Ban đầu, tôi “hóng” vụ bí thư xã bị tố có quan hệ ngoài luồng với nhân viên cấp dưới ở Quảng Nam chỉ để có thêm… chuyện “buôn dưa”. Nhưng từ diễn biến mới nhất, xoay quanh lời bộc bạch của “người thứ ba” trong vụ việc trên, tôi đã rút ra được bài học lớn trong cuộc đời mình. Đó là phải kiềm chế sự hồn nhiên.
Thật vậy, chính vì thân thiết trên mức bạn bè bình thường với sếp, chính vì coi mình và sếp “như hai thằng đàn ông” mà nữ cán bộ xã bị vợ sếp hiểu lầm, hơn thế còn bị tố cáo lăng nhăng, tổn hại về tinh thần và danh dự. Đến thành phố nơi sếp đang đi học, chị suy nghĩ hết sức trong sáng khi mời sếp đi ăn tối và giữ nguyên cái suy nghĩ đó khi được sếp chở về khách sạn nhưng người chứng kiến – một người đàn bà đang muốn chồng bất ngờ vì chuyến thăm của mình đã không nhìn thấu nội tâm của chị.
Trong cuộc trao đổi mới đây, ngoài việc phủ định hoàn toàn quan hệ tình cảm trai gái với sếp, nữ cán bộ xã còn cho rằng nếu người vợ “biết trân trọng, giữ hạnh phúc gia đình thì ít nhất cũng nên gặp chị một lần để tháo gỡ những thắc mắc trong lòng, như thế mới là khôn ngoan”.
Đọc đến đây mới thấy cả hai người phụ nữ đều quá ngây thơ trong tình cảm, trong sự suy nghĩ, trong tâm hồn. Một người tin rằng mình đã tỏ ra đúng mực, có trách nhiệm với thái độ, hành vi của bản thân. Một người lại áp quá nhiều liên tưởng lên những điều trông thấy trước mắt. Cả hai người đếu không xét đến trường hợp tình ngay lý gian và do đó bỏ lỡ cơ hội thu thập bằng chứng để bảo vệ quan điểm ngay từ đầu.
Nói em hồn nhiên rồi em… hết bình yên ở trường hợp này, là vô cùng xác đáng!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.