Vụ BIDV: “Công ty Trung Dũng chưa có cửa để quan hệ với Trần Bắc Hà"

Vụ BIDV: “Công ty Trung Dũng chưa có cửa để quan hệ với Trần Bắc Hà"

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 3, 27/10/2020 17:42

Làm ăn thua lỗ nhưng vẫn được ngân hàng rót tiền vào, khi được hỏi có quan hệ thế nào với ông Trần Bắc Hà, Giám đốc công ty Trung Dũng nói “doanh nghiệp chưa có cửa"

Ngày 27/10, TAND TP.Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV, công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (công ty Bình Hà) và công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (công ty Trung Dũng).

Hồ sơ điều tra - Vụ BIDV: “Công ty Trung Dũng chưa có cửa để quan hệ với Trần Bắc Hà'

Bị cáo Đoàn Hồng Dũng được dẫn giải tới tòa.

Theo cáo buộc, công ty Trung Dũng, địa chỉ đăng ký kinh doanh ở số 425 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc. Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ông Dũng góp 150 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ ông Dũng góp 50 tỷ đồng).

Cơ quan thuế đã thông báo về việc Công ty này ngừng hoạt động vào ngày 30/10/2017 nhưng đơn vị vẫn chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế.

Ngoài việc thành lập công ty Trung Dũng để kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, Đoàn Hồng Dũng còn nhờ người thân quen trong gia đình đứng ra thành lập thêm 2 công ty khác với mục đích hỗ trợ nhau trong việc kinh doanh, mở rộng địa bàn, phát triển kinh doanh hàng hóa gồm: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam (công ty Hà Nam) do bà Nguyễn Thị Thanh Sơn làm Giám đốc; công ty CP Đầu tư và pháp triển Trung Dũng do Đoàn Mạnh Trung (con trai ông Đoàn Hồng Dũng và bà Nguyễn Thị Thanh Sơn) là Chủ tịch HĐQT.

Trên thực tế, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty này đều do Đoàn Hồng Dũng quản lý, điều hành.

Trong vụ án, cơ quan tố tụng xác định, hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng trong việc cho công ty Trung Dũng vay theo hạn mức tín dụng ngắn hạn năm 2011 và phát hành L/C theo món gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỷ đồng thể hiện như sau: Mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV, dư nợ tại các TCTD lớn, có rủi ro nhưng tháng 08/2011, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho công ty Trung Dũng.

Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo có tên nêu trên đã quyết định giải ngân cho công ty Trung Dũng vay 26 khoản dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo theo khoản 3 Điều 7 Chính sách tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp.

Đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm trả mục đích sử dụng vay vốn của công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép dẫn đến còn dư nợ hơn 600 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.

Tại thời điểm tháng 11/2011, công ty Trung Dũng đã gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ gần hết hạn mức được cấp, các chỉ tiêu tài chính càng ngày càng xấu nhưng các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn đề xuất để lãnh đạo BIDV phê duyệt phát hành L/C theo món cho công ty Trung Dũng BIDV – Chi nhánh Hà Thành với số tiền 18,87 triệu USD(+/- 5%) và 2,397 triệu USD (+/- 10%) để nhập khẩu phôi thép, thép phế.

Sau khi phát hành L/C, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt, giao cho công ty Trung Dũng tự quản lý hàng hóa mà không kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp tự ý bán toàn bộ lô phôi thép, thép phế là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C.

Đến hạn thanh toán L/C, BIDV – Chi nhánh Hà Thành đã phải vay bắt buộc để công ty Trung Dũng thanh toán tiền nhập khẩu phôi thép và thép phế cho đối tác nước ngoài tổng số tiền 16.838.338,57 USD, tương đường hơn 350 tỷ đồng.

BIDV đã xử lý tài sản đảm bảo, thu nợ được hơn 87 tỷ đồng, đến nay còn hơn 263 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.

Cơ quan tố tụng xác định, Đoàn Hồng Dũng và đồng phạm có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của BIDV số tiền hơn 263 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn, cả bị cáo Ngô Duy Chính, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành và Nguyễn Xuân Giáp, nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Hà Thà thừa nhận biết Trung Dũng không đủ điều kiện cấp L/C nhưng ông Trần Bắc Hà – cố Chủ tịch BIDV gây áp lực, yêu cầu cho doanh nghiệp này vay tiền.

Ngược lại, bị cáo Đoàn Hồng Dũng khai chỉ thông qua chi nhánh Hà Thành để vay tiền của BIDV, bị cáo không quen biết ông Trần Bắc Hà và “quan hệ với ông Hà, doanh nghiệp của bị cáo chưa có cửa”!

HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.