Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” bắt đầu xét xử từ ngày 11/7. Đến hết ngày 14/7, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi các bị cáo và chuyển sang phần tranh tụng vào sáng 17/7.
Trong 4 ngày làm việc đầu của phiên tòa, HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư bào chữa đã xét hỏi tất cả 54 bị cáo vụ án.
Hầu hết các bị cáo đều nhận thức được sai phạm của mình, thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, bày tỏ sự ăn năn hối cải.
Tuy nhiên, có 3 bị cáo trong phần xét hỏi không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận các cáo buộc theo nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát và kết quả điều tra.
Bị cáo nói không đưa hối lộ, quan chức khẳng định có nhận
Thứ nhất là bị cáo Trần Minh Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần Thái Hòa. Trong các lần được xét hỏi, bị cáo này đều phủ nhận cả 2 tội danh đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Viện Kiểm sát truy tố.
Theo đó, về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cáo trạng cho rằng Phạm Bích Hằng - Giám đốc Công ty Vinamichi đã chuyển 12,8 tỷ đồng cho Trần Minh Tuấn để Tuấn cho các chi phí xin cấp phép chuyến bay, cách ly y tế và tổ chức chuyến bay. Tuấn đã thanh toán tiền thuê máy bay 4,3 tỷ đồng; đưa hối lộ 799 triệu đồng cho nhiều quan chức; trả lại 1,3 tỷ đồng cho Hằng; được Hằng trả công 1,2 tỷ đồng theo thỏa thuận; chi 100 triệu đồng khi xin cấp phép cách ly. Số tiền còn lại là hơn 5 tỷ đồng, Trần Minh Tuấn chiếm đoạt của Hằng.
Tuy nhiên, Trần Minh Tuấn phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng đã trả lại toàn bộ hơn 5 tỷ đồng trên bằng tiền mặt cho Hằng. Bị cáo Tuấn khẳng định đã “giao tiền trực tiếp nhưng vì tin tưởng Hằng nên chủ quan không làm giấy biên nhận”.
Liên quan đến cáo buộc đưa hối lộ gần 800 triệu đồng cho nhiều quan chức, bị cáo Trần Minh Tuấn cũng khẳng định có gặp nhiều cán bộ có thẩm quyền để mong “góp sức tổ chức các chuyến bay giải cứu đồng bào” nhưng “không đưa bất cứ khoản tiền nào cho bất kỳ ai.
Nhận thấy có sự khác biệt trong lời khai của Trần Minh Tuấn với cáo trạng và lời khai của nhiều bị cáo khác, HĐXX đã tiến hành đối chất với các bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đỗ Hoàng Tùng – cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Lê Tuấn Anh – cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự và cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Chử Xuân Dũng. Những cựu quan chức này đều thừa nhận việc đã nhận tiền tiền hối lộ của Tuấn.
Tiền hối lộ hay tiền cho vay?
Bị cáo thứ hai không thừa nhận hành vi phạm tội là bị cáo Ngô Quang Tuấn – cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GTVT. Ngô Quang Tuấn bị cáo buộc trong quá trình đề xuất giải quyết cấp phép các chuyến bay combo, đã nhận hối lộ 9 lần, số tiền 1.6 tỷ đồng và 10.000 USD của 4 cá nhân giúp giải quyết cấp phép các chuyến bay.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và khai nhận tại phiên tòa, Tuấn đều khẳng định không nhận tiền từ bất kỳ cá nhân hay đại diện doanh nghiệp nào liên quan đến chuyến bay giải cứu.
Liên quan đến chi tiết Vũ Anh Tuấn – cựu Trưởng Phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh thừa nhận đã chuyển tiền cho Ngô Quang Tuấn thông vào tài khoản của Ngô Thị Lan Phương (chị gái Tuấn). Ngô Quang Tuấn thì lại cho rằng “đây là khoản vay Vũ Anh Tuấn hộ chị gái và đã trả lại”.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy – Giám đốc Công ty ATA khẳng định đã chuyển tiền cho Ngô Quang Tuấn 5 lần, tổng cộng 1.3 tỷ đồng vào tài khoản của Ngô Thị Lan Phương và số tài khoản do là Ngô Quang Tuấn cung cấp. Bị cáo Phan Thị Mai – Giám đốc Công ty Sao Hà Nội khai nhận đã gặp mặt, đưa trực tiếp 200 triệu đồng cho Ngô Quang Tuấn.
Ngô Quang Tuấn cho rằng không biết về việc Nguyễn Thị Tường Vy chuyển tiền cho Ngô Thị Lan Phương và khẳng định chưa từng gặp, nhận tiền của Phan Thị Mai.
HĐXX đã xét hỏi thêm người làm chứng Ngô Thị Lan Phương. Người này thừa nhận vay của Nguyễn Thị Tường Vy 1,3 tỷ đồng và cam đoan “đây là lời khai chính xác”.
Về việc Ngô Quang Tuấn có tác động gia đình để gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả vụ án, Thẩm phán Bùi Quang Huy có chất vấn “nếu bị cáo đã khẳng định không phạm tội, tại sao lại đề nghị gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả?”, bị cáo này cho rằng “vì bị cáo trạng truy tố nên vẫn nộp tiền khắc phục”.
Trần Minh Tuấn và Ngô Quang Tuấn cũng là 2 bị cáo không được áp dụng bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào.
Cựu Điều tra viên có nhận tiền chạy án hay không?
Bị cáo thứ ba không thừa nhận hành vi phạm tội, bác bỏ cáo trạng là Hoàng Văn Hưng – Cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (từng là Điều tra viên thụ lý vụ án này). Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng phòng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an (từng là điều tra viên trong vụ án này) bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, Hưng là người đã nhận tiền nhiều lần của Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Công ty Bluesky, hai bị cáo về tội “Đưa hối lộ” của vụ án này) thông qua Nguyễn Anh Tuấn (cựu Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội) để chạy án. Các lời khai của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Nguyễn Anh Tuấn đều khẳng định cáo buộc trên.
Tuy nhiên, Hoàng Văn Hưng khẳng định không có chuyện nhận tiền thông qua Nguyễn Anh Tuấn để chạy án cho Hằng và Sơn.
Bị cáo này thừa nhận có tiếp xúc với Hằng tại nhà Nguyễn Anh Tuấn 6 lần nhưng khẳng định những lần gặp đó đều do ông Tuấn chủ động sắp xếp, Hưng chỉ khuyên Hằng tự thú để được hưởng khoan hồng, không hướng dẫn Hằng viết các bản tường trình, cách khai với cơ quan điều tra và không nhận bất cứ khoản tiền nào.
Liên quan đến tình tiết 435 cuộc gọi giữa ông Tuấn và Hưng sau khi Hằng nhờ "chạy án", cựu điều tra viên cho rằng cơ quan điều tra viện dẫn không chính xác, thực tế chỉ có 165 cuộc gọi phát sinh thời lượng còn lại là các cuộc gọi nhỡ. Trong đó có nhiều cuộc gọi là Nguyễn Anh Tuấn chủ động gọi Hưng và chưa có căn cứ xác định những nội dung trao đổi.
Về chi tiết chiếc cặp xách mà Nguyễn Anh Tuấn khai có chứa 450.000 USD và nhờ cháu trai mang đến cho bị cáo tại khu vực trước cổng trụ sở Cơ quan ANĐT Bộ Công An, Hưng cho biết có nhận cặp xách này nhưng khẳng định trong cặp chỉ có 4 chai rượu vang.
Đặc biệt, Hoàng Văn Hưng cho rằng kết luận điều tra và cáo trạng đều buộc tội oan cho bị cáo. “Buộc tội mà không có bất kỳ một chứng cứ nào, chỉ dựa vào một lời khai một chiều, duy nhất. Lời khai này có rất nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí là không đúng sự thật mà cơ quan tố tụng không kiểm chứng", Hưng nói.
Bị cáo này cũng cho rằng kết luận điều tra và cáo trạng còn "bỏ lọt hành vi phạm tội của nhiều người".
Xem thêm: "Mê hồn trận" của thẩm mỹ viện: Giảm 10kg chỉ với 35 phút?!
Ngoài 3 bị cáo này, trong 4 ngày đầu của phiên tòa, có một số bị cáo thừa nhận tội danh nhưng có bác bỏ một phần hành vi phạm tội theo cáo trạng.
Cụ thể, bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng không có chuyện chủ động liên lạc, yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền và quy định bắt buộc về mức phải chi, mà là do cá nhân, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động.
Bị cáo Vũ Hồng Quang – Cựu Phó Trưởng phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT cho rằng chỉ nhận 4 lần hối lộ với số tiền 487 triệu đồng thay vì nhận gần 2 tỷ đồng như nội dung cáo trạng.
Bị cáo Vũ Ngọc Minh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola cho rằng mình tuy có nhận tiền nhưng không ra điều kiện, buộc doanh nghiệp phải chi tiền với mức 3 triệu đồng/1 khách như nội dung cáo trạng. Về nội dung này, HĐXX đã cho bị cáo Minh và bị cáo Đào Minh Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vijasun để làm rõ vấn đề.
Bên cạnh đó, trong tổng số 54 bị cáo của vụ án này, có 5 bị cáo theo nội dung cáo trạng đã không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Bên cạnh Ngô Quang Tuấn, Trần Minh Tuấn, Vũ Hồng Quang, còn có cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và Bùi Huy Hoàng – cựu chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Tuy nhiên trong phần xét hỏi tại phiên tòa, cả Nguyễn Thị Hương Lan và Bùi Huy Hoàng đều đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, tội danh theo như cáo trạng.