Gán cho thiên nhiên một câu chuyện tình để rồi từ đó, giống nòi "đa tình" người Việt sẽ phát triển tiếp những câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác. Bóc đi lớp vỏ của huyền thoại và những phép màu, đặt các nhân vật chính trong câu chuyện trong bối cảnh hiện đại, chúng ta sẽ phát hiện ra những điều thú vị xung quanh vụ việc này.
Đời Hùng Vương thứ 18, đất nước giữ được cảnh thái bình thịnh trị. Hùng Vương có một người con gái yêu tên là Mỵ Nương. Năm đó, Mỵ Nương đã 16 tuổi, xinh đẹp như hoa, dáng đi uyển chuyển, thướt tha khiến những người đàn ông xung quanh không khỏi "thòm thèm", tưởng nhớ.
Có kẻ sai người bí mật vẽ lại chân dung nàng, treo trong phòng, mỗi ngày đều cảm thấy hạnh phúc như nhìn thấy người thật, có kẻ dù không có việc cũng cố gắng nghĩ ra chuyện để hàng ngày xin vào tiếp kiến Hùng Vương, những mong may mắn ra có thể nhìn thấy người ngọc. Tin đồn về sắc đẹp của nàng lan toả khắp kinh thành, bay xuống tận những vùng xa xôi, hẻo lánh trên núi cao, tới cả ngoài đảo xa. Tất cả thanh niên đều chờ ngày Hùng Vương phát lệnh kén rể để có cơ hội tranh tài, chiếm trái tim người đẹp.
Cuộc chiến Sơn Tinh- Thuỷ Tinh là một vụ án tình nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thấy con gái xinh đẹp, dịu dàng, vợ chồng Hùng Vương cũng muốn kén được một người con rể xứng đáng. Sau nhiều cuộc thi được tổ chức, họ vẫn chưa chọn được một ai hợp ý. Kẻ giỏi trong thiên hạ thì nhiều nhưng người cực giỏi vào hạng tuấn kiệt thì lại hiếm hoi. Lúc ấy, ở miền sơn thượng có một chàng tên Sơn Tinh, vốn là thánh núi Tản Viên, thân người đẹp đẽ như mặt trời, có tài bắn cung, thao lược hơn người. Một chàng khác tên Thuỷ Tinh là chúa tể chốn Long Cung, đẹp không kém phần. Bên cạnh Thuỷ Tinh lúc nào cũng có các tướng tôm, cá hùng hổ đi theo. Không hẹn mà cùng đến, hai chàng cùng theo tiếng gọi của trái tim, đến cầu hôn Mỵ Nương trong một ngày.
Trước bá quan văn võ, Hùng Vương bối rối không biết chọn ai bởi trên khắp đất Văn Lang, không ai có thể hơn tài sức của hai chàng. Sau khi bàn bạc với bá quan hồi lâu vẫn chưa có cách nào khả quan, ngài mới cho các chàng tạm thời rút lui.
Một bên là thần sông, một bên là thần biển, từ trước đến nay người Việt vẫn sống chủ yếu ở đồng bằng, đánh bắt tôm cá, men theo bờ biển mà sinh sống, chỉ có một phần nhỏ sống trên núi cao. Tính ra uy lực của hai thần đều ngang nhau. Ngài mới đi vòng quanh cung điện để xem xét. Đêm ấy, Hùng Vương nghĩ nhiều lắm. Sáng hôm sau, khi mặt trời còn chưa tỏ, ngài đã triệu tập cả triều đình lại và quyết định ra đề: "Một trăm ván cơm nếp, hai trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi. Ai đem đầy đủ những lễ vật này đến trước thì ta sẽ gả công chúa cho".
Hai chàng ứng cử viên cho chức phò mã tương lai được lệnh rút lui về chuẩn bị ngay các lễ vật. Vì là người ở dưới bể nên những yêu cầu vua Hùng đưa ra khá "hiểm" với Sơn Tinh. Chàng vốn tính thật thà nên không nhận ra được sự thiệt thòi trong đề thi mà đức vua ban, cho người đi lùng sục khắp nơi để kiếm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Bánh chưng, cơm nếp thì sẵn, chỉ qua một đêm là đã có đủ, chỉ tiếc những thứ kia thì không về kịp.
Sáng sớm hôm sau, khi tiếng trống chầu đầu tiên vang lên, Sơn Tinh vẫn chưa thể kiếm đủ các lễ vật trên, vẫn phải vội vã vào triều, vừa đi chàng vừa nấn ná chờ người đem các thứ quý này vào. Đến cổng triều thì vừa may cũng đủ lễ vật. Nhưng tiếc thay cho chàng, lễ vật của Sơn Tinh đã đặt trước đó rồi. Đau xót vì không lấy được Mỵ Nương, Thuỷ Tinh đùng đùng trở về biển, trong lòng thấy không cam tâm. Lúc bấy giờ các tướng tôm cá mới an ủi chàng, phân tích thiệt hơn, cho thấy sự thiên vị của đức vua như thế nào. Lúc ấy, vì thần này mới nhận thấy sự "khờ khạo" của mình, bèn hô mưa gọi gió, lệnh các tướng quân chuẩn bị đánh chiếm, cướp lại Mỵ Nương trên đường rước dâu trở về.
Cuộc chiến bất phân thắng bại, Thuỷ Tinh càng dâng nước lên cao nhằm nhấn chìm đất của Sơn Tinh bao nhiêu thì núi lại càng nâng cao lên bấy nhiêu. Cuộc chiến của hai vị thần vì người đẹp kéo theo bao gia đình phải ly tan, vợ mất chồng, con mất cha, mất mùa, đói kém và dịch bệnh xảy ra khắp nơi. Suốt mấy tháng ròng, hai vị thần đánh nhau bất kể đêm ngày. Cuối cùng đuối sức, lại không phải vùng đất của mình, Thuỷ Tinh đành phải rút lui về, tiếp tục dưỡng quân, sang năm sau lại đem quân đánh tiếp. Từ đó, cứ năm này qua năm khác, cuộc chiến của các vị thần không năm nào không diễn ra, thắng thua vẫn thế, chỉ có người dân là phải chịu thiệt hại.
Không hiểu có phải vì cuộc chiến này đã ảnh hưởng tới đất Văn Lang hay không mà vương triều của Hùng Vương cũng chấm dứt ở đời thứ 18. Sử sách không ghi lại được gì nhưng người đời vẫn luôn ghi nhớ. Câu chuyện tình nổi tiếng nhất lịch sử cũng là câu chuyện kéo theo những phiền toái tai hại cho rất nhiều thế hệ con cháu về sau.
Với sự phát triển của hệ thống thuỷ lợi hiện nay, tác hại do "cơn ghen" của Thuỷ thần ngày càng được giảm thiểu.
Luật nay: Thuỷ Tinh bị khép tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ
Người đời nhiều khi vẫn trách Hùng Vương thiên vị, ra đề hiểm, đẩy Thuỷ Tinh vào thế bí, là quân vương mà "chơi xấu" như vậy thực không nên. Không biết lý do vì sao đức vua đất Văn Lang lại có sự thiên vị, ưu ái toàn những lễ vật vốn thuộc vùng núi cao cho Sơn Tinh dễ dàng chiến thắng nhưng chuyện cũng đã hàng ngàn năm mà cơn đau vì tình của vị thần biển thì mãi chẳng dừng.
Không biết có phải vì tình yêu thực sự hay là do căm phẫn vì thất bại mà khiến một minh quân như Thuỷ Tinh cứ mù quáng mãi trong cuộc chiến bất phân thắng bại như vậy. Có điều, nếu là người "tỉnh" sẽ thông cảm được một phần cho Hùng Vương thứ 18 đã sớm nhận ra điểm yếu, mạnh của từng chàng rể. Giả sử như, người được lựa chọn ngầm không phải là Sơn Tinh mà là Thuỷ Tinh, liệu một chàng rể không phân biệt được công tư, đem quân sĩ của mình "nướng" vào trận chiến sinh tử chỉ vì tình cảm cá nhân như vậy có đem lại quốc thái dân an cho người dân của mình và hạnh phúc cho cô con gái xinh đẹp Mỵ Nương chăng?
Chuyện đời xưa, nhưng nếu đặt trong bối cảnh đời nay, bóc đi lớp lang huyền thoại có thể thấy vấn đề xảy ra khá nghiêm trọng. Đứng trên cương vị những người có chức vụ, có quyền hành và ảnh hưởng tới số đông, rõ ràng chuyện của những người này đã tác động trực tiếp tới hàng ngàn, hàng vạn người dân. Thuỷ Tinh đem quân đi đòi lại Mỵ Nương, việc này không chỉ hại chết rất quân sĩ của cả hai bên mà còn làm ngập lụt, mất mùa và hại chết những người dân vô tội vốn không có liên quan đến vụ việc này. Hậu quả nghiêm trọng như vậy, hoàn toàn có thể khép anh chàng si tình này vào tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Khoản 1 Điều 281, Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: Có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 2); Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm (khoản 3).
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. Đây cũng là một trong những tội danh được khép vào nhóm 7 hành vi tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
Rõ ràng, xét theo luật thời nay, nếu áp dụng vào vụ việc này thì Thuỷ Tinh sẽ bị khép tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Xét theo khoản 3 Điều 281, khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, Thuỷ Tinh sẽ phải chịu mức án từ mười năm đến mười lăm năm.
Ngoài ra, Thủy Tinh sẽ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm, phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. Nếu so mức án này với sinh mạng của hàng trăm, hàng ngàn người bị đổ xuống hàng năm thì còn quá nhẹ, tuy nhiên cùng với sự phát triển của hệ thống thuỷ lợi, tưới tiêu của người Việt hiện nay, những thiệt hại mà Thuỷ thần gây ra đã và đang được giảm thiểu.
Hón Thỵ