Ngày 27/12, Công an quận 9, TP.HCM vừa hoàn tất hồ sơ chuyển giao Hồ Thị Ngọc Điệp (52 tuổi, ngụ Tân Phú, quận 9) cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP.HCM) để điều tra về hành vi Giết người.
Cơ quan CSĐT Công an quận 9, TP.HCM cũng đã có kết quả phân tích mẫu nước lèo trong nồi bún riêu của chị Trần Thị Bạch Tuyết (37 tuổi, ngụ quận 9).
Theo đó, phân Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã có kết luận khẳng định cả hai mẫu phẩm nước lèo do Công an Quận 9 gửi xét nghiệm đều có chất của thuốc diệt chuột, chất độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc sử dụng.
Theo điều tra, chị Trần Thị Bạch Tuyết từng có thời gian phụ việc cho người cô chồng là bà Điệp ở quán bún riêu. Thời gian gần đây, chị ra ngoài làm riêng và mở quán bún ở gần đó. Vì cho rằng bị "cướp chén cơm", nên 2 người liên tục xảy ra mâu thuẫn. Ngoài việc cạnh tranh buôn bán, bà Điệp còn đang có xích mích với gia đình chồng chị Tuyết về việc tranh chấp đất đai.
Nuôi bực tức, rạng sáng 25/12, lợi dụng trong lúc chị Tuyết đi mua gia vị cho nồi nước lèo, bà Điệp đã lẻn vào hàng bỏ gói thuốc chuột vào nồi. Sau khi đi mua đồ về kiểm tra nồi nước lèo thấy lạ, chị Tuyết sinh nghi nên nhờ người xem lại camera thì phát hiện bà Điệp lén bỏ đồ lạ vào nồi nước lèo nên trình báo công an. Kết quả giám định cho thấy hàm lượng độc tố trong nồi nước lèo có khả năng cao giết người nếu ai ăn vào.
Sự việc hy hữu phát sinh từ mâu thuẫn nhỏ nhặt đẩy người phụ nữ 52 tuổi có thể vướng vào vòng lao lý. Xoay quanh sự việc, luật sư Mai Anh Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM đã đưa ra quan điểm.
Luật sư Mai Anh Tuấn nhận định: "Trong sự việc này, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai giữa bà Điệp và gia đình chị Tuyết là những tranh chấp dân sự, ngoài ra việc hậm hực chuyện làm ăn cũng là vấn đề nhỏ nhặt. Thế nhưng có thể vì bực tức quá, nhận thức pháp luật có phần bị hạn chế do lớn tuổi nên bà Điệp đã tự xử lý bằng cách bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo bún riêu. Đây là cách ứng xử vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì có khả năng làm nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người.
Theo kết luận chính thức của cơ quan công an, loại thuốc chuột mà bà Điệp sử dụng có thể dẫn đến chết người. Mặc dù chưa có hậu quả xảy ra nhờ sự phát hiện kịp thời của chị Tuyết, nhưng bà Điệp không thể trốn tránh trách nhiệm của mình".
Theo Luật sư Tuấn, trong trường hợp này, bà Điệp có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.
Tuy nhiên, vì chưa có hậu quả xảy ra nên việc xử lý sẽ phải căn cứ theo quy định của pháp luật về phạm tội chưa đạt theo Điều 18 thuộc chương Quy định chung, cơ sở để áp dụng xử lý cho tất cả các tội danh phạm tội chưa đạt của Bộ luật Hình sự.
Về việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, khoản 3, Điều 52, Bộ luật Hình sự chỉ rõ: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Như vậy, trong trường hợp trên, cơ quan công an sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên để xử lý thích đáng đối với hành vi coi thường pháp luật của bà Điệp.
Dương Nhung