Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện: Căn cứ nào đòi bồi thường 1.000 tỷ?

Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện: Căn cứ nào đòi bồi thường 1.000 tỷ?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 5, 03/06/2021 14:30

Luật sư Trần Hữu Thung (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng bà Lê Thị Giàu rất khó chứng minh số tiền thiệt hại lên đến 1.000 tỷ đồng.

Mới đây, TAND quận 1 cho biết vừa thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây) và bị đơn Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam).

Bàn về vấn đề pháp lý liên quan đến sự việc này, Người Đưa Tin Pháp Luật đã có trao đổi với luật sư Trần Hữu Thung (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Luật sư đánh giá thế nào về động thái của bà Lê Thị Giàu khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường 1000 tỷ gần đây?

Quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín là một quyền cơ bản của mọi công dân được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 34 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Bất kỳ cá nhân nào nếu cho rằng mình bị người khác xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín thì hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự ra tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chưa nói ai đúng, ai sai nhưng ở góc nhìn cá nhân, tôi đánh giá việc bà Lê Thị Giàu - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (Nguyên đơn) khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam (Bị đơn) ra Tòa án nhân dân Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh là cách hành xử rất văn minh, đúng đắn và tôn trọng pháp luật. Thay vì lên mạng xã hội lời qua tiếng lại không có hồi kết, với việc Tòa án Quận 1 thông báo thụ lý giải quyết thì Tòa án sẽ là bên trung gian đứng ra phân xử một cách công bằng, khách quan và đúng pháp luật.

"Về án phí, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, trong trường hợp khởi kiện liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì không phải chịu án phí sơ thẩm và không đóng tạm ứng án phí theo quy định về án phí có giá ngạch", luật sư Thung cho biết. 

Cơ sở nào để bà Lê Thị Giàu đòi bồi thường lên tới 1000 tỷ, thưa luật sư?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bà Giàu cũng có quyền yêu cầu bồi thường một khoản để để bù đắp tổn thất về tinh thần nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở tương đương 14,9 triệu đồng vào thời điểm hiện tại.

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ngoài ra, Bà Lê Thị Giàu có quyền yêu cầu bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút Thiệt hại khác do luật quy định nhưng phải kèm theo đó là nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ, tài liệu chứng minh hợp lệ để chứng minh cho yêu cầu của mình.

Tuy nhiên, thực tế tham gia nhiều vụ việc tương tự tôi nhận thấy, việc chứng minh thiệt hại không phải là việc đơn giản và số tiền yêu cầu bồi thường lên tới 1000 tỷ là không thực tế. 

Ngoài yêu cầu bồi thường thì phía Bà Giàu còn có quyền nào khác thưa luật sư?

Cho dù yêu cầu bồi thường thiệt hại 1.000 tỷ có được Tòa án chấp nhận hay không thì phía bà Giàu là nguyên đơn nếu thắng kiện có quyền buộc phía bị đơn là bà Hằng phải chấm dứt hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của mình đồng thời gỡ bỏ các video, clip livetream khỏi các nền tảng mạng xã hội thậm chí xin lỗi công khai hoặc cải chính thông tin trên báo chí.

 Cá nhân tôi cho rằng, có lẽ đây mới là mục đích chính mà bà Giàu cũng luật sư của mình đang hướng tới khi theo đuổi vụ kiện này.

Trong đơn kiện, bà Lê Thị Giàu tố bà Hằng có lời lẽ xúc phạm tới uy tín nhãn hiệu "Mì Lá Bồ Đề" và "Dầu Nhị Thiên Đường", "Nước tương" là thương hiệu đểu, chứng nhận giả. Theo bà Giàu các nhãn hiệu này do bà làm chủ, đang hoạt động, sản xuất bình thường. Luật sư đánh giá thế nào về vấn đề này?

Góc nhìn của tôi thì những phát ngôn của bà Hằng khá trực diện, nghiêm trọng. Pháp luật có quy định rõ về trình tự, thủ tục liên quan tới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Một người chỉ được coi là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu khi được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Nếu như kèm theo đơn khởi kiện ngày 17/5/2021 gửi Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mà bà Giàu cung cấp được các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với các nhãn hiệu nêu trên thì các phát ngôn của bà Hằng là không đúng sự thật. Khi đó, chắc chắn bà Hằng sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro pháp lý.

Nếu như do phát ngôn của bà Hằng dẫn tới các nhãn hiệu hàng hóa trên bị mất uy tín trên thị trường hoặc bị giảm sút về doanh thu, mà chứng minh được thì bà Hằng có khả năng phải bồi thường. 

Trong đơn kiện, bà Lê Thị Giàu trình bày ngày 14/5, trên mạng xã hội YouTube, tài khoản Vnews24h đưa hình ảnh bà Nguyễn Phương Hằng livestream chủ đề: "Bà Nguyễn Phương Hằng công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh khiến người nghe bất ngờ".

Nguyên đơn cho rằng bị đơn có lời lẽ xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm. Cụ thể, theo bà Giàu, bà Hằng đã đưa ra nhiều thông tin bịa đặt, như: bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo; bà Giàu và ông Võ Hoàng Yên không đội trời chung… Không chỉ vậy, bà Hằng nói rằng 3 thương hiệu do bà Giàu làm chủ là "thương hiệu đểu, chứng nhận giả". Trong buổi livestream đó, bà Hằng tỏ thái độ coi thường pháp luật, thách thức bà Giàu khởi kiện.

Cũng theo bà Giàu, trước đây, bà thường nhận tin nhắn có lời lẽ xúc phạm, đe dọa từ bà Hằng. Dù bà Giàu nhắc nhở, đề nghị chấm dứt hành động trên nhưng bà Hằng vẫn tiếp tục. Vì thế, bà Giàu đã lập vi bằng ghi nhận lại những sự việc này, làm căn cứ trước pháp luật.

Từ những lý do đó, nguyên đơn đề nghị tòa sơ thẩm buộc bị đơn chấm dứt hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của nguyên đơn; yêu cầu bị đơn gỡ bỏ nội dung trên mạng xã hội; công khai xin lỗi, cải chính.

Đồng thời, nguyên đơn cũng đưa ra mức yêu cầu bồi thường 1.000 tỷ đồng. Đây là khoản thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần theo phía nguyên đơn tính toán.

H.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.