Bởi lẽ, ông Chấn bảo, vợ ông - bà Nguyễn Thị Chiến - chính là người đã cho ông cuộc sống trên đời này lần thứ hai.
Bật khóc khi có ai đó lỡ nhắc đến từ 'oan'
Từ trại giam trở về, ông Chấn phải bắt đầu với một cuộc sống tự do với đầy lóng ngóng, bỡ ngỡ. Cuộc sống, xóm làng giờ đây đã khác quá xa với 10 năm trước khi ông bị dính vào cái án "trên trời rơi xuống". Khác xa cái ngày chị Nguyễn Thị Hoan bị sát hại, ông Chấn đã đích thân đi chở quan tài cho nạn nhân, đồng thời bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) còn nấu cháo đêm cho các cán bộ điều tra ăn để làm việc, mong sớm tìm ra thủ phạm để người xấu số được siêu thoát.
Ông Nguyễn Thanh Chấn thẫn thờ trước cuộc sống hiện tại.
Với bản án tù chung thân mà ông Nguyễn Thanh Chấn phải gánh, bà Chiến đã chịu mọi cay đắng tủi nhục đội hàng xấp đơn đi khắp nơi kêu oan cho chồng. Từ Công an huyện Việt Yên, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đến Tòa án nhân dân Tối cao… Có những nơi không trả lời hoặc có những cơ quan chỉ trả lời sơ sài như: "Đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, chúng tôi sẽ xem xét và giải quyết"....
Bà Thân Thị Hải (hàng xóm cạnh nhà ông Chấn) cho biết: "Có lúc chúng tôi ngồi ở cửa các cơ quan công quyền nhưng không ai thèm tiếp". Trầm ngâm một lúc, bà kể tiếp, có lần còn có cô cán bộ chửi thẳng vào mặt chúng tôi mà nói: "Nhà chị còn oan gì nữa, các chị mang đơn đến đây người ta không thèm đọc còn vứt vào sọt rác ấy".
Ông Chấn bên người vợ Nguyễn Thị Chiến suốt thời gian dài kêu oan cho chồng
Giờ đây, nỗi đau thể xác và tột cùng là nỗi đau tinh thần nếm trải 10 năm oan nghiệt khiến ông lơ ngơ như người rừng. Một câu hỏi dài, nhiều nội dung là ông bị bối rối, bóp trán. Chỉ cần ai đó nhắc đến từ “oan” cũng có thể khiến ông bật khóc.
Xa lạ với thay đổi cuộc sống xung quanh, ông còn ngơ ngác ngay cả trước những đồ vật cũ kỹ trong nhà đã có trước khi ông đi tù. Con gái ông kể : "Có hôm cô bạn tôi đi chiếc xe đạp điện đến nhà chơi, thăm hỏi. Thấy chiếc xe dựng trước cửa nhà, bố tôi bảo: "Chiếc xe Babetta của cháu đẹp quá nhỉ, chắc là đắt tiền lắm nhỉ". Vừa buồn cười nhưng tôi lại thương bố nghẹn lòng".
Đổi tên thành Nguyễn Chiến Chấn để bắt đầu cuộc sống mới
Tình cảm của ông Chấn đến giờ dành cho vợ vẫn rất lóng ngóng, đôi lúc thấy lạ lẫm. Ông bảo, nhiều khi ông không dám chạm vào bà, bởi chỉ sợ đó giấc mơ và sợ sẽ vụt tan biến mất. Bà Chiến tâm sự với giọng đầy hạnh phúc: “10 năm xa cách lúc nào tôi cũng nhớ đến ông ấy, kể cả trong mơ. Vì thế, bây giờ được ở bên ông ấy tôi cảm nhận được tình yêu, hơi ấm mà ông ấy truyền qua. Giờ đây cũng không mong muốn gì hơn, chỉ mong sự việc sớm kết thúc để ông Chấn được thực sự trở về đúng nghĩa là một người dân bình thường. Ông ấy còn phải đi làm giấy chứng minh thư nhân dân nữa, có vậy ông ấy mới có thể đi làm, hoặc tìm cho mình một công việc để trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Ông Chấn trải lòng :“Khi nào đi làm lại giấy chứng minh nhân dân, tôi sẽ xin thay đổi tên họ của mình từ Nguyễn Thanh Chấn thành Nguyến Chiến Chấn, vì bà Chiến đã khai sinh ra tôi lần nữa”.
Cơn ác mộng rồi cũng kết thúc với ông Chấn và người thân. Người đàn ông cùng tổ ấm nhỏ bé giờ đây đã được đoàn tụ. Con lại có vòng tay cha mẹ che chở, vợ có lại chồng, mẹ có lại con. Hơi ấm lại trở về trong ngôi nhà nhỏ, tuy ọp ẹp, cũ kỹ, song đầy ắp tình yêu thương. Hy vọng rằng, từ đây, với sự quan tâm và giúp đỡ của tất cả mọi người, ông Chấn sẽ sớm vượt qua được khó khăn hiện tại, tiếp tục chèo lái con thuyền gia đình xuôi theo dòng chảy êm ả và nhiều thuận lợi, hòa nhập với xã hội.
Loan Hoàng