Liên quan đến vụ việc cháu bé Lê Bá Nam (SN 2005, trú tại Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị chú dùng xích khóa cổ vào ngày 28/2, công an xã này vẫn đang vào cuộc điều tra xác minh.
Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng Công an xã Khuyến Nông thông tin, sau khi được người dân báo tin về việc phát hiện cháu Nam bị xích khóa cổ đi lang thang trên đường, công an đã đưa em về trụ sở để tìm hiểu làm rõ.
Ông Trung cũng cho biết, cháu bé bị chính người chú xích cổ. Theo đó, nguyên nhân sự việc được gia đình cung cấp rằng, sau khi ăn trộm vàng và dây chuyền bạc, N. đã bỏ đi chơi, gia đình phải đi tìm khắp nơi tới chiều ngày 27/2 mới tìm được cháu về. Khi tìm được N. về, chú thím và bà nội không hề đánh đập hay chửi bới gì cháu N..
Đến trưa ngày 28/2, chú thím của Nam đi Hà Nội làm ăn, chỉ còn bà nội ở nhà. Vì vậy bà nội đã bảo chú của Nam dùng xích, khóa cháu lại để cho cháu không bỏ đi nữa. Tuy nhiên sau đó Nam đã rời khỏi nhà tìm cách phá khóa.
Theo ông Trung, trong quá trình làm việc, cháu Nam khai cách đây mấy hôm có lấy 2 chỉ vàng tây là nhẫn cưới của chú thím và dây chuyền bạc ở chân, tay của hai con chú thím đem bán lấy tiền chơi điện tử. Tổng số tiền bán nhẫn vàng và dây chuyền bạc lần này là 540.000 đồng.
Sau khi biết ngọn ngành câu chuyện, nhiều người tỏ ra thông cảm với gia đình nhà cháu Nam. Tuy nhiên, nhiều người cũng không khỏi thắc mắc về việc cháu Nam đã bán vàng cho ai, làm cách nào để một đứa trẻ 12 tuổi lại bán trót lọt số tài sản lớn như vậy? Giá trị thật của số tài sản mà Nam bán có phải là 540.000 đồng hay không?.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) nhìn nhận, trường hợp người mua vàng của cháu Nam có thể phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Luật sư Ứng phân tích, nếu người mua vàng của cháu Nam biết rõ đây là vàng tây, vòng bạc, và là đồ trộm cắp mà vẫn mua thì người này có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngoài ra, giá trị của 2 chỉ vàng tây và 2 vòng bạc cũng lớn hơn rất nhiều con số 540.000 đồng mà người này trả cho cháu bé. Để xác định giá trị tài sản, cơ quan chức năng cần thu hồi và đưa đi định giá để làm căn cứ xử lý tiếp theo.
Nếu cơ quan chức năng xác minh từ phía người mua, nếu không biết đó là hàng có giá trị, là đồ mỹ ký, không nghĩ là vàng thật mà mua với giá của đồ mỹ ký. Ông thấy thương đứa bé có hoàn cảnh khó khăn và ông mua giúp với giá trị của đồ mỹ ký thì ông không phạm tội.
“Ví dụ như em bán cho anh, anh biết đây là mỹ ký, anh cũng mua giá tiền này là tương ứng với tiền mỹ ký theo thị trường, hoặc rẻ hơn một tí để anh bán lại có lãi. Nếu cái nhẫn mỹ ký này ngoài thị trường 200.000 đồng, anh mua 100.000 đồng, anh bán lại là có lãi. Như vậy anh mua hàng này là anh biết rằng nó là hàng mỹ ký, anh mua với giá rẻ hơn để anh bán đắt hơn kiếm lời. Trường hợp này của anh thì không phạm tội”, luật sư Ứng chia sẻ.
Tuy nhiên trong vụ việc của cháu Nam, luật sư Ứng cho rằng cơ quan chức năng cần phải xác định rõ động cơ mục đích của người mua vàng kia. Nếu người kia biết rõ là vàng thật lại mua với giá hàng mỹ ký thì có dấu hiệu của tội Tiêu thụ hàng gian.
“Anh biết thừa trẻ em không thể có vàng được, biết là đồ trộm cắp mà anh vẫn mua là anh phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, luật sư Ứng bày tỏ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS 2015, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.