Giáo sư Bằng cho biết thêm, công an sẽ đọc báo cáo này và sẽ cùng giáo sư Bằng lên kế hoạch khai quật.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng trong dùng máy bức xạ từ tìm kiếm xác chị Huyền.
Tiến sĩ Bằng cho biết: “Qua các số liệu và dữ liệu thu thập được trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã sàng lọc ra 34 điểm và xác định được 11 địa điểm nghi vấn có xác nạn nhân”.
Cụ thể, đoạn từ cầu Thanh trì đến Bát Tràng dài 1,6 km có 7 địa điểm nghi vấn, nhưng trong đó có 4 vị trí cần khai quật để tìm kiếm. Đoạn từ Bát Tràng đến bãi bồi xã Văn Đức, Gia Lâm dài 7,2 km có 15 điểm nghi vấn, trong đó 4 vị trí cần khai quật.
Đoạn từ cuối bãi bồi Văn Đức, Gia Lâm đến Phi Liệt, Văn Giang, Hưng Yên dài 4,5 km, có 3 địa điểm nghi vấn, trong đó cần khai quật 2 vị trí cần. Đoạn từ Phi Liệt đến xã Ninh Sở, Hà Nội dài 4 km có 3 địa điểm nghi vấn, cần khai quật 2 vị trí.
Bản đồ các vị trí tìm kiếm.
Trong quá trình tìm kiếm, TS Vũ Văn Bằng đã sử dụng các loại máy, như máy định vị vệ tinh GPS, máy đo địa từ (Geomagneticmeter) – BPT-2010 - nhập từ Đức, máy đo bức xạ từ (Magneticradiation) – BXT13 do ông tự chế tạo từ nhiều năm trước đây.
"Phương pháp tìm khảo sát, tìm kiếm được chúng tôi thực hiện hoàn toàn dựa vào kiến thức Vật lý đã được giảng dạy trong trường học. Cụ thể là dựa trên nguyên lý bức xạ từ của mọi vật thể tồn tại trong lòng một vật thể khác. Riêng đối với hài cốt người, ngoài tính chất bức xạ từ như mọi vật chất nêu trên còn là một lưỡng cực từ với lực hấp dẫn mạnh", TS Bằng nhấn mạnh.
Nói về thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền hiện nay, TS Bằng chia sẻ: "Hiện giờ thi thể của nạn nhân chỉ còn xương, có khả năng là bị vùi xuống cát cả vài chục cm. Vì thế cần phải xúc cát lên để tìm".
Về phía gia đình nạn nhân, ông Phạm Đức Quang, cậu của nạn nhân cho biết: "Mấy ngày qua, gia đình chúng tôi có đi tìm theo lời của các nhà ngoại cảm nhưng vẫn không thấy, chúng tôi vẫn tiếp tục trông chờ vào đợt tìm kiếm tiếp theo của các nhà khoa học".
Văn Nguyễn