Như báo điện tử Người Đưa Tin đã thông tin đến bạn đọc về chuyện tày trời ở xã Nam Sơn (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cán bộ phụ trách công tác đền ơn đáp nghĩa, người có công đã ăn chặn tiền điều dưỡng của thân nhân liệt sĩ nhiều năm liền.
Hàng chục thân nhân liệt sĩ trong một thôn đã hơn 10 năm kể từ khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ năm 2005, nhưng đến năm 2016 vẫn chưa biết thông tin và nhận một đồng nào từ trợ cấp của Nhà nước.
Trong khi đó, danh sách cán bộ xã báo cáo lên cấp trên từng đợt họ đã được nhận tiền và có cả chữ ký kèm theo. Nhưng trên thực tế họ không hề ký nhận một đồng nào trong hơn chục năm trời. Cán bộ phụ trách xã Nam Sơn đã "ký hộ" để nhận tiền trợ cấp điều dưỡng và "ỉm" đi đến khi "lộ tẩy".
Về việc này, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Tôi đã nắm được thông tin và đơn thư tố cáo, phản ánh của thân nhân liệt sĩ liên quan đến chế độ điều dưỡng tại xã Nam Sơn.
Sở đã chỉ đạo phòng Người có công của Sở phối hợp với phòng LĐ-TB&XH thành phố Bắc Ninh để làm rõ và báo cáo vụ việc sớm nhất. Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo thanh tra Sở vào cuộc theo đơn thư tố cáo của thân nhân liệt sĩ xã Nam Sơn”.
Ngay sau đó, ông Triều yêu cầu ông Nguyễn Văn Bàn, Chánh thanh tra Sở báo cáo về vụ việc và thông tin cho báo chí.
Ông Nguyễn Văn Bàn cho biết: “Ngay khi nhận đơn Thanh tra sở đã vào cuộc điều tra, xác minh đơn thư tố cáo của một số thân nhân liệt sĩ ở xã Nam Sơn.
Cụ thể đơn thư tố cáo của bà Nguyễn Thị Lộc trú tại thôn Thái Bảo tố cáo cán bộ xã Nam Sơn phụ trách công tác Người có công đã ăn chặn tiền điều dưỡng của thân nhân liệt sĩ là đúng.
Tính chất vụ việc như thế nào, cả xã có bao nhiêu trường hợp chưa nhận được tiền điều dưỡng thì chúng tôi phải chờ phòng LĐ-TB&XH thành phố đang xác minh và báo cáo”.
Ông Nguyễn Kim Triều cho rằng: “Từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp cán bộ nào ăn bớt, ăn chặn tiền của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Không cán bộ nào lại làm như thế, có thể nói vụ việc xảy ra tại xã Nam Sơn là trường hợp cá biệt. Sự việc đã rõ và việc xử lý cán bộ vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Bắc Ninh”.
Ông Nguyễn Kim Triều khẳng định: “Trước dấu hiệu sai phạm của cán bộ xã Nam Sơn, năm tới chúng tôi sẽ cho rà soát lại công tác này tại các xã thuộc thành phố Bắc Ninh.
Ngoài ra, việc giám sát chi trả cho các đối tượng thụ hưởng cần chặt chẽ hơn. Qua vụ việc ở xã Nam Sơn có thể thấy cán bộ xã nhận tiền từ trên, nhưng tiền lại đến chậm hoặc không đến tay người được thụ hưởng.
Trong khi đó hồ sơ báo cáo lên cấp trên của cán bộ xã rất “đẹp”, có đầy đủ chữ ký của người thụ hưởng đã ký nhận. Thời gian tới việc chi trả cho người có công phải giám sát chặt để tránh vụ việc tương tự xảy ra.
Chúng tôi đang chờ phòng LĐ-TB&XH thành phố báo cáo cụ thể vụ việc, khi đó Sở sẽ có văn bản đề nghị cán bộ xã Nam Sơn phải thực hiện khắc phục hậu quả. Đồng thời đề nghị UBND thành phố Bắc Ninh xem xét xử lý, kỷ luật cán bộ vi phạm theo luật”.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn thừa nhận: “Qua xác minh ban đầu có thể thấy dấu hiệu cán bộ vi phạm. Vụ việc cụ thể ra sao, chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng từ phòng LĐ-TB&XH thành phố.
Để xảy ra vụ việc lần này có thể nói đồng chí Nguyễn Thế Khu, cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH của xã một phần do trình độ còn hạn chế, đi lên từ đội sản xuất nông nghiệp.
Cách làm việc của đồng chí Khu không khoa học, sổ sách tài liệu thất lạc, ghi chép, lưu giữ tài liệu sai quy định. Bởi vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phân công đồng chí Khu làm công việc khác”.
Vũ Phương