Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM), 3 trường hợp nghi ngộ độc nấm chuyển từ Tây Ninh lên là người trong một gia đình. Bệnh nhân gồm chồng, vợ và con gái 17 tuổi.
Theo thông tin ban đầu được đăng tải trên VOV, ngày 4/6, gia đình bệnh nhân tự vào rừng hái nấm không rõ loại (tương tự như nấm trứng gà, trứng ngỗng), mang về chế biến thức ăn. Sau bữa cơm, cả 3 người trong gia đình đều có triệu chứng đau bụng, ói, tiêu chảy nhiều lần, người chồng tự mua thuốc không rõ loại để uống, đến 2h ngày 5/6, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Người con gái có triệu chứng nhẹ hơn nên ở nhà theo dõi. Đến gần 11h cùng ngày thì được người thân đưa đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh trong tình trạng mệt, nôn ói, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán 3 bệnh nhân này bị ngộ độc do nấm không rõ loại đồng thời xử trí thải độc, điều trị triệu chứng, nâng đỡ cơ thể.
Đến ngày 6/6, tình trạng người chồng chuyển biến xấu, bị rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận cấp. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nấm mức độ nguy kịch, được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM), nhưng đã tử vong. Người vợ và con gái sau đó cũng được chuyển lên Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy gan gấp, men gan tăng rất cao kèm theo rối loạn đông máu.
“Chúng tôi nghi ngờ các biểu hiện này do ngộ độc sau khi ăn nấm. Tuy nhiên, ngộ độc nấm gì và độc tố nào thì chưa thể khẳng định được, cần thêm thời gian để khai thác từ gia đình”, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân chia sẻ với VietNamNet.
Sau hai ngày điều trị, người con gái 17 tuổi đã cải thiện nhưng phải theo dõi thêm chức năng gan và rối loạn đông máu. Trong khi đó, người vợ vẫn nguy kịch, rối loạn chức năng gan diễn tiến xấu. Bệnh nhân được điều trị tích cực với lọc máu nhưng có nguy cơ nặng nề hơn, tiên lượng khó qua khỏi.
Theo chia sẻ, hai vợ chồng bệnh nhân thường hái nấm ăn và cho rằng có kinh nghiệm phân biệt. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi ăn nấm mọc hoang vì nguy cơ nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc.
Những độc tố khác nhau của nấm ảnh hưởng các hệ cơ quan khác nhau, có thể bị ảo giác hoặc rối loạn tri giác, suy thận, rối loạn chức năng gan… Triệu chứng ngộ độc nấm có thể khởi phát rất nhanh ngay sau khi ăn nhưng cũng có thể sau 8-12 giờ. Vì thế, ngay khi có dấu hiệu bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Minh Hoa (t/h)