Điều "tréo ngoe" ở chỗ cả ba bị cáo đều là những người có chức trách "phòng và chống tội phạm" nhưng lại cố tình vi phạm pháp luật và vi phạm những ba lần liên tiếp.
Có thể số tiền các bị cáo "trấn lột" của các nạn nhân không lớn nhưng mức độ ảnh hưởng của vụ án này thì rất lớn: Người dân mất niềm tin vào lực lượng công an, vào sự nghiêm minh của pháp luật khi người làm luật lại cố tình phạm luật.
Bên cạnh đó, nhiều người đánh giá mức hình phạt mà toà án cấp sơ thẩm dành cho các bị cáo là quá nhẹ, thậm chí ngược hẳn so với đề xuất của cơ quan công tố.
Liên quan đến phán quyết của TAND TP.Lạng Sơn, ông Vũ Thanh Lịch, Phó Viện trưởng VKSND TP.Lạng Sơn nhận định, các bị cáo đều lĩnh các mức án rất nhẹ và Tòa án đã có sự khác biệt với quan điểm của VKS. "Án sơ thẩm chưa có hiệu lực và chúng tôi sẽ có quyết định kháng nghị", ông Lịch nói.
Trao đổi với PV, một vị lãnh đạo nguyên là Chánh án TAND TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (đề nghị giấu tên) cũng cho rằng, trong sự việc này còn rất nhiều vấn đề băn khoăn cần phải xem xét lại. Cụ thể, quan điểm của cơ quan công tố và cơ quan xét xử đã có sự "vênh" nhau quá lớn. Rất nhiều tình tiết đã không được xem xét một cách cặn kẽ, thấu đáo.
Các bị cáo đã bàn bạc, lên kế hoạch, thậm chí câu kết với nhau một cách hoàn hảo để đưa những cô gái bán dâm vào "tròng". Mục đích chính là để chiếm đoạt tài sản, tiền vàng của các nạn nhân. Thực tế trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện rất rõ, các bị cáo cũng đã bàn bạc, trao đổi qua điện thoại với nhau rất nhiều lần. Không hiểu tại sao những tình tiết này lại không được HĐXX sơ thẩm xem xét đến? Đặc biệt, việc bị cáo Hiếu được tuyên vô tội là điều bất thường, gây khó hiểu trong dư luận.
Theo quan điểm của vị này, các bị cáo nguyên cán bộ công an thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp và gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, khi lượng hình phạt, HĐXX phải áp dụng theo điểm a, b, đ, khoản 2, Điều 135 BLHS mới tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.
Văn Hải