Toà cản trở báo chí tác nghiệp
Cách đây không lâu, TAND quận 5, TP.HCM thụ lý vụ công ty TNHH Thành Bưởi (công ty Thành Bưởi, trụ sở quận 5, TP.HCM) yêu cầu báo Giao thông (trụ sở quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín.
Trong đơn khởi kiện, công ty Thành Bưởi cho rằng báo Giao thông đăng tải những bài báo có nội dung liên quan đến công ty này là không đúng sự thật, xâm phạm quyền lợi của mình. Trong quá trình tòa đang giải quyết vụ kiện thì báo Giao thông lại tiếp tục đăng bài.
Theo yêu cầu của nguyên đơn, ngày 23/3/2017, thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích của TAND quận 5 ký Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 72, buộc báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức khác các bài báo mới liên quan đến Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế, phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” trong quá trình giải quyết vụ án, cho đến khi tòa giải quyết xong vụ án.
Theo các chuyên gia pháp lý, quyết định này vi phạm nghiêm trọng luật Báo chí. Ngay sau đó, lãnh đạo toà này đã kịp thời huỷ ngay quyết định gây ầm ĩ nói trên. Được biết, quyết định huỷ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông được TAND quận 5 căn cứ theo đơn của công ty Thành Bưởi gửi toà, xin rút đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Phạm Xuân Anh, nguyên Chánh án TAND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phân tích: “Chánh án TAND quận 5 đã ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích ký ngày 23/3/2017. Rõ ràng Quyết định số 72 có dấu hiệu sai sót hoặc chưa chính xác”.
Hơn 30 năm công tác trong ngành toà án, ông Phạm Xuân Anh chưa từng gặp trường hợp tương tự. Theo ông, thẩm phán đã thể hiện sự “nóng vội” khi ra Quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời số 72.
Theo luật Báo chí, khi cơ quan báo chí đăng tải thông tin, các bên liên quan có quyền phản hồi về những thông tin đó. Người đứng đầu cơ quan báo chí phải có trách nhiệm trả lời.
“Trong trường hợp này, công ty Thành Bưởi nên áp dụng luật Báo chí hơn là khởi kiện báo Giao thông ra toà”, ông Phạm Xuân Anh nêu ý kiến.
Nói về trách nhiệm của thẩm phán khi ban hành quyết định bị hủy, ông Xuân Anh cho rằng: “Thông thường, khi thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó cảm thấy chưa có căn cứ thì cấp trên của thẩm phán (chánh án hoặc phó chánh án) có quyền ra quyết định huỷ quyết định đó. Về mặt tố tụng dân sự, đây không được coi là một lỗi trong hoạt động xét xử”.
Theo ông Xuân Anh, ở đây 2 cơ quan nhận thức pháp luật khác nhau dẫn đến áp dụng pháp luật khác nhau (tòa án áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự, còn báo Giao thông hoạt động theo luật Báo chí). Chính vì nhận thức khác nhau dẫn đến việc vận dụng luật áp dụng khác nhau.
Ông Xuân Anh nêu ý kiến: “Công ty Thành Bưởi (nguyên đơn) khởi kiện báo Giao thông ra TAND quận 5 thì báo Giao thông (bị đơn) có quyền yêu cầu toà cung cấp những thông tin, căn cứ khởi kiện, lý do khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn buộc phải biết mình bị kiện vì lý do gì? Nếu thấy không thoả đáng, báo Giao thông hoàn toàn có quyền khiếu nại các quyết định của toà án”.
Trao đổi với PV, một thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội (xin được giấu tên) nêu quan điểm: “Việc báo Giao thông đăng tải thông tin về hoạt động của công ty Thành Bưởi đã nảy sinh sự kiện pháp lý. Hiện tại TAND quận 5 đang thụ lý, giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự. Cá nhân tôi cho rằng vụ việc này nên áp dụng luật Báo chí để giải quyết hơn là áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự bởi báo chí là hoạt động đặc thù, được điều chỉnh bởi luật Báo chí”.
Thẩm phán sai, ai xử?
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc thẩm phán TAND quận 5 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông sẽ xảy ra 2 tình huống: Nếu là lỗi vô ý, do vội vàng hoặc trình độ chuyên môn của thẩm phán có hạn thì không bàn đến. Nhưng nếu cơ quan chức năng chứng minh được việc ra quyết định đó có lợi ích nhóm, vì động cơ cá nhân, biết sai nhưng vẫn cố tình làm, thì sẽ xử lý ra sao? Đây là câu hỏi được dư luận đặt biệt quan tâm.
“Nếu làm rõ, chứng minh được quyết định của thẩm phán là trái luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của báo Giao thông thì có thể xử lý hình sự về tội Ra quyết định trái pháp luật (Điều 296 Bộ luật Hình sự)”, ông Phạm Xuân Anh nêu quan điểm.
Điều 296 quy định: “1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm;
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Ông Phùng Thế Huân (người đại diện theo uỷ quyền của báo Giao thông): Toà ngăn cản hoạt động tự do báo chí Báo Giao thông khẳng định Quyết định số 72/2017 của TAND quận 5, TP.HCM đã vi phạm nghiêm trọng luật Báo chí, ngăn cản hoạt động tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công dân, bảo vệ cho các sai phạm của công ty Thành Bưởi. Quyết định này của TAND quận 5 đã đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước về báo chí, về phòng chống tiêu cực, về xóa bỏ “xe dù”, “bến lậu”. |
Nhóm PVPL