“Đẹp mà không đẹp”
Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chắc hẳn mỗi chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện “Đẹp mà không đẹp” trong sách Tiếng Việt lớp 2 cũ. Trong cuộc sống thường ngày, đôi lúc chúng ta vẫn bắt gặp những sự việc như vậy. Và mới đây, trường hợp một nữ nhân viên y tế phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ tự ý tiêm 2 mũi vắc-xin Pfizer cho cháu ruột 13 tuổi là một câu chuyện tương tự.
Dẫu biết dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ai cũng lo lắng cho an nguy của bản thân và gia đình. Song, sự quan tâm, lo lắng đi ngược với quy định, quy tắc nghề nghiệp thì nó lại được coi là hành vi chưa đẹp, thậm chí có thể bị xem xét xử lý.
Bên cạnh đó, những băn khoăn về việc tiêm vắc-xin cho cháu bé 13 tuổi có bị ảnh hưởng tới sức khỏe hay không cũng được nhiều người quan tâm.
Để rộng đường dư luận, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Nói về việc người dưới 18 tuổi tiêm vắc-xin trong trường hợp này có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không, Bác sĩ Phạm Quang Thái cho rằng đây là loại vắc-xin đã được phê duyệt để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và đã được nêu rõ trong hướng dẫn của nhà sản xuất. Hiện nay, hãng cũng đã hoàn thiện hồ sơ để có thể tiêm vắc-xin này cho trẻ dưới 12 tuổi và đang chờ phê duyệt.
Tuy nhiên, trong thời điểm nguồn cung vắc-xin rất hạn chế như hiện tại, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất rõ về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin như: Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và phát triển kinh tế, người cao tuổi, người có bệnh lý nền... và đối tượng này đều trên 18 tuổi. Việc sử dụng vắc-xin không đúng đối tượng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung tiêm chủng, và đặc biệt là sự công bằng, điều này là hết sức không nên.
Bác sĩ Phạm Quang Thái cho biết thêm: Đối với vắc-xin Covid-19 nếu để quá thời gian 6 tiếng kể từ khi mở nắp thì sẽ không thể dùng được nữa. Do vậy có thể linh hoạt trong trường hợp khi hết người tiêm chủng mà vẫn còn vắc-xin thì có thể tiêm cho những người không có trong danh sách tiêm nhưng vẫn đến được điểm tiêm.
Quan điểm của Bác sĩ Thái cho rằng: Nếu thực sự vận dụng trong những tình huống bất khả kháng như trên thì có thể cân nhắc, chấp nhận được. Còn trong trường hợp không phải vận dụng mà bằng hình thức này hay hình thức khác, cố tình tiêm không đúng đối tượng thì đó là việc làm trái quy định.
“Đã đưa ra quy định là phải làm”
Cùng trao đổi với sự việc này, luật sư Bùi Đình Ứng – Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, nên không thể nói là nữ nhân viên y tế phường Tân Lộc không nắm được quy định này.
Việc tiêm được vắc-xin Covid-19 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm khống chế dịch nhanh chóng. Nhưng hiện tại, Chính phủ chưa triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dưới 18 tuổi.
Luật sư Ứng cho rằng: “Chính phủ sẽ có kế hoạch tiêm cho người dưới 18 tuổi, vấn đề là sẽ phải lựa chọn thời điểm thích hợp, loại vắc-xin phù hợp để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêm phòng; chứ không phải đối tượng dưới 18 tuổi không được tiêm”.
Về hành vi của nữ nhân viên y tế phường Tân Lộc, Luật sư Ứng cho rằng điều này cũng dễ hiểu: Hành vi của nhân viên y tế xuất phát từ động cơ lo lắng cho sức khỏe của người thân trong gia đình; trong khi bản thân lại có điều kiện làm việc này. Tuy nhiên, cần nhìn rộng vấn đề, nếu ai cũng vì lo cho người thân mà đi ngược lại với quy định của ngành thì sẽ gây ra hệ lụy như thế nào? Xét dưới góc độ đạo đức, quy tắc nghề nghiệp là hoàn toàn không phù hợp và không đảm bảo được sự công bằng trong tiêm chủng, bởi vắc-xin Covid-19 thời điểm này đang còn hạn chế, cần tập trung cho nhóm đối tượng ưu tiên.
Quan điểm của Luật sư Bùi Đình Ứng: “Nhà nước đã đưa ra quy định thì phải làm theo quy định. Trường hợp làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ một mình nhân viên y tế bị xem xét trách nhiệm mà còn làm liên đới cả những người khác. Vì để được tiêm vắc-xin Covid-19 còn phải thực hiện qua rất nhiều bước như: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón; hoàn thành phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, khám sàng lọc trước tiêm chủng…”.
“Dẫu biết sự quan tâm, lo lắng cho những người thân yêu trong gia đình là truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của người dân Việt Nam; nhưng trong việc này, cái gì sai, chúng ta phải thừa nhận là sai. Nhất là những người công tác trong ngành y, cần phải tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật. Đối với những hành vi vi phạm, cần phải được xem xét, kiểm điểm để quy trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm; vừa để giáo dục cá nhân sai phạm nói riêng và cảnh tỉnh cho người khác”, Luật sư Bùi Đình Ứng phát biểu.