Câu chuyện minh bạch trong khối tài sản "khủng" của Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đang được dư luận đặc biệt chú ý. Có lẽ bởi, với một người làm lãnh đạo ở cơ quan Nhà nước thì số tài sản hàng trăm tỷ đồng là khó tưởng tượng.
Mặc dù bộ Công Thương đã lên tiếng xác nhận, nguồn gốc tài sản là vốn cổ phần từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng với 18 năm công tác tại công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, nhưng dư luận không khỏi nghi ngại, đặt nhiều dấu hỏi về tính minh bạch trong tài sản bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ.
Trước những thông tin mà báo chí phản ánh, ngày 16/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với ban Tổ chức Trung ương, ban Nội chính Trung ương, ban Cán sự Đảng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Tài chính, bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng đồng tình và vui mừng trước sự chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư với vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
“Tôi rất hoan nghênh việc Tổng Bí thư đã có chỉ đạo các cơ quan làm rõ những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm liên quan đến tài sản "khủng" của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Sự chỉ đạo kịp thời khiến dư luận thêm tin tưởng vào quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung, cũng như việc làm trong sạch bộ máy cán bộ. Các cơ quan chức năng đã nhận được ý kiến chỉ đạo cần sớm vào cuộc để làm rõ những thông tin mà báo chí nêu”, ông Thưởng nói.
Vị nguyên Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương cũng đặt ra nghi ngại: “Tôi nghĩ trong câu chuyện này đã có những biểu hiện của lợi ích nhóm. Trong quá trình kiểm tra cần làm rõ từ những người đã đề bạt bà Hồ Thị Kim Thoa ở bộ Công Thương, trong đó có trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng, hay đến những cơ quan liên quan. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một người có nhiều cổ phần, cổ phiếu với số tài sản "khủng" như vậy mà vẫn được đề bạt làm Thứ trưởng?”.
“Rõ ràng là có chuyện không kiểm tra, đánh giá cán bộ một cách sâu sát, đúng mức trước khi đề bạt. Ngay như việc tiến hành kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng thời gian qua là chưa có gì liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa. Nhưng chắc chắn ông Vũ Huy Hoàng có trách nhiệm trong câu chuyện này và tôi nghĩ cần phải làm rõ”, ông Thưởng nêu quan điểm.
Để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư một cách hiệu quả, theo ông Thưởng cần bám sát những quy định của luật pháp để kiểm tra chi tiết, cụ thể. Phải có cả quá trình điều tra, thậm chí làm rõ có hay không chuyện ưu tiên người có tiền gom cổ phiểu, cổ phần sai quy định.
Ông Thưởng cũng cho rằng, không khó để kiểm tra rõ về vấn đề tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa. Thậm chí có thể làm rõ có hay không hiện tượng đánh giá tài sản doanh nghiệp không chính xác, hạ thấp giá trị cổ phần để mua cho dễ. Như thế là một “mánh khóe” làm mất tiền của Nhà nước.
"Tôi thấy trong câu chuyện này có cả trách nhiệm của việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tôi tin tưởng rằng, với việc Tổng Bí thư chỉ đạo quyết liệt, chắc chắn sẽ đạt kết quả minh bạch. Tuy nhiên, các cơ quan hữu quan nên chú ý làm đúng với những gì mà Tổng Bí thư đã yêu cầu", nguyên Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Dương Thu