Khoác trên mình chiếc áo "công ích", các DNNN được ngân sách Nhà nước rót xuống từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh hàng năm. Bên cạnh đó, các công ty này cũng được phép hoạt động kinh doanh thu lợi. Chính từ những điều này đã đẻ ra mô hình lương "khủng" tại các công ty công ích. Việc UBND TP.HCM vừa yêu cầu các sở, ngành chuẩn bị nhân sự thay thế các vị trí lãnh đạo đã bị cách chức ở 4 công ty công ích có lương "khủng" khiến dư luận người dân quan tâm đặc biệt.
Hàng loạt quyết định cứng rắn mang tính lịch sử
Cuối cùng, điều người dân TP.HCM mong đợi nhất đã được thực hiện. Đó là việc UBND TP.HCM đã quyết định yêu cầu sở Nội vụ TP.HCM phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM "thay máu" toàn bộ các lãnh đạo tại các công ty công ích gồm: Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh và Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng. Quyết định này thể hiện trong văn bản mới nhất do ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM ký về việc "chuẩn bị nhân sự lãnh đạo bố trí tại 4 doanh nghiệp công ích thuộc quản lý của sở Giao thông Vận tải".
Theo ông Lê Hoàng Quân, quyết định trên của UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu các giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng độc quyền trong việc thực hiện dịch vụ công ích trên địa bàn TP.HCM. Các công tác nghiên cứu này được UBND TP.HCM giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, sở Giao thông Vận tải, sở Xây dựng, sở Tài Nguyên và Môi trường, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, viện Nghiên cứu phát triển và sở Nội vụ triển khai thực hiện. Yêu cầu các sở, ngành này phải trình UBND TP.HCM trước ngày 15/10 sắp tới để tiếp tục áp dụng thực hiện.
Tình trạng úng ngập tại TP.HCM thường xuyên diễn ra nhưng lãnh đạo chịu trách nhiệm về tình trạng này lại nhận lương khủng.
Nhiều vấn đề cần được giải quyết Nhiều chuyên gia nghiên cứu kinh tế - xã hội tại TP.HCM chia sẻ: "Những quyết định quyết liệt của TP.HCM trong thời gian qua về vụ lương "khủng" tại các công ty công ích được dư luận người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, một vấn đề cần được các cơ quan chức năng sớm giải quyết đâu là bản chất dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng và khá giống nhau tại các công ty công ích trong thời gian dài mà không bị ai phát hiện. Ngoài ra, một vấn đề cần được giải quyết nữa là các quận, huyện tại TP.HCM đều có công ty công ích, vậy cần có biện pháp gì để sửa đổi kịp thời và khắc phục những sai sót nhằm quản lý hiệu quả các công ty công ích, tránh gây thất thoát ngân sách của Nhà nước". |
Ngoài hai quyết định "cứng rắn" trên, ông Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu các Sở đề xuất phân công, phân cấp các sở, ngành và UBND quận, huyện được thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước và trình UBND TP.HCM trước thời điểm tháng 10/2013. Quyết định này, nhằm mục đích ngăn chặn chế độ đặc quyền, đặc lợi tại các DNNN.
Theo tìm hiểu của PV, một quyết định quan trọng khác của UBND TP.HCM cũng vừa được ban hành là sở Tài chính TP.HCM phải đôn đốc lãnh đạo 4 công ty công ích trên phải nhanh chóng thực hiện việc nộp trả ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền chi lương, tiền thưởng viên chức sai quy định trong năm 2011. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phải thực hiện ngay việc giải quyết chính sách chế độ cho người lao động tại 4 công ty trên theo quy định trước ngày 15/10/2013. Chi phí để thực hiện nhiệm vụ trên được trích từ nguồn tiền nộp ngân sách Nhà nước của 4 công ty trên.
Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã công bố quyết định cách chức 6 vị giám đốc, chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời ra quyết định buộc thôi việc hai giám đốc tại 4 công ty công ích trên. Tiếp đó, Thành ủy TP.HCM tiến hành khai trừ Đảng hai người, đình chỉ toàn bộ chức vụ trong Đảng hai người và cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy công ty đối với ba người. Những quyết định quyết liệt này được thực hiện sau khi có kết quả thanh tra của UBND TP.HCM khi phát hiện hàng loạt sai phạm về tiền lương, chế độ lao động tại 4 doanh nghiệp công ích.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân.
Hành động chấm dứt đặc quyền, đặc lợi
Trao đổi với PV về những quyết định mang tính lịch sử trong việc xử lý các sai phạm tại các công ty công ích có "lương khủng", tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam bày tỏ: "Những hành động, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND TP.HCM những ngày qua là vô cùng quyết liệt, thể hiện mong muốn dẹp tận gốc những sai phạm nhức nhối tại 4 công ty công ích trên. Cá nhân tôi đánh giá, ban lãnh đạo TP.HCM đã xử lý vụ việc một cách kịp thời, nhanh chóng. Những quyết định trên khiến dư luận người dân TP.HCM vô cùng vui mừng. Trong thời gian tới, tôi cho rằng ban lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ còn nhiều quyết định táo bạo hơn nữa trong việc trị căn bệnh đặc quyền, đặc lợi tại các DNNN ở TP.HCM".
Về góc độ luật pháp, luật sư Nguyễn Hoài, Giám đốc văn phòng tư vấn luật Nguyễn Hoài, chia sẻ: "Những quyết định thể hiện mong muốn cắt bỏ những khối ung nhọt trong các công ty công ích của lãnh đạo TP.HCM đang được người dân TP.HCM phấn khởi, tin vào sự lãnh đạo của Thành ủy TP.HCM. Tuy nhiên, trong các quyết định của TP. thì việc chỉ cách chức, khai trừ Đảng, buộc thôi việc các cán bộ, viên chức sai phạm nhận lương "khủng" là chưa phù hợp với hành vi vi phạm của họ. Hành vi của các cán bộ, viên chức trên không chỉ "cắt xén" tiền của người lao động, mà còn "xà xẻo" tiền của cơ Nhà nước để tư lợi riêng. Các hành vi cần được cơ quan chức năng khởi tố vụ án và xử lý về mặt hình sự với tội tham ô tài sản mới đúng quy định của pháp luật".
Luật sư Nguyễn Hoài cũng bày tỏ thêm: "Trong vụ việc gây chấn động dư luận này, tôi cho rằng, nếu tình trạng lương "khủng" đã kéo dài nhiều năm nay và bị kéo dài tới bây giờ mới bị phát hiện thì số tiền thất thoát của Nhà nước là không hề nhỏ. Căn cứ vào nội dung này, có dấu hiệu cấu thành tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Do vậy, các cơ quan chức năng của TP.HCM cần phải xác định rõ thêm về vấn đề này. Chỉ có làm như vậy thì người dân mới nhìn thấy sự nghiêm minh của pháp luật, sự quyết tâm trong việc xử lý sai phạm của TP.HCM".
Một hành động quyết đoán còn hơn trăm bài phát biểu suông Phân tích về vấn đề này, phó giáo sư, tiến sĩ Phan An (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho biết: "Người lãnh đạo sáng suốt là người lãnh đạo hiểu rằng, một hành động được lòng dân còn hơn trăm bài phát biểu "suông" không bao giờ biến thành hành động thiết thực. Cá nhân tôi cho rằng, việc lãnh đạo TP.HCM mạnh dạn loại bỏ đi những "ung nhọt" trong bộ máy chính quyền, thay thế bằng một đội hình nhân sự mới là hành động đáng hoan nghênh. Nếu nghịch lý và mâu thuẫn về mức lương ở các công ty dịch vụ công ích vừa bị phanh phui khiến dư luận giật mình phẫn nộ. Thì quyết định thay thế nhân sự cho những vị trí lãnh đạo cao nhất trong 4 công ty dịch vụ công ích, vừa bị cách chức này lại làm người dân vỡ òa, phấn khởi. Cần nhân rộng và kiên quyết xử lý "những tảng băng chìm" tồn tại khá lâu trong bộ máy công quyền, thì cuộc sống của người dân mới tốt hơn, và niềm tin của họ vào các cấp lãnh đạo mới được củng cố". |
Tránh được "hội chứng": "Kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc"
Xung quanh việc xử lý các "sếp" dịch vụ công ích nhận lương khủng của lãnh đạo TP.HCM, được người dân rất quan tâm, hưởng ứng. PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Lê Văn Thành, Trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Mới đây, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu sở Nội vụ khẩn trương chuẩn bị nhân sự lãnh đạo để bố trí cho 4 đơn vị công ích có "sếp" nhận lương khủng vừa bị kỷ luật cách chức, thôi việc. Quan điểm của ông về hành động mạnh tay này như thế nào?
Tôi cho rằng vụ việc này chưa kết thúc mà sẽ còn nhiều diễn biến tiếp theo. Ở đây, tôi chỉ muốn bày tỏ rằng, từ sau Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện, xã hội rất mong đợi. Nhiều vụ việc sai trái được phát hiện, đưa ra ánh sáng. Riêng về việc xử lý ban lãnh đạo 4 đơn vị công ích nhận lương khủng vừa xảy ra, lãnh đạo TP.HCM đã có hướng xử lý nhanh, dứt khoát mà trước giờ chưa có. Hành động này đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân khiến họ rất vui mừng, phấn khởi, và có niềm tin vào lãnh đạo thành phố.
Động thái dứt khoát, mạnh mẽ này của lãnh đạo TP.HCM nói lên được điều gì, thưa ông?
Theo tôi, thứ nhất Thành phố đã phân tích những sai phạm này rất đầy đủ. Điều này cho thấy Thành phố có thể tiếp tục làm được nhiều việc khác tương tự như vậy. Khi anh phân tích đúng, thì người sai phạm không thể "vùng vẫy" để chối tội, khiến người sai phạm "tâm phục, khẩu phục". Đây không chỉ là sai phạm nhằm đánh giá về mặt đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, đảng viên. Đây là những sai phạm trái pháp luật, bòn rút của công, gian lận báo cáo, "dối trên, lừa dưới". Hành động quyết liệt này của lãnh đạo TP.HCM cho người dân thấy lãnh đạo thành phố không bao che, chiếu cố cho những sai phạm nghiêm trọng này. Dù những người này đều có một quá trình đóng góp nhất định cho thành phố và xã hội. Sau vụ việc này, chắc chắn với những vụ việc khác chỉ cần mới bắt đầu phát hiện, lãnh đạo đều sẵn sàng xử lý ngay, quan tâm hết mực. Điều này làm cho người dân rất ủng hộ. Họ thấy tin tưởng vào quyết sách, cũng như khả năng lãnh đạo của ban lãnh đạo thành phố.
Thứ hai, mức độ xử lý của các sai phạm rất nặng. Nếu trước giờ người dân đã quen với cụm từ "kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc", thì giờ đây họ cảm thấy bất ngờ, sau đó là hả hê, nhẹ nhõm trong lòng. Có thể nói việc lãnh đạo thành phố không hề "giơ cao đánh khẽ", để lọt vụ việc này là một điều nằm ngoài sự mong đợi của người dân. Hành động này cũng có tính răn đe rất lớn, làm cho những vị quan chức khác soi vào đó làm gương cho mình, không dám vi phạm hay làm những điều sai trái để vơ vét của công.
Dịch vụ công ích trước giờ đều được coi là một trong những ngành nghề "độc quyền", được hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi. Theo ông, lãnh đạo thành phố cần làm gì tiếp theo, để loại bỏ bớt tính "độc quyền" này?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu công tác quản lý mà làm tốt thì việc tiêu cực này sẽ không xảy ra. Đây là một sai sót trong khâu quản lý thiếu chặt chẽ và có hệ thống. Sau nữa là do có sự mất cân đối về chế độ tiền lương chi cho ngành này. Ngân sách thành phố rót vào dịch vụ công ích mỗi năm không ít. Nhân lực của ngành này hưởng lương không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Trong khi các ngành nghề, dịch vụ khác dù là của Nhà nước đều phải lo tính toán lời, lỗ, nộp ngân sách Nhà nước hàng năm, thì dịch vụ công ích lại hoạt động thuận lợi hơn các ngành khác rất nhiều. Hơn nữa dịch vụ công ích thực chất là phục vụ cho người dân, mà lại hưởng mức lương lên tới cả trăm triệu/ tháng là hoàn toàn không ổn, nếu không muốn nói là bất công.
Đây là một bài học không chỉ có TP.HCM mà trên cả nước, chúng ta cần xem xét lại về vấn đề tiền lương và cơ chế nào phù hợp cho các dịch vụ công ích. Chỉ so sánh riêng về bậc lương của lãnh đạo, nhân viên, nhân viên thời vụ trong ngành dịch vụ công ích đã thấy bất hợp lý, cần xây dựng lại cơ cấu thang lương cho phù hợp. Song song với đó, cần quan tâm hơn đến chế độ hợp đồng lao động công nhân. Nhất là những lao động thời vụ. Bởi dịch vụ công ích mang tính độc hại nhưng không yêu cầu cao về tay nghề, rất dễ tuyển người. Nguồn cung về lao động cho ngành này rất lớn, khiến doanh nghiệp có thể chèn ép người lao động, vì anh không làm thì sẽ có người khác sẵn sàng làm thay anh, mà không hề kêu ca, phàn nàn gì.
Xin cảm ơn ông!
Hương Lan - Thanh Nguyên (thực hiện)