Dư luận đang xôn xao vụ bé trai tên L.H.L., học sinh lớp 1 trường quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị giáo viên bỏ quên trên xe buýt đưa đón của trường.
Trong khi đó, tại buổi hợp báo chiều 7/8, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, không có tên trường là “quốc tế Gateway” mà chỉ là “trường tiểu học Gateway”.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, việc gọi tên trường “quốc tế” như thế dễ gây hiểu nhầm và lập lờ.
Thưa Đại biểu, thông tin tại cuộc họp báo thì Gateway không phải là trường quốc tế nhưng họ lại tự lấy tên là “trường quốc tế”, theo ông thì đó có thể coi như hành vi lừa dối khách hàng hay không?
Tôi nghĩ, thứ nhất, tên gọi “quốc tế” rất dễ làm cho người ta nhầm lẫn với những trường của tổ chức quốc tế xây dựng lên để giáo dục, nuôi dưỡng con em các gia đình người nước ngoài công tác tại Việt Nam.
Ví dụ, có những trường quốc tế dành cho con em đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao hoặc con em người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Những trường như thế đạt chuẩn mực nhất định để con em họ mặc dù đang học tại Việt Nam nhưng vẫn giống như môi trường học tập của nước sở tại.
Bởi vậy, những trường quốc tế ra đời và mang chuẩn mực giáo dục của nước sở tại mà tổ chức quốc tế đó họ lập ra.
Những trường như thế không nhằm vào mục tiêu lợi nhuận, mà chủ yếu là để giúp cho thế hệ con em cán bộ các nước phải sang Việt Nam công tác thì vẫn theo học bình thường, đảm bảo được theo chuẩn trình độ giáo dục của đất nước họ.
Chất lượng giáo dục của những trường này được đánh giá rất tốt. Khi số lượng con em của các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao đó ít quá, không đủ số lượng thì có thể họ sẽ nhận thêm người Việt Nam tham gia vào học. Tất nhiên là họ có những quy chuẩn, tiêu chí rất khắt khe.
Lợi dụng uy tín của những trường quốc tế như thế nên hiện nay có nhiều tổ chức tư nhân khác lập ra các trường cũng lấy danh nghĩa “trường quốc tế”. Trong đó, người ta cũng có thể mời các giáo viên người nước ngoài, cũng có thể liên kết với một tổ chức giáo dục nào đó ở nước ngoài.
Vậy, theo ông, có cần làm rõ và quy định cụ thể về việc thế nào là trường quốc tế? Và việc các trường tự “phong” thêm chữ “quốc tế” thì có vi phạm pháp luật hay không?
Theo tôi, nếu nói về mặt luật pháp thì có thể việc lấy tên trường quốc tế là không sai. Bởi vì, chuyện đặt tên khi không bị trùng lặp coi như không vi phạm.
Tuy nhiên, cần nói thêm, ở góc độ xã hội, việc lấy tên “trường quốc tế” như thế cũng thể hiện có sự lập lờ, lợi dụng danh hiệu được tín nhiệm để tạo ra sự hiểu lầm, không minh bạch trong việc lựa chọn trường của cha mẹ học sinh.
Quan điểm của tôi nghĩ rằng, vấn đề đặt ra là những trường đó khi tuyển sinh, khi đăng ký mở trường, được cấp phép đào tạo thì bao giờ họ cũng phải đưa ra các cam kết, tuyên bố tiêu chí.
Vậy, cái cần làm rõ là những cam kết đó có được thực hiện hay không? Việc kiểm soát các cam kết này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước gồm chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành.
Đồng thời, bản thân các tổ chức giáo dục đó, các trường đó cũng phải thực hiện những nghĩa vụ, công khai minh bạch để cho phụ huynh, gia đình học sinh có thể tham gia kiểm soát và giám sát được.
Nếu như họ làm tốt các điều đó, đảm bảo các cam kết, công khai thì sẽ khắc phục được tình trạng lừa dối, gây hiểu lầm cho phụ huynh và học sinh.
Vậy, ông có cho rằng cần một cuộc rà soát toàn bộ quy trình đưa đón học sinh của các trường học trên địa bàn TP.Hà Nội hay không?
Theo tôi, qua vụ việc này, chúng ta không phải chỉ rà soát lại quy trình đưa đón học sinh của các trường mà phải rà soát, kiểm tra lại tất cả những cam kết của các trường xem có thực hiện đúng hay không?
Và những cam kết đó có công khai minh bạch hay không, nếu như cam kết đó công khai thì mọi người sẽ đánh giá xem quy trình như thế là tốt hay không tốt, chặt chẽ hay không chặt chẽ để tìm giải pháp khắc phục…
Tôi cho rằng, những việc đó chúng ta cần phải làm chặt chẽ, không chỉ việc đưa đón mà khâu chăm sóc các cháu ở trường, an toàn thực phẩm, rồi nguy cơ rủi ro khác có thể xảy ra…
Nếu như các trường không đạt mà vẫn để tên “trường quốc tế”, các cơ quan quản lý không có ý kiến chấn chỉnh, xử lý thì có phải chịu trách nhiệm không, thưa ông?
Như tôi đã nói, việc để tên “trường quốc tế” cũng có thể chưa phải là điều vi phạm vào luật, nhưng thông tin về tiêu chí mà người ta cung cấp là cái gì thì nó phải chuẩn xác.
Ví dụ, nói là trường quốc tế thì do tổ chức quốc tế nào thành lập nên, đối tượng tuyển sinh của họ dành cho ai?
Còn với trường hợp chỉ “mang danh quốc tế” nhưng bản chất của nó là trường tư thì thông tin các tiêu chí đưa ra phải công khai để tránh cho phụ huynh bị nhầm lẫn với các trường do tổ chức quốc tế khác lập ra.
Trong trường hợp, nếu như nhà trường lập lờ, tự ý mượn danh của tổ chức nào đó thì cơ quan chuyên môn phải kiểm tra giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý. Ví dụ, trường tuyên bố các tiêu chí nhưng không thực hiện thì phải xử lý nghiêm.
Tôi nghĩ rằng, qua vụ việc này, cơ quan quản lý ở địa phương phải rà soát lại tổng thể các trường tư thục, tránh thông tin lập lờ, dễ làm cho gia đình phụ huynh học sinh hiểu lầm.
Trân trọng cảm ơn ông!