Vụ ‘cát tặc’: ‘Cứ phối hợp với huyện là ‘cát tặc’ lại nghỉ làm’

Vụ ‘cát tặc’: ‘Cứ phối hợp với huyện là ‘cát tặc’ lại nghỉ làm’

Thứ 6, 22/11/2013 16:45

Lãnh đạo địa phương cho rằng, nạn “cát tặc” đã diễn ra nhiều năm nay nhưng xã đành “bất lực”, Hạt quản lý đê điều huyện thì “phủ nhận” trách nhiệm, chỉ có người dân vẫn đau đáu vì nỗi lo trước mắt mà họ đã hình dung ra sau những diễn biến của thực tế tại đây.

Như báo Nguoiduatin.vn đã phản ánh, khúc sông Thái Bình trải dài suốt 35km đường thủy trên địa bàn 4 huyện của tỉnh Hải Dương đang trở thành điểm nóng của nạn “cát tặc”.

Bằng các thủ đoạn tinh vi, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình có thể “móc” từ dưới lòng sông lên khoảng 200-300m3 cát. Nhẩm tính, mỗi ngày những kẻ khai thác cát trái phép đã “hút” đi hàng chục nghìn mét khối cát dưới lòng sông, và dần tới đây có thể xóa sổ cả bãi bồi ven sông”.

Trao đổi với PV về thực tế nói trên, ông N.Q.V, giám đốc một công ty xây dựng tại Hải Dương khẳng định: “Hầu hết các đội tàu đang có mặt trên khúc sông Thái Bình đoạn qua Tứ Kỳ đều khai thác cát chui, không giấy phép”.

Được biết, sở dĩ các đội “cát tặc” có thể khai thác cát trên các bãi bồi ven sông là do giữa các đội khai thác cát lậu và nhiều người dân xã Đại Đồng, Tứ Kỳ đã có sự “thỏa thuận ngầm” về việc “bán ruộng”.

Miền bắc - Vụ ‘cát tặc’: ‘Cứ phối hợp với huyện là ‘cát tặc’ lại nghỉ làm’ Ảnh chụp vòi rồng của "cát tặc" ngay cửa thoát nước của trạm bơm Đò Neo (Tứ kỳ, Hải Dương)

Theo đó, “cát tặc” đã liên hệ với những người dân có đất bồi ven sông và mua lại. Sau khi có được những bãi đất bồi vốn là đất nông nghiệp, “cát tặc” bóc lớp đất trên mặt tạo thành những chiếc ao hàng trăm m2, nằm san sát nhau để tiện khai thác sau đó cho vòi rồng thọc sâu xuống lòng ao và ngang nhiên hút cát mà người ngoài không hề hay biết.

Theo ông V. “Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 150 xe cát được đưa ra khỏi bãi mang đi tiêu thụ”.

Không chỉ “tiếc” cho nguồn tài nguyên đang bị tàn phá một cách không thương tiếc mà hơn hết người dân xã Đại Đồng đang lo lắng cho số phận của con đê chắn lũ cũng như cuộc sống của chính những người dân đang bị đe dọa từng ngày.

Với sự đè nén của hàng trăm chuyến xe tải trọng lớn hàng ngày cùng với tác động của việc moi cát ngầm từ dưới chân đê, liệu con đê chắn lũ kia sẽ trụ vững được bao nhiêu lâu khi dòng sông nổi sóng.

Đem nỗi băn khoăn của người dân và thực trạng “cát tặc” trao đổi với các cấp lãnh đạo, ông Dương Công Thân - hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Tứ Kỳ vẫn khẳng định: "Hành lang an toàn đê vẫn đảm bảo, "cát tặc" chưa khai thác đến phạm vi 25 mét dài (phạm vi an toàn đê) tính từ bờ đê ra sông".

Thậm chí, ông hạt trưởng còn cho rằng: “Huyện Tứ Kỳ đã thành lập ban chỉ đạo xử lý khai thác cát. Việc quản lý cũng như xử lý những trường hợp hút cát, trộm cát trên sông Thái Bình không thuộc thẩm quyền của Hạt Quản lý đê điều huyện Tứ Kỳ, hạt chỉ tham gia với tư cách là thành viên phối hợp với liên ngành”.

Khi được hỏi về công tác quản lý cụ thể trên các đoạn sông Thái Bình qua huyện Tứ Kỳ có “cát tặc” lộng hành , ông Dương Công Thân cho biết: “Đối với những đoạn đê, kè trọng điểm chúng tôi có những phương án, giải pháp riêng. Ở những vị trí đó chúng tôi cho anh em túc trực ngày đêm nhưng không thấy tàu hút cát” .

Miền bắc - Vụ ‘cát tặc’: ‘Cứ phối hợp với huyện là ‘cát tặc’ lại nghỉ làm’  (Hình 2).Ông Dương Công Thân - hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Tứ Kỳ (trái) và ông Nguyễn Xuân Toa – chủ tịch UBND xã Đại Đồng

Ông hạt trưởng nói thế nhưng trên thực tế ngay tại cống trạm bơm Đò Neo, một vị trí đê trọng yếu, “cát tặc” vẫn giong vòi hút cát qua đó, nơi mà khi xem ảnh chụp hiện trường chính ông hạt trưởng đã “ngớ người” và biện hộ bằng những lời nói thiếu thuyết phục.

Đem câu chuyện “cát tặc” lộng hành lên làm việc với UBND xã Đại Đồng, một thực tế đau lòng đã dần hé lộ.

Trong câu chuyện với PV, ông Nguyễn Xuân Toa – chủ tịch UBND xã Đại Đồng, Tứ Kỳ khẳng định: “Việc khai thác cát trộm trên địa bàn khu Soi đã xảy ra từ lâu. Trước đây “cát tặc” chỉ hút cát giữa sông nhưng từ năm 2010 đến nay chúng thường xuyên neo đỗ tàu khai thác bên cạnh bờ sông với khoảng 30 – 50 tàu”.

Khi được hỏi về các biện pháp đối phó “cát tặc” của xã, ông chủ tịch tỏ ra buồn rầu: “Xã đã nhiều lần bí mật tổ chức bắt các tàu hút trộm cát nhưng do lực lượng dân quân mỏng lại không được trang bị điều kiện cần thiết nên đã gặp phải sự chống đối của bọn khai thác cát lậu”.

Đáng chú ý, một điều mà ngay cả ông chủ tịch xã Đại Đồng và PV đều thấy khó hiểu được ông này tiết lộ là hễ “cứ phối hợp với huyện là “cát tặc” lại nghỉ làm còn khi xã ra quân một mình thì lại có nhiều tàu hút cát hoạt động”.

Chủ tịch xã Đại Đồng cũng tiết lộ thêm: “Xã đã gửi kiến nghị lên huyện nhưng không có động thái từ cấp trên nên đã không ít lần tôi gửi thẳng đơn cầu cứu lên các cơ quan tỉnh mà không qua huyện”.

P.V 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.