Vụ án "sợi bấc biết nói"

Vụ án "sợi bấc biết nói"

Thứ 2, 21/01/2013 09:22

Không có nhân chứng, vật chứng, nhưng bằng nhiều kế sách được người dân hiến lên mà quan trên mới xử được án. Vụ án "Sợi bấc biết nói" cho thấy những vật dụng tưởng như vô tri nhiều khi là căn cứ quan trọng để tìm ra thủ phạm...

Ngày xưa có một tay phú thương tên là Phong. Hắn ta có mười chiếc mành lớn chở hàng hóa bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Mỗi một chiếc mành đều có một người lái do một thủ hạ tin cẩn cai quản.

Trong số các lái có một người tên là Ninh, vốn tính nhanh nhảu được việc, nên được chủ rất tin cậy. Nhưng từ lâu, Ninh đã tằng tịu với vợ Phong (tên Lan) mà Phong không hay. Ninh và Lan say mê nhau và điều ước muốn của họ là cuối cùng được công khai lấy nhau mới thỏa dạ.

Một hôm, vào ngày đầu năm, mười chiếc mành sắp sửa xuất phát. Theo lệ thường khi đến cửa sông, các mành buôn có ghé lại trước miếu Ông để làm lễ rồi mới ra khơi. Lần này, Phong theo các mành của mình đến miếu làm lễ, đãi các lái và thủy thủ ăn một bữa linh đình, rồi mới trở về nhà bằng đường bộ.

Thấy chủ về một mình, lại về vào lúc khuya khoắt, Ninh lẻn theo đường tắt đón ở một bụi rậm xông ra đánh chết. Đoạn, hắn nhanh chân chạy về mành, vừa kịp lúc sắp sửa nhổ neo. Thế là mười chiếc mành dong buồm ra khơi, trừ tên sát nhân, không một ai biết rằng chủ mình bị giết, và cũng không một ai ngờ cho lái Ninh là thủ phạm.

Án mạng đưa lên, quan địa phương phải chờ đến khi tất cả mọi người trên mười chiếc mành trở về, mới bắt đầu tra xét. Nhưng không có một chứng cớ gì để ngờ cho một người nào. Sau bao nhiêu ngày hỏi cung không tìm ra manh mối, quan địa phương đành phải đệ vụ án lên quan trên xét xử.

Quan tỉnh khi nhận được hồ sơ cũng rất lấy làm bối rối. Những cuộc hỏi cung lại tiếp tục nhưng không có kết quả gì. Sau cùng, có một người trong đám ty thuộc, một hôm đến gặp quan tổng đốc xin hiến một mẹo nhỏ có thể tìm ra thủ phạm. Người này ghé và tai quan nói thầm mấy câu...

Lập tức quan sai bắt bọn lái và các thủy thủ đến miếu Ông. Quan bảo mọi người phải làm lễ và chầu chực ở miếu suốt đêm. Đến canh hai, quan cho gọi tất cả mọi người dậy và bắt mỗi người phải ngậm một đoạn bấc vào miệng, đồng thời mắt nhìn thẳng vào ngọn nến trên pho tượng thần.

Quan nói: "Thần ở miếu này rất thiêng. Thần đã chứng kiến cái ngày ông Phong bị giết và đã biết ai là thủ phạm. Ta đã khấn xin thần: Bấc này ngậm vào, nếu người ngay thì không việc gì cả, nếu là người gian thì nở dài hơn của những người khác".

Luật sư - Vụ án 'sợi bấc biết nói'

Theo lệnh quan, mọi người ngồi im lặng như thế cho đến sáng rõ mặt người. Trước án thư, mỗi người lần lượt đưa bấc tới đo. Quả nhiên, trong đó có một sợi khác với các sợi khác, nhưng không nở dài ra mà chỉ ngắn đi. Sợi bấc ấy chính là của lái Ninh.

Khi nghe quan bắt ngậm bấc, Ninh sinh ra bàng hoàng lo lắng. Ngậm được một chốc, hắn cảm thấy sợ bấc trong miệng dài ra thật. Cho nên lúc gần sáng, hắn đã cắn bớt đi một tý. Khi đo bấc, hắn có ngờ đâu, chính vì thế mà bấc của hắn khác với của mọi người. Biết là sa vào mẹo của quan, và cũng nghĩ rằng oan hồn đến ngày báo phục nên lái Ninh đành thú nhận tất cả. Người ta bắt hắn cùng với người đàn bà bất chính kia đền tội.

Người Ấn Độ có một truyện kể, có kết cấu gần giống truyện trên: Một đội quân đến đóng tại một làng nọ, bỗng trong quân xảy ra một vụ mất trộm ví và giấy tờ. Có bảy người bị tình nghi là thủ phạm. Viên sĩ quan bèn nhờ cụ già chuyên xử án trong làng tên là Đam-xát tìm hộ. Ông này gọi bảy người đến nhà lấy khẩu cung rồi cho về.

Chập tối, ông cho mỗi người một chiếc đũa bảo đó là đũa thần đem gối ở đầu giường, dặn hễ sáng mai đũa của ai dài thêm ba phân thì biết đó là kẻ gian. Sáng hôm sau, Đam-xát đến từng nhà thu lại đũa và cuối cùng ông trỏ vào một người bảo là thủ phạm lấy trộm ví. Hắn thú nhận ngay. Thì ra đêm qua, hắn đã bẻ bớt đi ba phân vì tin rằng chiếc đũa của mình đã dài ra.

Luật nay: Kẻ giết người có thể bị tử hình

Pháp luật ngày nay nêu rõ, giết người là hành vi trái pháp luật cố ý làm chết người ngoài ý muốn của nạn nhân. Hành vi làm chết người được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi trái luật này là hậu quả chết người.

Như vậy, tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội được coi là tội giết người chưa đạt (khi có lỗi cố ý trực tiếp) hoặc là tội cố ý gây thương tích (khi có lỗi cố ý gián tiếp). Mục đích và động cơ phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội giết người và được quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt.

Hành động trên của tên lái Ninh cho thấy đây là một vụ án giết người có tổ chức, được xây dựng kế hoạch từ trước, trong đó Ninh là người trực tiếp thực hiện tội phạm, còn người vợ của Phong (nạn nhân xấu số) là đồng phạm đóng vai trò giúp sức và cùng xây dựng kế hoạch.

Hành vi giết người có tổ chức được hiểu: Là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công, có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người.

Vì thế, chiếu theo Điều 93, Bộ luật Hình sự, tên Ninh có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với Lan, vợ nạn nhân Phong, mặc dù các quan ngày xưa chưa nói rõ y thị bị trừng phạt như thế nào tuy nhiên, từ những hành vi trên cho thấy, nhân vật này đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Trước tiên, vi phạm luật Hôn nhân và gia đình.

Tại Thông tư số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của bộ Tư pháp, bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình của Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 - BLHS) thì: "Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...".

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...

Ngoài ra, trên vai trò đồng phạm trong vụ án giết người có tổ chức, Lan còn bị xem xét xử lý theo Điều 93, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt (cá thể hóa hình phạt) phải căn cứ vào vai trò, mức độ tham gia của Lan vào vụ án.

Trần Quyết

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.