mặt trái của những danh tiếng
Việc các công ty thời trang trốn một phần thuế không phải là chuyện lạ và thường xảy ra trên thế giới. Theo nhà báo Mỹ Robin Givhan, một chuyên gia về văn hóa và thời trang, chuyện chỉ lạ khi các ông lớn trong giới thời trang trốn thuế vào tù. Thực tế, những ông lớn trốn thuế đều có thể "tự tại" nhờ vào chiêu thức "thỏa thuận bên lề" với các thẩm phán bằng một món tiền thấp hơn gấp nhiều lần so với số tiền trốn thuế.
Hãng thời trang danh tiếng Dolce & Gabbana gắn liền với các tên tuổi lớn trên thế giới.
Ví dụ điển hình là vào giữa thập niên 1990, những tên tuổi hàng đầu của giới thiết kế thời trang Italia như Giorgio Armani, Santo Versace, Gianfranco Ferre, Gerolamo Etro và Mariuccia Mandelli đều đã tránh được việc ngồi "bóc lịch" trong tù nhờ chiêu "nhỏ nhặt" này. Riêng trường hợp của ông Aldo Gucci, ông Gucci vẫn phải ngồi tù dù rằng ông cũng dùng chiêu thức này nhưng bị thất bại vì "thẩm phán quá cứng rắn". Tuy nhiên, việc "luồn cửa sau" không còn hiệu quả đối với nước Italia ngày nay. Italia đang lâm vào cảnh mắc nợ nghiêm trọng và Thủ tướng Mario Monti đã phải tuyên bố từ chức hồi cuối năm trước vì không thể ngăn chặn nổi nợ công tiếp tục gia tăng do những kẻ trốn thuế tiếp tục không làm tròn nghĩa vụ với đất nước.
Một trong những "ông lớn" bị công bố danh tính do trốn thuế là hai ông chủ của công ty Dolce & Gabbana: Domenico Dolce (54 tuổi) và Stefano Gabbana (50 tuổi). Vụ án trốn thuế gần một tỉ euro của hai ông đã bị cảnh sát tài chính thuộc bộ Kinh tế và Tài chính Italia điều tra từ năm 2008.
Họ nghị ngờ, hai ông này lẩn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách bán hai thương hiệu Dolce & Gabbana và D&G cho công ty "ma" Gado ở Đại công quốc Luxembourg năm 2004 và 2006, qua đó né được khoản thuế phải trả cho chính phủ Italia lên tới 420 triệu euro.
Theo những gì cơ quan điều tra thu được, Gado là tên viết tắt của Gabbana và Dolce. Công ty này do chính Dolce và Gabbana thành lập ở Luxembourg, nơi được xem là "thiên đường thuế". Hai ông Dolce và Gabbana hành động như vậy bởi lúc còn sở hữu cả hai thương hiệu Dolce & Gabbana và D&G, công ty Dolce & Gabbana được hưởng toàn bộ tiền bản quyền của tất cả sản phẩm mang hai thương hiệu vừa kể trên toàn cầu. Theo luật thuế doanh nghiệp, nguồn thu này ở Italia bị đánh thuế lên đến 45%, còn tại Luxembourg chỉ có 4%.
Bởi vậy, khi bán hai thương hiệu này cho công ty Gado ở Luxembourg, thuế bị đánh chỉ có 4%, số thuế phải đóng giảm đi đáng kể. Theo các nhà điều tra Italia, Gado chính là công ty bình phong mà hai nhà thiết kế Italia này dùng để trốn thuế.
Với những chứng cứ thu được, năm 2010, viện Công tố ở Milan khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với hai ông Dolce và Gabbana về tội trốn thuế rất lớn, theo đánh giá có thể là vụ án trốn thuế "lớn nhất thế kỷ". Theo cáo trạng, công ty Dolce & Gabbana trốn thuế 200 triệu euro và hai ông Dolce và Gabbana mỗi người bị cáo buộc trốn thuế 416 triệu euro.
Tất nhiên, hai ông này lập tức kêu oan. Hai ông cùng biện minh, năm 2009, cả hai đã trả đầy đủ thuế và không hề đút lót cho cảnh sát tài chính bởi cảnh sát tài chính "tính toán hoàn toàn phi thực tế trên những số tiền mà hai ông chưa bao giờ nhận được".
Cả hai nhà thiết kế này đều phủ nhận các cáo buộc do cơ quan công tố nêu ra. Trên trang Twitter của mình, Gabbana tuyên bố: "Tất cả những gì tôi quan tâm đó là thiết kế quần áo, chỉ có vậy thôi. Hãy để họ làm và nói bất kỳ điều gì họ muốn. Việc bị cáo buộc một cách không đúng đắn rõ ràng không phải điều hay nhưng cốt lõi của vấn đề đó là ai thèm quan tâm. Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ trở về lòng đất". Từ đó, vụ án "lớn nhất thế kỷ" này cứ nằm trong tình trạng bị "treo".
Đối với những vụ án lớn, đặc biệt liên quan đến các hãng lớn như Dolce & Gabbana, báo giới sẽ làm rùm beng vụ việc và lên trang nhất các báo. Thế nhưng, Corriere della Sera - nhật báo hàng đầu của Italia, chỉ đăng một mẩu tin ngắn có 126 từ. Tờ La Stampa cũng đăng tin chưa đầy 90 từ. La Repubblica - tờ báo lớn thứ ba của Italia, dứt khoát không đăng bất cứ thông tin gì về vụ việc. Chỉ có hai tờ báo nhỏ và một vài người viết blog đề cập vụ án của hai ông lớn mà thôi. Một blogger đặt ra nghi vấn: "Phải chăng các báo làm vậy vì Dolce và Gabbana đã bỏ tiền quảng cáo hoành tráng trên các tờ báo đó?".
Hai ông chủ của Dolce & Gabbana bên cạnh ca sĩ Madona lừng danh.
có thể bị phạt hàng tỉ euro?
Vụ án lớn kéo dài tới tận tháng 4/2011, tòa án sơ thẩm Milan bất ngờ tuyên bố hai ông Dolce và Gabbana trắng án với lý do không đủ căn cứ để buộc tội. Bảy tháng sau, Tòa án Tối cao Italia bác bỏ phán quyết của tòa sơ thẩm với lý do "trốn thuế thu nhập là tội hình sự" và chỉ định bà Antonella Brambilla, một thẩm phán mới xử vụ này. Phiên tòa đầu tiên được mở ra vào cuối năm 2012 tại Bắc Milan. Nhưng hai bị cáo Dolce và Gabbana vắng mặt. Massimo Dinola - luật sư của bị cáo đã yêu cầu hủy bỏ vụ án vì quá trình tố tụng có nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, Tòa án không đồng ý việc hủy bỏ này mà tuyên bố sẽ tiếp tục có những phiên xét xử khác, và lần này, hai bị cáo bắt buộc phải có mặt tại tòa.
Mọi bằng chứng trốn thuế của Dolce và Gabbana không thể chối cãi, hai ông lớn đã sử dụng "mẹo" trốn thuế và qua mắt cơ quan thuế một cách tinh vi, tội danh gần như đã rõ. Hãng tin ADN Kronos đã trích dẫn phán quyết của tòa án rằng, Dolce & Gabbana - thương hiệu được nhiều nghệ sỹ nổi tiếng thế giới như Beyonce hay Madonna ưa chuộng, bị phát hiện đã "vi phạm các quy định của pháp luật nhằm mục đích duy nhất là trục lợi kinh tế" có thể sẽ bị lãnh án 5 năm tù và chịu phạt một tỉ euro.
Được biết, Dolce & Gabbana là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới với tổng doanh thu thường niên vào khoảng 550 triệu USD, cùng đội ngũ nhân viên tại Italia là 3.150 người. Với quy mô công ty lớn như vậy, nhiều người cho rằng, Dolce & Gabbana sụp đổ là điều hết sức hoang đường. Việc ông chủ của Dolce & Gabbana phải chịu án phạt như vậy khiến không ít người bị sốc và không tin vào những gì được công bố. Dù phải "bóc lịch" trong tù nhưng hãng Dolce & Gabbana không hề bị lung lay hay đứng trước nguy cơ "yếu thế" so với các hãng thời trang khác. Thương hiệu Dolce & Gabbana vẫn đứng vững, được nhiều người ưa chuộng, nhất là các ngôi sao hàng đầu thế giới.
Xét xử “ông lớn” để làm gương Theo cơ quan thống kê nhà nước Italia, nền kinh tế bao gồm cả những khoản thu nhập không được công bố chiếm tới 17% GDP của Italia. Hiện, đất nước này đang tìm cách đưa ra xử những người trốn thuế có danh tiếng để làm gương, tập trung điều tra những người có máu mặt và mô tả những người trốn thuế trên truyền hình giống như "những ký sinh trùng hút máu". Dolce & Gabbana là cặp đôi mới nhất trong danh sách dài những người nổi tiếng bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm. Hãng thời trang "khủng" Được thành lập năm 1985, trang Bloomberg đã định giá thương hiệu Dolce & Gabbana vào khoảng 5,3 tỷ USD. Trong năm 2011, dù kinh tế thế giới ảm đạm, hãng vẫn đạt doanh thu 1,1 tỷ euro. Với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 41,8%, chủ tịch Dolce hiện có số tài sản ước tính không dưới 2,2 tỷ USD. Trong khi đó tài sản của tổng giám đốc Gabbana cũng được định giá vào khoảng 2,1 tỷ USD khi sở hữu 40% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc về các anh chị em của ông Dolce. Đến nay Dolce & Gabbana vẫn là một công ty tư nhân và cả hai nhà thiết kế đều không có ý định niêm yết hay bán lại cho các tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ khác như LVMH Moet, Hennessy, Louis Vuitton hay SA. |
Hồng Nhung (Theo Business Insider/Forbes/AFP)