Ngay khi có được thông tin về chị Dương Thị Liễu, bà Hằng - người phụ nữ tự nhận mình bị oan như ông Chấn ở Bắc Ninh - tất tả tìm đến địa chỉ được cho nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của người đàn ông vốn từng là chồng chị, nói rằng anh đã có gia đình mới, không liên quan và không biết chị Liễu đang ở đâu. Chưa hết hy vọng, bà Hằng tiếp tục tìm sang nhà của bố mẹ chị Liễu (cùng ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời mơ hồ: “Liễu đi giúp việc ngoài Hà Nội đã lâu không về”. Hai câu trả lời liên tiếp đã lại kéo bà Hằng vào một cuộc tìm kiếm mới, tuy gian khó nhưng có phần sáng sủa hơn...
Hành trình tìm “bị hại” của vụ án năm xưa
Tại nhà bố mẹ chị Liễu, sau khi thấy người khách lạ trình bày về tình cảnh oan trái liên quan trực tiếp đến con gái mình, bố đẻ chị Liễu là cụ Dương Văn Phòng, dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng vẫn rớt nước mắt thương cảm. Cụ an ủi bà Hằng rồi đề nghị bà để lại số điện thoại, khi nào chị Liễu về cụ sẽ liên lạc lại.
Chị Dương Thị Liễu khẳng định với PV rằng bà Hằng không phải là người bán chị và hứa sẽ giúp bà Hằng đến cùng.
Trở về căn nhà rách nát tại phường Mỹ Độ (TP. Bắc Giang), bà Hằng ngay lập tức gác tất cả mọi việc, lên kế hoạch tỉ mẩn hòng tìm kiếm bằng được chị Liễu, “nhân chứng sống” duy nhất có thể giải oan được cho mình. Tuy nhiên, giữa Thủ đô Hà Nội, việc tìm kiếm một người giúp việc không sử dụng điện thoại di động và liên tục chuyển chỗ làm chẳng khác gì mò kim đáy bể. Sau gần 2 tháng tìm kiếm, bà Hằng bất ngờ nhận được tin báo của cụ Phòng nói rằng Liễu đã về và cũng hết sức bất ngờ trước những gì được thuật lại.
Bà Hằng nghẹn ngào kể lại với tôi giây phút gặp gỡ vô cùng quan trọng của cuộc đời: “Ngay khi hay tin, tôi vội đi xe ôm một mạch đến nhà bố mẹ Liễu. Đoạn vào nhà lầy lội nên lái xe đi rất chậm. Tôi bảo anh ta quay về rồi cứ thế chân trần chạy bộ vào. Trước cửa nhà, tôi thấy một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, người gầy gò khắc khổ, tôi đoán là Liễu rồi cứ thế chạy vào ôm chặt cô ta, gào lên: “Em ơi, chỉ vì em mà chị ngồi tù oan 5 năm giời, nhà chị tan cửa nát nhà!”. Liễu thấy vậy cũng xúc động, giọng lạc đi: “Sao chị ngu thế? Người bán em là người khác cơ. Chị không làm sao, lại nhận để bây giờ phải khổ thế này?”.
Thế rồi cả hai phận đời cay đắng ấy cứ ôm nhau mà khóc, sớt chia những tháng ngày tận cùng khổ hạnh. Bà Hằng kể, phải lâu lắm rồi những giọt nước mắt của bà mới lại tuôn rơi, phần vì sung sướng khi gặp được “nhân chứng sống”, phần vì thực sự cảm thương với cuộc đời khốn cùng của chị Liễu. Cuộc đời người đàn bà bị bán cũng cay đắng và đong đầy nước mắt, có chăng chỉ không lâm cảnh tù tội như bà Hằng.
Nhân chứng sống trở về
Sẵn sàng ra tòa làm chứng để minh oan cho bà Hằng Theo lời chị Dương Thị Liễu, mặc dù rất thương cảm với cảnh đời khốn quẫn, nhà tan cửa nát của bà Hằng, nhưng vì cũng lâm cảnh khánh kiệt, phải đi làm thuê nên chị cũng chỉ biết giúp bà Hằng bằng những hành động cụ thể, chứ không có tiền để hỗ trợ bà Hằng trong quá trình kêu oan. “Tôi đã viết giấy xác nhận và sẵn sàng ra tòa làm chứng để minh oan cho bà Hằng nếu tòa án xem xét lại vụ án. Tôi cũng rất mong các anh chung tay giúp bà ấy mau lấy lại sự trong sạch để đời bà ấy đỡ khổ”, chị Liễu nói. |
Cũng ngay trong ngày, chị Liễu đã nhờ bố đẻ viết giấy xác nhận và tự ký vào văn bản để minh oan cho bà Hằng (chị Liễu mắt kém, không viết được những văn bản dài – PV). “Chị Liễu nói đi đến đâu cũng đi nếu minh oan được cho tôi”, bà Hằng tâm sự.
Sau quá trình tìm hiểu thông tin thực tế tại nơi bà Hằng sinh sống, tôi tiếp tục hành trình xác minh tính thực hư câu chuyện đời tận khổ của bà Hằng qua một nguồn thông tin khác nhưng cũng quan trọng không kém: Chị Dương Thị Liễu.
Một ngày đầu tháng 12/2013, tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), chị Liễu (lúc này đang bán hàng thuê cho cửa hàng tại địa phương) xác nhận với PV những gì bà Hằng kể là đúng sự thật.
“Lần đầu gặp nhau, lúc bà Hằng nói vì tôi mà bà mới bị đi tù oan. Tôi bảo tôi đâu có biết chị là ai mà chị lại nói thế, nhưng bà ấy lấy bản án ra đọc cho tôi nghe. Tôi vô cùng sửng sốt bởi tôi có gặp bà ấy bao giờ đâu mà bản án lại viết là tôi gặp bà ấy và kết tội như thế? Án kết như thế thì là kết tội oan cho bà ấy rồi!”, chị Liễu nhớ lại.
Theo lời chị Liễu, chị bị 2 đối tượng tên là Hồng và Ngọ bán sang Trung Quốc chứ không phải bà Hằng. "Trong đường dây mua bán phụ nữ này cũng có một người phụ nữ tên Hằng nhưng là Hằng khác, sống ở Bằng Tường (Trung Quốc) rất trẻ và xinh chứ không già và thấp bé như bà Đỗ Thị Hằng", chị Liễu nói. Về câu chuyện cuộc đời mình, chị Liễu nghẹn ngào cho biết những gì chị trải qua vô cùng cay đắng, có nhiều nỗi đau giống như bà Hằng đã phải gánh chịu.
Theo đó, ngày định mệnh của cuộc đời chị là một chiều hè nóng nực của gần 20 năm về trước. Cái ngày oan nghiệt đã khiến không chỉ chị mà nhiều người khác cũng phải chịu cay đắng theo.
Chị kể: “Tôi và chồng cũ dù đã có 2 mặt con, nhưng thường xuyên xảy ra va chạm, anh Tuấn rất hay đánh vợ. Mắt tôi bị thuốc sâu đổ vào nên kém lắm, nhiều lúc không phân định được sáng tối. Chính vì thế tôi bị chồng đánh vì nghĩ tôi đi chơi về muộn nhưng thực ra là tôi đi làm ruộng, không nhận ra tối lúc nào. Bị đánh oan, lại vừa bị chồng rủa chết đi để được lấy vợ khác, tôi uất ức quá bỏ nhà đi và tình cờ quen Hồng, sau đó được cô ta rủ về nhà để giúp kiếm việc làm”.
Chữ ký của chị Liễu trong tờ giấy xác nhận.
Hồng tỉ tê rủ chị Liễu lên Cao Bằng, Bắc Kạn buôn bán, nói rằng trên đó buôn bán rất thuận, kiếm được nhiều tiền. Đang lúc giận chồng, vả lại nghĩ có tiền thì chồng sẽ không khinh bỏ nên chị Liễu đồng ý ngay. Sau đó, Hồng đèo chị Liễu bằng xe máy đi đến đoạn đầu cầu sắt Bắc Giang, giao lại cho Ngọ rồi người đàn ông này mua vé tàu đưa chị lên Lạng Sơn, vào sâu trong Bằng Tường, giao cho một người phụ nữ Việt Nam tên Hằng. Lúc này, chị Liễu mới biết mình bị bán.
Sau khi ở nhà Hằng được 8 ngày, chị Liễu bị ép lên xe đưa ra đảo Hải Nam. Tại đây, ban đầu chị Liễu bị bắt làm nương rẫy, thi thoảng lại bị gọi ra để những người đàn ông bản địa xem mặt.
Quệt ngang dòng nước mắt hồi tưởng những ngày tháng cơ cực, chị Liễu kể tiếp: “Lúc đó có nhiều người đến hỏi mua nhưng ai đến hỏi, tôi đều bảo không đẻ được nữa nên họ bỏ về. Thấy thế chủ nhà dọa rằng nếu không khai thật sẽ đánh chết, vứt xác xuống sông, nên tôi đành khai là vẫn đẻ được. Một hôm có người tên là Hồ Dốc Tùng đến xem mặt. Tôi thấy anh này hiền lành nên ưng thuận. Hồ Dốc Tùng phải trả một khoản tiền lớn để đem tôi về làm vợ”.
Thế nhưng, may mắn cho chị Liễu, Hồ Dốc Tùng là một người đàn ông tốt, hiền lành, chăm chỉ. Sau khi sinh cho Tùng liền lúc 2 người con là Hồ Lý La (SN 1997) và Hồ Dốc Phồn (SN 1999), chị Liễu lại càng được Tùng yêu chiều, chẳng phải làm gì nặng nhọc.
Cùng chung một kiếp trầm luân
Dù đã có cuộc sống mới yên ả, sung túc nhưng chị Liễu bảo, chị vẫn luôn nhớ thương chồng con nơi quê nhà. Chính vì vậy, đầu năm 2006, khi có cơ hội, chị đã xin phép nhà chồng cho về thăm quê hương, hẹn đúng 10 ngày sau trở lại. Thế nhưng khi chị Liễu về đến nhà, anh Tuấn, chồng chị, lập tức nổi cơn tam bành, đốt toàn bộ giấy tờ của chị để ngăn không cho đi nữa. Không còn giấy tờ, không số điện thoại, chị Liễu cũng đứt liên lạc luôn với 2 đứa con thơ bên Trung Quốc.
Những tưởng sau 10 năm trời đằng đẵng xa cách, hạnh phúc sẽ lại mỉm cười với người đàn bà bất hạnh, nào ngờ, chưa đầy 1 năm sau, đứa con trai duy nhất của chị với anh Tuấn bị tai nạn chết. Anh Tuấn ngay lập tức lấy cớ ly dị để về sống với người phụ nữ khác. Hiện tại, chị Liễu đang vất vưởng làm thuê hết nơi này đến nơi khác hòng kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống của mình.
Long Nguyễn
(Còn nữa)