Tuy nhiên, việc phòng, chống tội phạm luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, việc điều tra, truy tố, xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm...Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, việc bỏ lọt tội phạm vẫn còn tồn tại, gây nhức nhối trong dư luận.
Vì sao bị cáo kêu oan?
Trong phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Cao Bằng, bị cáo Nguyễn Quang Liêm (bị truy tố, xét xử về tội Vận chuyển trái phép chất ma tuý) liên tục kêu oan và cho rằng cơ quan điều tra (CQĐT) đã bỏ lọt tội phạm.
Theo kết luận điều tra, ngày 23/10/2011, công an tỉnh Cao Bằng bắt quả tang Nguyễn Quang Liêm (quê quán Thái Nguyên) đang vận chuyển hai khối chất bột màu trắng (nghi là heroin) bằng xe ô tô. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Liêm không thừa nhận việc vận chuyển ma túy.
Bị cáo khẳng định tại biên bản phạm tội quả tang (BBPTQT) mà bị cáo ký vào thời điểm bị bắt (ngày 23/10/2011), bị cáo chỉ thừa nhận số vũ khí CQĐT thu được trên xe và ghi rõ vào biên bản là "2 cục màu đen không phải là của tôi, tôi không biết là của ai cả". Bị cáo cho rằng chữ ký trong BBPTQT có trong hồ sơ vụ án không phải chữ ký của bị cáo. Bị cáo còn khai, sở dĩ bị cáo khai nhận tội là vì bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung...
Trực tiếp tham gia quá trình khám xét chiếc xe ô tô của Liêm, nhân chứng Huỳnh Ngọc Thạnh cho biết: Thực tế ngày 23/10/2011, anh không hề ký vào một BBPTQT nào cả. Khoảng 1 tuần sau đó, có một người bên CQĐT đến nhà và bảo Thạnh ký vào 2 tờ giấy mà anh không biết đó là giấy tờ gì.
Theo tư liệu nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp cho CQĐT thì từ trước ngày 19/10/2011 đến 3h sáng 23/10/2011, Nhiêu (theo hồ sơ vụ án, Nhiêu là người đã thuê Liêm vận chuyển ma tuý từ Hà Nội lên Cao Bằng-PV) mới có mặt tại Hà Nội. Do vậy, việc bị cáo nhận tội và khai ngày 19/10/2011 đã gặp Nhiêu tại Hà Nội là điều không thể. Tại sao lời khai nhận tội của bị cáo lại mâu thuẫn với nguồn chứng cứ được coi là khách quan nhất của vụ án? Liệu có phải bị cáo đã bị ép cung nên nhận "bừa" hay hồ sơ vụ án đã được tạo dựng?.
Ảnh minh họa.
Cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm?
Bên cạnh việc kêu oan, bị cáo Liêm còn "tố" CQĐT công an tỉnh Cao Bằng đã bỏ lọt tội phạm.
Bị cáo Liêm khai, trước khi bị bắt, có một đối tượng tên là Diệp ở Lạng Sơn đã từng thuê bị cáo chở lên Cao Bằng để gặp một người tên là Tính. Ngày 19/10/2011, Liêm, Diệp và một cô gái tên Loan đi taxi xuống Hà Nội để Liêm mua xe ô tô. Mua xe xong, mọi người cùng về Thái Nguyên. Ngày 20/10/2011, Liêm định cùng Loan lên nhà ông Sồng A Vàng ở xã Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La chơi.
Thấy vậy, Diệp bảo Liêm cho đi cùng và nói muốn lên đó buôn bán heroin. Tuy nhiên, Liêm không chấp nhận và chỉ đồng ý cho Diệp đi cùng xe. Khi cả nhóm lên đến Mộc Châu thì đêm đã khuya, Liêm và Loan vào ngủ ở trong nhà ông Vàng, còn Diệp mượn chìa khóa xe Liêm và nói là ra xe ô tô ngủ (điều này đã được ông Vàng xác nhận -PV).
Hôm sau (21/10/2011), Liêm cùng Diệp và Loan lên đường về Thái Nguyên. Khi đến Hòa Bình, Liêm và Loan mệt nên dừng lại nghỉ tới sáng hôm sau, còn Diệp về trước, hẹn Liêm lên Cao Bằng đón Diệp và Tính. Chiều 22/10, Liêm và Loan về tới Thái Nguyên. Vì vợ Liêm gọi điện báo có công an đến nhà tìm nên Liêm về qua nhà xem thế nào nhưng khi Liêm về thì công an đã đi rồi nên Liêm lại lên Cao Bằng vì Tính liên tục gọi hỏi Liêm đi đến đâu rồi? Sáng 23/10/2011, Liêm đi lên Cao Bằng. Khi đến khu vực km 17 đoạn Quốc lộ 3 hướng Hà Nội - Cao Bằng thì bị bắt.
Những tình tiết nêu trên cho thấy một điều hết sức phi lý là không kẻ phạm tội nào khi vận chuyển đến 2 bánh heroin mà lại đi lại nhiều nơi một cách thong dong, thoải mái, đi đâu đến đâu nghỉ ở đó như Liêm. Lại càng vô lý hơn khi Liêm tiếp tục để ma túy trên xe của mình đi về nhà dù đã biết có công an đến nhà tìm...
Có rất nhiều điểm nghi vấn liên quan đến đối tượng tên là Diệp này. Tại sao Diệp lại đòi Liêm cho đi cùng lên Mộc Châu chỉ để chơi? Đêm ở nhà ông Vàng, Diệp đã mượn chìa khóa xe của Liêm và ngủ ở trên xe. Trong lúc Liêm không quản lý được chiếc xe đó, Diệp hoàn toàn có thể giấu ma tuý vào xe. Mục đích của Diệp là lợi dụng Liêm để vận chuyển ma túy từ Mộc Châu lên Cao Bằng giao cho Tính. Nhưng thấy trên đường từ Mộc Châu về, Liêm quá đủng đỉnh, đi đâu nghỉ đấy, sợ bị lộ nên khi Liêm muốn nghỉ lại Hòa Bình, Diệp không đi cùng xe Liêm nữa mà hẹn Liêm lên Cao Bằng đón Diệp và Tính. Nếu Liêm lên đến Cao Bằng trót lọt, Diệp sẽ tìm cách lừa Liêm để lấy ma túy ra.
Sau khi bị bắt, Liêm đã khai rất rõ về đối tượng tên Diệp này và khẳng định có thể chỉ nhà của Diệp để CQĐT có điều kiện xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà CQĐT công an tỉnh Cao Bằng lại không xác minh, làm rõ đối tượng này, một mực quy tội cho Liêm, bất chấp việc Liêm không khai nhận tội...
Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội... Việc CQĐT công an tỉnh Cao Bằng không xác định rõ các đối tượng Diệp, Tính trong vụ án này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, có thể gây oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm.
PV