Phạm Thị Xuân (SN 1952, trú tại Tiền Hải, Thái Bình) được xác định có liên quan đến cái chết của cháu nội 20 ngày tuổi. Ngày 25/11, bố mẹ cháu bé thông báo tới cơ quan công an con họ bị một đôi nam nữ cướp khi đang được bà nội bế. Ngay sau đó, công an mời tất cả những người biết việc liên quan về trụ sở phục vụ công tác điều tra.
Ngày 27/11, thi thể cháu bé được phát hiện. Sau đó, công an chính thức phát đi thông báo đối tượng Xuân có liên quan đến cái chết của cháu bé. Do vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp nên cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra và dự kiến sang tuần sẽ công bố thông tin ban đầu.
Nhiều người cho rằng, cơ quan điều tra xác định được nghi phạm nhưng chưa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can cũng như bắt giữ với đối tượng gây án, PV báo Người Đưa Tin đã tham vấn ý kiến của luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Theo luật sư Ứng, trong vụ án này, theo quy định của pháp luật, nếu cháu bé tử vong có dấu hiệu bất thường thì cơ quan điều tra phải tiến hành khởi tố để điều tra. Việc khởi tố thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Ứng phân tích: “Luật quy định khi có dấu hiệu của một vụ án hình sự, tức là dấu hiệu của một cái chết không bình thường, chết do nghi ngờ bị sát hại có dấu hiệu của phạm tội thì cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.
Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra xác định ai là nghi can, ai liên quan đến việc này thì lúc đấy cơ quan điều tra thực hiện biện pháp thứ hai đó là tổ chức xác minh lấy lời khai và tiến hành các hoạt động điều tra.
Cơ quan điều tra có khởi tố vụ án được thì mới tiến hành các hoạt động điều tra được. Lúc đó mới có thể tổ chức dựng lại hiện trường, khám nghiệm, trưng cầu giám định... Quá trình khởi tố vụ án xong, trong quá trình điều tra xác minh cơ quan điều tra xác định ai là người có hành vi phạm tội thì lúc đó mới khởi tố bị can. Điều đó là điều hoàn toàn đúng pháp luật.
Trong bối cảnh hiện nay có nhiều thông tin trái chiều về vụ việc, cơ quan điều tra phải tổ chức xác minh kỹ lưỡng là sự thận trọng của cơ quan điều tra và là sự cần thiết. Điều này không có nghĩa là cơ quan điều tra chậm trễ.
Bản thân cháu bé đã mất rồi, bố mẹ cháu thì không biết sự việc, vụ án phụ thuộc vào mỗi lời khai của đối tượng là bà nội. Mà lời khai của bà này thì “tiền hậu bất nhất" lúc thì bảo do mê tín dị đoan, lúc thì bảo làm rơi".
"Cơ quan điều tra thận trọng vì hiện nay hướng điều tra chỉ phụ thuộc vào mỗi lời khai của bà này. Mà lời khai của bị can bị cáo theo quy định của luật “lời nhận tội” của họ không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội. Vậy cơ quan điều tra phải tìm ra chứng cứ khác.
Vụ án xảy ra được vài ngày, công an chưa khởi tố thì điều đó cũng không có gì là chậm trễ cả. Dư luận đang quan tâm nên việc cơ quan công an thận trọng nên tôi cho rằng là hoàn toàn phù hợp và chính xác”, luật sư Ứng cho biết.
Luật sư Ứng chia sẻ, việc tạm giữ nghi can trong vụ án này thực hiện theo quy định của luật Tố tụng Hình sự. Luật quy định cơ quan điều tra được tạm giữ những người có nghi ngờ liên quan đến vụ án. Quyết định tạm giữ phải tuân theo trình tự thủ tục phải có sự phê chuẩn của VKS, gia hạn 3 lần, không quá 9 ngày tạm giữ. Sau 9 ngày, một là cơ quan điều tra không làm rõ được hành vi phạm tội của bà này thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ.
Sau 9 ngày tạm giữ mà vẫn không chứng minh được hoặc chưa chứng minh được, chưa đủ tài liệu để chứng minh được người bị tạm giữ là nghi can thì buộc cơ quan điều tra phải ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và tiếp tục phải điều tra, xác minh.
“Chứ không phải là trong 9 ngày anh phải chứng minh được hành vi phạm tội của người này, nếu không làm được thì thôi đâu. Tạm giữ để cách ly, tránh nghi can xóa dấu vết...”, luật sư Ứng cho biết thêm.
Trường hợp thứ hai, đủ căn cứ để khởi tố bị can thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Những ngày tạm giữ này được tính vào vào thời gian thi hành án sau này của đối tượng nếu bị kết án.
Xuân Hòa