Vụ hỏa hoạn kinh hoàng kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khiến nhiều người không khỏi lo ngại ngộ độc thủy ngân khi UBND phường Hạ Đình phát đi thông báo cảnh báo nguy cơ ngộ độc.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong chiếc đèn huỳnh quang sẽ có thủy ngân và ion có khả năng phát xạ gây hại cho sức khỏe của con người.
“Trong nhà máy có nhiều loại hóa chất chứ không riêng gì thủy ngân. Khi xảy ra cháy lớn, hóa chất sẽ bốc hơi, bay ra gây ô nhiễm không khí cùng với khói bụi. Chính vì thế, phía UBND phường Hạ Đình đã rất nhanh nhạy đưa ra cảnh báo cho người dân. Mặc dù chưa biết chính xác đây là hóa chất gì, người ta không phân tích nhưng chắc chắn là độc. Hóa chất độc nào cũng nguy hiểm cho con người”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng, những vụ cháy dân sự ít có khả năng gây độc hại, còn đối với sản phẩm của cả công ty có nhiều thành phần hóa chất thì rất có thể độc hại nếu xảy ra cháy.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, trong nhà máy có nhiều loại hóa chất, khi xảy ra cháy lớn hóa chất sẽ bốc hơi, bay ra gây ô nhiễm. Chính vì thế, việc cấm ăn thực phẩm nuôi trồng trong 1km sau vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông là điều cần thiết.
Cùng với đó, chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên Giảng viên khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, trong vụ cháy Nhà máy Phích nước Bóng đèn Rạng Đông không loại trừ khả năng có lượng thủy ngân bị thoát ra kèm theo khói bụi của vụ cháy.
“Tôi cho rằng khuyến cáo của chính quyền là cần thiết, bởi chắc chắn trong vụ cháy này có thủy ngân, còn mức độ nào chúng ta phải đo đạc mới biết chính xác khu vực này có bị ô nhiễm các chất hay không.
Nếu hít phải thủy ngân ở liều lượng cao sẽ ngấm vào máu, tích lũy ở xương ngay. Thủy ngân gây ra nhiều bệnh, tùy vào liều lượng, nếu liều lượng cao sẽ tác động ngay lập tức, liều lượng thấp sẽ ngấm vào máu sau đó vài ba năm mới xuất hiện bệnh", ông Côn chia sẻ.
PGS.TS Trần Hồng Côn cũng cho hay, ngoài thủy ngân, khói bụi từ vụ cháy này có thể kèm theo cả photpho, bột kẽm và một số hóa chất khác. Các chất này cũng có hại cho sức khỏe con người.
"Bóng đèn có kim loại nặng thủy ngân, nhưng lượng thủy ngân này đều quy định ở mức tương đối an toàn. Tuy nhiên, khi số lượng bóng đèn vỡ lớn, người ta phải tính toán xem lượng thủy ngân này có thoát được không, lượng tồn dư bao nhiêu, vượt thế nào so với chuẩn cho phép trong không khí”, ông Côn nói.
Trước đó, vào lúc hơn 18h ngày 28/8, đã xảy ra vụ cháy tại kho chứa hàng thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ở phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung.
Theo đó, khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên kho chứa hàng hóa với tổng diện tích nhà kho, xưởng là khu vực xảy ra cháy khoảng 6000m2. Các khu vực kho và xưởng bị cháy nằm tại phía Đông Nam khuôn viên Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, bao gồm: Kho compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác.
Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình phát đi hơn 1000 bản thông báo khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông trong vòng 21 ngày.
Vụ hỏa hoạn xảy ra suốt 6 giờ, dù không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản sau vụ hỏa hoạn là rất lớn. Ước tính ban đầu, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.