Vụ cháu bé 4 tuổi tử vong vì ngã xuống hố điện không rào chắn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Vụ cháu bé 4 tuổi tử vong vì ngã xuống hố điện không rào chắn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Chủ nhật, 18/08/2019 15:39

Liên quan đến cái chết của cháu bé 4 tuổi không may rớt xuống hố điện không rào chắn, nhiều khả năng cả chủ đầu tư và đơn vị đã được chủ đầu tư giao việc thi công, giám sát công trình phải liên đới chịu trách nhiệm, bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Mới đây, tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An vừa xảy ra vụ một bé trai tử vong khi rơi xuống hố chôn cột điện lực đang thi công không có rào chắn.

Góc nhìn luật gia - Vụ cháu bé 4 tuổi tử vong vì ngã xuống hố điện không rào chắn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Hố cột điện nơi cháu bé gặp nạn

Nạn nhân được xác định là bé Đ.M.H. (4 tuổi) con trai vợ chồng anh Đinh Văn H. (31 tuổi, ngụ xã Đức Thành, huyện Yên Thành) theo cha mẹ ra đồng chơi.

Vị trí bé H. gặp nạn là hố chôn cột điện lực đang thi công sâu khoảng 4m nhưng không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.

Theo ông Hồ Sỹ Vĩnh - Giám đốc Điện lực huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết: Công trình đường dây diện 35kV dài hơn 1km này do Điện lực Nghệ An làm chủ đầu tư và đã giao cho đơn vị thi công, đơn vị giám sát công trình chịu trách nhiệm về an toàn.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra sau sự việc cho thấy đơn vị giám sát thi công không có biện pháp rào chắn, đảm bảo an toàn thi công.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng chủ thể chịu trách nhiệm trong vụ việc này là đơn vị đã được chủ đầu tư giao việc thi công, giám sát công trình. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng có thể phải liên đới chịu trách nhiệm.

Góc nhìn luật gia - Vụ cháu bé 4 tuổi tử vong vì ngã xuống hố điện không rào chắn: Trách nhiệm thuộc về ai? (Hình 2).

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín

“Ở đây, chủ thể chịu trách nhiệm khó có thể là những người đã trực tiếp thi công công trình bởi họ chỉ là những người làm công ăn lương, được giao nhiệm vụ thi công công trình”, luật sư Hiền nêu quan điểm.

Do đó, theo luật sư Hiền thì trách nhiệm ở đây nếu có cũng chỉ có thể là đơn vị đã được chủ đầu tư giao việc thi công, giám sát công trình và chủ đầu tư (liên đới chịu trách nhiệm nếu có), và những chủ thể này đều là pháp nhân.

Về hướng xử lý, luật sư Hiền cho rằng, vụ việc này chỉ có thể xử lý dân sự (bồi thường thiệt hại) chứ khó có thể xử lý hình sự.

Bởi, hành vi không làm rào chắn, không để biển cảnh báo nguy hiểm có dấu hiệu của tội “Vô ý làm chết người” nhưng đối với tội danh này chỉ có thể truy cứu đối với cá nhân chứ pháp nhân không phải chịu trách nhiệm về tội này.

Hơn nữa, theo luật sư Hiền, để xảy ra vụ việc đau lòng có một phần lỗi của đơn vị thi công đã không có hoặc không quản lý chặt chẽ trong việc yêu cầu những người trực tiếp thi công sau khi thi công bắt buộc phải làm rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và một phần lỗi từ phụ huynh cháu bé, mặc dù họ có thể hoàn toàn ý thức được đó là nơi nguy hiểm nhưng lại không để ý, không quản lý, trông nom con cái cẩn thận.

Do đó, rất khó để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư cũng như đơn vị đã được giao việc thi công, giám sát công trình hay cá nhân những người trực tiếp thi công công trình đó.

Từ phân tích trên, luật sư Hiền cho rằng, đối với vụ việc này khả năng sẽ xử lý theo hướng bồi thường dân sự theo Điều 591 và Điều 597 Bộ Luật dân sự năm 2015. Cụ thể:

Điều 591: Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Điều 597: Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.