Ông Nguyễn Trọng Vân, Chủ tịch UBND xã Khuyến Nông (Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho biết, khoảng 16h ngày 28/2, UBND xã nhận được thông tin, có trường hợp cháu bé Lê Bá Nam bị gia đình bạc đãi, dùng dây xích khóa cổ. Lãnh đạo UBND xã đã chỉ đạo công an xuống hiện trường để giải quyết. Bé trai này bố, mẹ đã ly dị nhau, mẹ mất khi cháu chưa được 1 tuổi, cháu về ở với bà nội.
Thông tin từ một số người biết chuyện cho biết, do nghi ngờ cháu Nam lấy vàng của mình đi bán lấy tiền chơi game, nên chú của Nam đã dùng xích khóa cổ cháu vào.
Lãnh đạo UBND xã Khuyến Nông cũng xác nhận thông tin này và cho biết, về phía chính quyền địa phương đã cắt khóa và cho cháu về nhà. Đồng thời công an xã đang vào cuộc xác minh điều tra.
Một số người dân khi phát hiện ra vụ việc đã động viên cháu bé, đồng thời trình báo tới chính quyền địa phương. Một số người dân đã dùng điện thoại quay lại sự việc rồi đưa lên mạng xã hội.
Sau khi thông tin được lan truyền, nhiều người tỏ ra bất bình với hành vi dùng xích khóa cổ cháu bé của ông chú kia. Vậy hành vi kia của người chú có bị xử lý?.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của cháu Nam đúng là có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản, hành vi này là trái pháp luật. Nhưng đối với cháu bé là mặt chủ thể người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì lại không cấu thành tội phạm vì mặt chủ thể không đảm bảo (vì cháu bé dưới 14 tuổi nên hành vi của cháu không bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác).
Vì không thể xử lý mặt hình sự nên trong trường hợp này nếu cháu Nam thực sự “hư” thì có thế đưa vào trường giáo dưỡng để giáo dục cháu thành người có ích.
“Trong trường hợp này xảy ra, đáng nhẽ gia đình phải tập trung vào vì hoàn cảnh của cháu bé mẹ chết, bố đi lấy vợ khác, sống với bà nội già yếu, đã thiếu đi sự yêu thương của người thân, của bố của mẹ.
Vốn dĩ trẻ em sinh ra là thánh thiện, nhưng không may nó rơi vào hoàn cảnh như thế thì nó mới có cái tính hư như vậy. Và trong bối cảnh như vậy cháu nó mới đi ăn cắp của chú. Trước khi trách cháu thì hãy tự trách chú đã. Trẻ em chưa nhận thức được nhiều. Đáng lẽ phải giáo dục, yêu thương cháu thì ông chú này lại mang xích để khóa cổ cháu”, luật sư Ứng chia sẻ.
Theo luật sư Ứng, hành vi của người chú dùng xích khóa cổ cháu bé có thể bị xử lý hành chính hoặc cũng có thể bị xử lý hình sự.
“Nếu ông chú này lần đầu có hành vi dùng dây xích khóa cổ cháu bé thì có thể áp dụng xử phạt hành chính theo Nghị định 167. Nhưng nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định ông chú này đã nhiều lần hành hạ, xích cổ cháu hoặc nhiều lần hành hạ bằng cách đánh đập, bỏ đói cháu, có lời nói nhục mạ… thì sẽ bị xử lý hình sự theo với hành vi hành hạ người khác”, luật sư Ứng cho biết.
Theo Điều 50 Nghị định 167, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình có thể bị xử phạt lên đến 2 triệu đồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 140 BLHS, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.