Sách Cổ học tinh hoa – trích Liệt Tử dẫn chuyện: Ở Châu Ký có hai quả núi Thái Hàng và Vương Ốc to bảy trăm dặm, cao muôn thước, cây cối rậm rạp, nhiều ác thú. Ngay dưới chân núi có nhà của ông lão tuổi đã chín mươi. Hàng ngày thấy núi non cản trở việc đi lại khó khăn nên bực tức. Một hôm, cụ họp gia đình lại bàn bạc:
- Ta muốn ra sức bạt phẳng hai quả núi này để làm đường đi thì có nên không?
Nhiều người đồng tình, nhưng cũng có ý kiến ngần ngại:
- Ông tuổi cao sức yếu thế kia làm sao dời nổi hai quả núi. Mà đất, đá đào lên rồi đem đổ đi đâu?
Ông lão kiên định:
- Khuân đổ ra bể Đông. Khi ta chết thì có con, có cháu, có chắt... tiếp tục công việc. Hết đời này qua đời khác, cứ bền lòng lao động lo gì không bạt phẳng núi.
Nói là làm, cả nhà họ bắt tay ngay vào việc phá núi. Dân trong vùng thấy vậy bán tín bán nghi, kinh ngạc gọi ông lão bằng tên Ngu Công (theo Cổ học tinh hoa – NXB Trẻ năm 1992, chú thích tại dòng 5, trang 419 thì Ngu Công: ông lão ngu).
Nhờ vậy mà sau này tại vùng Châu Ký việc đi lại trở nên thuận tiện.
Đó là truyền thuyết Trung Hoa. Nay, luận cố suy kim dẫn chuyện: Tại Đà Nẵng, có bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8km về hướng Ðông Bắc, diện tích hơn 60km2. Bán đảo Sơn Trà có nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, với hệ thống núi non trùng điệp còn vẻ hoang sơ. Nơi đây được mệnh danh “mắt thần Đông Dương”, là “báu vật”, “lá phổi xanh” của thành phố và cũng là khu vườn chung sinh tồn phát triển nhiều hệ động vật, thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc.
Trong cơn sốt đất resort ở Đà Nẵng những năm qua, nhiều công ty đã... nhanh chân lẹ tay “xí phần” đắc địa trên bán đảo Sơn Trà để xây dựng quần thể các khu nghỉ dưỡng. Hậu quả là nhiều vùng đồi núi tại bán đảo Sơn Trà bị “băm nát” nham nhở, tạo sự bất bình trong dư luận. Nổi cộm mới đây, có trường hợp thi công kết cấu 40 đế móng căn hộ biệt thự không phép của công ty CP Biển Tiên Sa mà chính quyền địa phương lại chẳng hề hay biết.
May nhờ có người đi câu cá phát hiện việc làm sai trái của Công ty này, lập tức báo chí vào cuộc, nên ngày 23/3 ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có thông báo kết luận “Yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công xây dựng; xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật”.
Vậy nhưng, đến ngày 30/3, lãnh đạo công ty CP Biển Tiên Sa cho biết đơn vị đã có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan và TP. Đà Nẵng, mục đích giải trình những vấn đề liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.
Chủ đầu tư cho rằng họ có trách nhiệm tổ chức thi công xây dựng công trình miễn giấy phép theo quy định, tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt. Do đó, đơn vị này đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan xem xét và cho ý kiến chỉ đạo để công ty "tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành".
Việc “băm nát” bán đảo Sơn Trà khiến lòng dân không thuận thì sao lại có thể “tiếp tục triển khai”? Riêng trường hợp này, câu ngôn hành của lão Ngu “Bí quyết thành công là nhất định không thay đổi mục đích” xem ra phi tác dụng.
Liên quan đến vấn đề “nóng” ở Sơn Trà, T.S Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nêu nhận định trên báo Tuổi Trẻ online ngày 3/2: “Phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư là tất yếu nhưng không thể vì thế mà không đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước. Với những vị trí chiến lược như Vũng Áng, đèo Hải Vân, Sơn Trà, Tây Nguyên... mà chỉ chú trọng mục đích kinh tế, không tính toán đến nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước là sai lầm cực kỳ nguy hiểm”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cũng bày tỏ: “Từ chuyện phát hiện 40 móng biệt thự xây trái phép trên bán đảo Sơn Trà, cần nhìn lại một cách tổng thể cách ứng xử của chính quyền địa phương với những vị trí có tầm quan trọng quốc gia như vậy xem cách ứng xử đó phù hợp hay chưa, có vì quyền lợi của dân tộc hay không, hay vì quyền lợi của một vài người?”.
Qua đây có thể thấy hành động thực tế khác với Ngu Công thuở nào, đó là phá núi vì lợi ích chung ắt lưu lại được tiếng thơm, còn “khôn tư” ngày nay cũng... bạt núi nhưng muôn dân chẳng đồng tình.
Mượn lời của KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, để kết thúc câu truyện kể: “Tất cả can thiệp thô bạo của con người lên tài sản thiên nhiên cần phải lên án mạnh mẽ, không thể làm sai rút kinh nghiệm là xong”!
Lệ Hoa
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả