TAND TP.Hòa Bình đang xét xử vụ án liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận ở Hòa Bình. Phiên tòa xét xử công khai, tuy nhiên trong phòng tác nghiệp cho phóng viên báo đài lại lắp 2 thiết bị áp chế sóng di động.
Việc này đã gây cản trở, khó khăn trong việc đăng tải tin bài cũng như truyền tải thông tin, dữ liệu về tòa soạn của phóng viên, nhà báo khi tham dự, đưa tin phiên tòa.
Có ý kiến về nội dung này, nhiều luật sư tham gia phiên tòa xét xử vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng, việc làm này là không đảm bảo khách quan, phù hợp với một phiên tòa công khai.
Cụ thể, trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Hoàng Ngọc Biên cho rằng: "Việc phá sóng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí của phóng viên, ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp kịp thời, chính xác và phản ánh khách quan của các cơ quan báo chí".
Theo luật sư Biên, khi tiến hành phá sóng cần phải cân nhắc, không nên đưa kỹ thuật thông tin vào phiên tòa để hạn chế quyền của các công dân và những người thực hiện công việc được giao.
“Việc phá sóng phần nào gây phản cảm đối với quá trình tổ chức một phiên tòa công khai như thế này. Bản thân tôi cũng chưa thấy có quy định pháp luật hay nội quy xét xử nào về việc cho phép tòa sử dụng công nghệ thông tin để phá sóng ở tại khu vực xét xử”, luật sư Biên nói.
Luật sư Giang Văn Quyết – công ty Luật Tôi Yêu Luật cũng cho rằng, việc phá sóng trong một phiên tòa công khai như thế này là không cần thiết. Mặc dù đối với luật sư không ảnh hưởng gì nhiều nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp với cơ quan báo chí.
Tiếp nữa, quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Quynh – bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng: Đây là vụ án hình sự bình thường, không phải vụ án an ninh quốc gia, hoặc liên quan bí mật Nhà nước nên không cần thiết phải xét xử kín.
Việc phá sóng tại phiên tòa công khai như thế này dẫn tới máy móc, thiết bị của luật sư vô hiệu hoá hoàn toàn, không kết nối được tài liệu, văn bản lưu trữ trực tuyến trên mạng internet trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 hiện nay.
“Với 13.000 hồ sơ bút lục, các quy định văn bản pháp luật, chúng tôi không thể mang hết theo vào toà án. Việc các cơ quan chức năng ngắt sóng không cho kết nối đã hạn chế quyền bào chữa của luật sư cũng như quyền nhờ người bào chữa của bị cáo. Qua đấy thể hiện phiên toà không khách quan so với phiên toà sơ thẩm lần 01 vào tháng 5/2018”, luật sư Quynh nói.