một động thái nào tỏ chút thành tâm. Họ không đến hỏi thăm, chưa hề thắp một nén hương cho người đã khuất. Gia đình chúng tôi cũng chưa hề nhận được một đồng tiền bồi thường nào. Tất nhiên, người chết rồi, tiền của chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng thái độ im lặng phía gia đình nhà sát thủ khiến chúng tôi cũng thấy nản lòng và mất niềm tin hơn". |
Thu Dương - Phạm Hạnh
Kỳ 2: Ai hóa giải những ám ảnh của nạn nhân sống sót?