Còn nhớ, ngày đó, có người đã gọi một nữ bị cáo trong vụ án là "người nhiều nước mắt nhất tại tòa". Tất cả các phiên tòa từ sơ thẩm, phúc thẩm, người đàn bà ấy đều vật vã khóc. Ngày 9/12/2012, vụ án cháy chợ Quy Nhơn đã được xét xử lại, lật lại bản án mà tòa đã tuyên trước đó. Tình cờ khi PV báo ĐS&PL có dịp trò chuyện với những người đã tham gia lật lại bản kết luận mà viện Khoa học hình sự đã tuyên trước đó.
Người giám định viên tận tuỵ
Vào đêm ngày 16/12/2006, chợ Quy Nhơn bùng cháy dữ dội. Vụ cháy ước tính thiệt hại 134 tỷ đồng của 900 tiểu thương kinh doanh trong chợ.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, đại tá Lê Văn Lợi, Trưởng phòng giám định Hóa pháp lý, viện Khoa học hình sự (bộ Công an), người trực tiếp giám định lại vật chứng vụ án cho biết, vụ án xảy ra từ năm 2006.
Tháng 5/2008, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên 7 bị cáo gồm Đỗ Thanh Tâm (nguyên trưởng Ban Quản lý chợ) 3 năm tù; Đỗ Thanh Tân (nguyên phó Ban Quản lý chợ kiêm đội trưởng Đội PCCC chợ) 30 tháng tù, Phạm Viết Ngò (nguyên đội phó Đội bảo vệ chợ) 8 năm tù; Nguyễn Thành Hải, Đoàn Bình (đều là nhân viên bảo vệ chợ) mỗi bị cáo 5 năm tù; Đoàn Đình Tri (nhân viên Đội bảo vệ chợ) 11 năm tù, Võ Thị Thúy Vân (tiểu thương) 8 năm tù. Tổng số tiền các bị cáo phải bồi thường thiệt hại lên tới 122 tỉ đồng.
Vụ cháy chợ Quy Nhơn gây chấn động dư luận năm 2006 đã được giám định, xét xử lại, lật ngược hoàn toànbản án ban đầu. Quang cảnh chợ Quy Nhơn sau khi cháy.
Sau phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định năm 2008, các nạn nhân và bị cáo đã gửi rất nhiều đơn thư kêu oan, khiếu nại. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định sau đó đã được TAND tối cao tại TP.Đà Nẵng tuyên hủy, yêu cầu điều tra lại. Đại tá Lê Văn Lợi (khi đó là thượng tá), giám định viên cháy nổ của Viện KHHS đã được giao nhiệm vụ giám định lại vụ việc.
Theo đó, kết luận của lần giám định thứ nhất và phán quyết của tòa án cho rằng chiếc quạt điện trong quầy hàng của chị Thuý Vân là thủ phạm. Nhưng khi giám định lại đại tá Lợi đã chứng minh rằng chiếc quạt điện bị cháy từ ngoài vào chứ không phải từ trong ra, do đó loại trừ nguyên nhân gây cháy là do quạt điện.
Cùng với đó, ông cũng chứng minh phích cắm quạt nằm ngoài ổ cắm khi cháy. Kết luận giám định lại lần hai của Viện Khoa học Hình sự - bộ Công an ngày 19/11/2009 cũng đã loại trừ nguyên nhân gây cháy là do động cơ quạt điện xuất phát từ sạp hàng của tiểu thương Võ Thị Thúy Vân và không đủ điều kiện để đưa ra kết luận nguyên nhân gây cháy chợ. Ngày 12/12/2009, cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Định đã đình chỉ điều tra đối với bà Võ Thị Thúy Vân.
Gần 6 năm sau, ngày 12/9/2012, vụ án được đưa ra xét xử lại. TAND TP.Quy Nhơn đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thanh Tâm (SN 1956) 12 tháng tù; Đỗ Thanh Tân (SN 1948) 9 tháng tù; Phạm Viết Ngò (SN 1960) 18 tháng tù; Nguyễn Thành Hải (SN 1952) và Đoàn Bình (SN 1954) cùng chịu mức án 9 tháng tù, chủ yếu về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Qua một vài người bạn, tôi biết đến vụ việc này và cũng biết đại tá Lợi chính là người đã minh oan cho người vô tội. Ông bảo: "Vụ việc qua rồi, sự thật cũng được sáng tỏ. Tôi cũng thấy vui vì những việc đã làm nhưng vì hậu quả của nó khá nặng nề và nhiều người phải chịu quá nhiều tổn thất nên chẳng muốn nhắc lại. Đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong cuộc đời làm giám định cháy nổ của mình".
Được biết, rất nhiều lần ông đi từ Hà Nội vào Quy Nhơn để tìm manh mối, có người cũng khuyên ông đừng làm chuyện ngược lại vì nếu kết luận ngược lại thì sẽ là một chuyện động trời. Thế nhưng, việc kêu oan của bị cáo Vân đã đến mức thảm thiết, trên bàn làm việc của ông lúc đó có đến 7 tập hồ sơ kêu oan. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm giám định cháy nổ ông linh cảm thấy có nỗi oan ức ở đây và quyết tìm ra sự thật.
"Khó khăn nhất trong khi giám định lại đó là vụ cháy xảy ra đã hơn hai năm, hiện trường đã không còn nữa. Chợ Quy Nhơn đã được xây dựng lại. Tất cả các dấu vết, dấu hiệu ban đầu đã không còn, gây khó khăn cho công việc giám định lại. Lúc này chỉ còn lại hồ sơ vụ việc, các bản ảnh, và đặc biệt là chiếc quạt vẫn còn lưu lại tại Viện KHHS. Khó khăn là ở chỗ vụ cháy xảy ra từ 16/12/2006, nhưng mãi đến ngày 16/3/2009 mới có quyết định trưng cầu giám định lại. Tôi đã tiến hành giám định lại trong vòng một tháng từ khi nhận được quyết định nhưng trên thực tế đã bỏ công nghiên cứu vụ việc này trước đó nhiều tháng trời", đại tá Lợi cho biết.
Đại tá Lê Văn Lợi, Trưởng phòng giám định Hóa pháp lý, viện Khoa học hình sự (bộ Công an).
Mất tất cả vì một vụ án oan!
Xung quanh vụ việc này, có lẽ ít ai biết rằng, tiểu thương Võ Thị Thúy Vân đã bị mất tất cả trong thời gian chịu án oan. Sau phiên tòa năm 2008, chị Vân phải chịu 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy và bồi thường gần 46 tỷ đồng. Chị bị tạm giam khi vừa sinh con, phải đền bù thiệt hại với số tiền khổng lồ, thêm vào đó, người chồng đã viết đơn ly hôn trong thời gian chị đang bị tạm giam. Người đàn bà ấy chẳng còn gì để mất, nhưng chị không đồng tình với kết luận của tòa án cho rằng cháy do quạt điện từ quầy hàng của chị.
Chiều 26/3, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Võ Hồng Nam (văn phòng luật sư Nam Luật, đoàn luật sư Bình Định), người từng bào chữa cho tiểu thương Võ Thị Thúy Vân. Có thể nói, luật sư Nam là người có công lớn đề nghị để vụ án được giám định lại. Trước đó, bà Vân đã rất nhiều lần đề nghị giám định lại hiện trường nhưng không được chấp nhận.
Luật sư Nam cho biết, khi Hội đồng xét xử công bố bản án năm 2008, phòng xử náo loạn, các bị cáo choáng váng, riêng bị cáo Vân thì liên tục khóc ngất kêu oan khiến chủ tọa phiên tòa phải dừng lại. Trong quá trình bào chữa, việc chứng minh kết quả giám định lần thứ nhất không chính xác, không phù hợp với hiện trường là rất khó.
Luật sư Nam kể lại: "Tôi đã tự thực nghiệm nhiều lần sau kết quả giám định lần thứ nhất của viện KHHS. Ngoài ra còn hỏi một số người có kiến thức chuyên môn về quạt ở Quy Nhơn. Điều vô lý mà tôi thấy lúc đó là nếu hiện tượng mô tả như trong bản giám định thì không thể cháy do quạt. Còn nhớ, khi ra tòa tôi hơi bức xúc nên nói: "Có thể những vị giám định có học hàm học vị nhưng cũng không bằng người thợ đã trực tiếp sửa chữa quạt thâm niên 20 - 30 năm".
Sau khi tham khảo nhiều thợ sửa quạt lâu năm, ông đã mua hai chiếc quạt đốt thử nghiệm. Theo bản giám định là nhiệt độ phải cao nên ông đốt quạt trên than tổ ong. Kết quả vẫn trái ngược với kết luận giám định càng khiến luật sư Nam có niềm tin. Khi lên cấp phúc thẩm, người cuối cùng viện KHHS về giám định đã tìm ra và kết luận không có nguồn điện tại thời điểm đó. Trước đó, có nhân chứng khai là người cuối cùng về, khi ra khỏi chợ điện tắt tối thui. Vậy điện đã cắt thì lấy đâu ra điện để quạt chạy gây cháy?. Khi vụ cháy xảy ra, cơ quan điều tra có phong tỏa hiện trường, cầu dao nằm trong phòng, cửa khóa còn nguyên, không ai vào được. Vậy cầu dao cắt thì không thể có điện.
Khi PV ngỏ ý muốn liên lạc với chị Vân, ông Nam bảo: "Tôi mới gặp Vân ngoài chợ mới, chị bảo giờ ngại đụng tới chuyện đó. Nó là nỗi đau không bao giờ muốn nhắc lại. Đôi khi có người hỏi tới nhưng chị Vân chỉ muốn quên đi, không có gì đổi được bằng cuộc sống tinh thần cả. Chị ấy giờ nuôi con, bán hàng, sống một mình..".
Luật sư Nam tham gia vụ việc gần một năm, ngay khi khởi tố vụ án. Vào trại tạm giam thấy hoàn cảnh chị Vân tội nghiệp, con mới sinh, tạm giam, chồng thì bỏ, ông động viên và làm bằng chính tâm huyết nghề nghiệp. Đây là một trong số những vụ án khiến ông mệt mỏi vì tính phức tạp và kéo dài.
Chia sẻ với chúng tôi, ông nói, trong nhiều vụ việc đã làm, vụ án này để lại ấn tượng nhất về mặt pháp lý. Danh dự, nhân phẩm con người chỉ phụ thuộc vào một kết quả giám định. Cơ quan điều tra thi hành tố tụng chỉ căn cứ vào đó mà phán quyết.
Nhiều vụ án, có tội hay không có tội gần như chỉ phụ thuộc kết quả này. Hiện nay, ví dụ giám định thương tật, nếu hội đồng giám định kết luận người này 12% thì đủ yếu tố cấu thành thương tật, khởi tố bị can, nhưng nếu giám định lại là 9 - 10% thì không thể khởi tố vụ án, chỉ giải quyết dân sự. Kết luận giám định rất quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự nhưng giám định trong một số trường hợp chưa phải là tuyệt đối và theo luật pháp thì kết luận giám định cũng chỉ là một nguồn chứng cứ như bao nguồn chứng cứ khác mà thôi.
Yến Dương