Những ngày qua sau khi cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) công bố “cấp phép” hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó đáng chú ý nhất có ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem xét lại năng lực, chức năng, nhiệm vụ của cục NTBD, một cơ quan của bộ Văn hóa cần hành xử một cách văn hóa và chuẩn mực. Hơn nữa, đây không phải lần đầu đơn vị này đưa ra những công bố khó hiểu và gây bức xúc dư luận.
Không lâu sau đó, vào sáng ngày hôm qua (23/5), ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng cục NTBD cũng đã lên tiếng xin lỗi về việc “cấp phép” hơn 300 ca khúc đang được phổ biến rộng rãi, trong đó phần lớn là những ca khúc cách mạng.
Trong đó, có rất nhiều ca khúc đã đi vào lòng người qua biết bao thế hệ, những ca khúc gắn liền với hành trình cách mạng của dân tộc như “Tiến quân ca” (nhạc sĩ Văn Cao), “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (nhạc sĩ Phạm Tuyên), “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lên đàng”... cũng nằm trong danh sách trên của cục NTBD.
Ngay sau khi Cục trưởng cục NTBD Nguyễn Đăng Chương lên tiếng xin lỗi, bên hành lang Quốc hội, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thưa ông, Quốc ca đã được Hiến pháp quy đinh, vậy có cần thiết cục NTBD tiếp tục “cấp phép”?
Có thể nói thẩm quyền của cục NTBD là cấp phép cho biểu diễn, bởi vậy cục này tự nghĩ là lĩnh vực gì cũng nằm trong phạm vi của cục. Chính vì vậy dẫn đến sự việc đáng tiếc như vừa qua.
Như tôi đã nói, Tiến quân ca là tài sản quốc gia đã được công nhận. Việc công bố của cục NTBD là vi phạm pháp luật chứ không còn là lạm quyền nữa.
Trong Khoản 3 điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ Quốc ca của Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca.
Như vậy việc công bố “cấp phép” đối với Tiến quân ca có vi phạm Hiến pháp không thưa ông?
Quốc ca còn cần phải cấp phép nữa hay sao? Điều này hết sức khó hiểu. Rõ ràng công bố của cục NTBD đã “trèo lên” cả Hiến pháp.
Mọi thứ đều xuất phát từ nhận thức, mà nhận thức không đầy đủ, lẽ ra Cục phải đi tham vấn các chuyên gia pháp luật, bộ Tư Pháp, hội nhạc sĩ,…
Đặc biệt việc công bố của cục NTBD vừa qua là hết sức nhạy cảm, nó động chạm đến trái tim, niềm tự hào của dân tộc.
Bởi vậy, việc công bố đó phải hết sức thận trọng, nhận thức phải đầy đủ, tiến hành các bước phải hết sức cẩn trọng. Nếu không sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Thưa ông, lời xin lỗi của người đứng đầu cục NTBD khó có thể khỏa lấp được bức xúc từ dư luận?
Rất khó để nói có cân bằng giữa lời xin lỗi của ông Cục trưởng và vấn đề đã gây ra hay không. Tuy nhiên, tôi cho rằng, lời xin lỗi của người đứng đầu cục NTBD là chấp nhận được.
Việc công bố đã rất rõ là có vấn đề, có sai lầm, còn cơ quan đó sẽ có những hình thức kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật.
Ngay từ ngày đầu cục NTBD công bố việc này tôi đã phản đối rất gay gắt, nhưng việc Cục trưởng xin lỗi nhân dân là việc cần làm và trong chừng mực nào đó là đầy đủ, có thể chấp nhận.
Dư luận phản ứng gay gắt, nhưng cục NTBD gần như im lặng cho đến khi Phó Thủ tướng chỉ đạo mới lên tiếng?
Có thể nói sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng là rất kịp thời và đúng đắn. Điều này mang lại điều gì đó rất lớn cho người dân.
Tôi nghĩ rằng sau việc này việc nhận thức của cục NTBD sẽ cao và đầy đủ hơn và cũng là bài học sâu sắc cho các đơn vị khác và cho cả những nhà quản lý”.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Phương