Mới đây thông tin đăng tải trên một số tờ báo về việc Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình TP.HCM đề xuất với UBND TP.HCM về quy định về độ tuổi của phụ nữ mang thai không được quá 33. Người hiếm muộn phải thụ tinh nhân tạo cũng chỉ mang số lượng thai tối đa là 2.
Sau khi thông tin này được đưa ra dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều đa số đều tỏ ra khó hiểu thậm chí là “bức xúc” trước đề xuất này của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình TP.HCM.
"Tôi ủng hộ việc khám sức khỏe, nhưng về quy định độ tuổi mang thai là bất hợp lý. Nếu quy định tuổi mang thai của phụ nữ không được quá 30 tuổi là quá vô lý, vì nhiều người 40 tuổi mới có chồng thì sao? Chẳng lẽ những người này không được sinh con?” bạn đọc Minh Nguyên (nhân viên marketing) chi sẻ.
Tuyên truyền chính sách Dân số Kế hoạch hóa gia đình (ảnh minh họa) |
“Đặt giới hạn tuổi sinh đẻ là đeo thêm gông và áp lực cho phụ nữ. Khuyến khích thì được, khuyến khích thì cần kèm theo ưu đãi, chế độ" – bạn đọc Minh Nguyên tiếp lời.
Xung quanh nội dung ý kiến trái chiều về vấn đề này, sáng 11/7 phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với bà Tô Kim Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình TP.HCM để làm rõ thêm nguồn tin.
Trao đổi với phóng viên bà Hoa khẳng định: “Thông tin đăng tải trên các báo là hiểu sai vấn đề”. Theo bà Tô Kim Hoa ngày mai (12/7) bà Hoa sẽ trả lời chính thức nội dung vấn đề với báo chí tại Sở Thông tin truyền thông TP. HCM.
Trước đó trao đổi riêng với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam một chuyên viên tại Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình TP.HCM (xin được dấu tên - PV) cho biết thông tin đăng tải trên các báo xuất phát từ trong báo cáo tổng kết mười năm thực hiện pháp lệnh dân số trên địa bàn TP. HCM.
Trong báo cáo này tại phần ý kiến góp ý Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình TP. HCM có đề xuất thực hiện quy định về độ tuổi người mang thai và số lượng thai tối đa là 2 thai trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Có nghĩa là đề xuất này chỉ quy định người mang thai trong quá trình thụ tinh nhân tạo.
“Ý kiến đóng góp này của Chi cục dân số, kế hoạch hóa gia đình TP. HCM xuất phát từ thực tế có những người gần 50 tuổi, gần hết độ tuổi sinh đẻ vẫn khăng khăng đòi thụ tinh nhân tạo gây ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên khi một số cơ quan báo chí đưa lên đã có sự hiểu lầm gây nhiều ý kiến trái chiều trên dư luận” – Chuyên viên này cho biết.
Trong khi đó trao đổi với Infonet, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của UBTV Quốc hội. ông Thảo cho biết, theo Pháp lệnh về dân số thì không có quy định nào như thế, còn pháp luật chỉ khuyến cáo không nên sinh con muộn.
Còn bây giờ lại đề xuất đề quy định phụ nữ quá 33 tuổi không được sinh con thì cần phải nghiên cứu thêm, theo tôi quy định này là không phù hợp. Nếu theo quy định này thì những người phụ nữ lập gia đình muộn, sau 33 tuổi không được sinh con là không đúng quy định của pháp luật.
“Luật hôn nhân gia đình chỉ quy định tuổi kết hôn tối thiểu chứ không quy định tuổi kết hôn tối đa, còn nếu khuyến cáo phụ nữ sau 33 hoặc 35 tuổi không nên sinh con là để đảm bảo sức khỏe cho con cái cũng như người mẹ thì còn chấp nhận được. Còn quy định phụ nữ quá 33 tuổi không được sinh con là hoàn toàn không hợp lý, theo tôi không thể chấp nhận được”, ông Thảo nhấn mạnh.