Modern Tech có phải là công ty đa cấp?
Vụ việc hàng chục người dân kéo đến trụ sở công ty Cổ phần Modern Tech (68 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) vào sáng 8/4 để căng băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt “hơn 15.000 tỷ đồng” đang gây rúng động dư luận.
Hiện tại, chưa có kết luận của cơ quan điều tra nhưng theo thông tin do người dân cung cấp, vụ việc này là hình thức của mô hình kinh doanh đa cấp, vừa có yếu tố tiền ảo (tiền kỹ thuật số). Trong khi đó ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chưa công nhận tiền ảo là một loại tài sản.
Trao đổi với PV, Ths - Luật sư Cồ Lê Huy, Giám đốc công ty Luật TNHH Đại Việt, cho biết: “Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc sản xuất, lưu thông Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Hoàn toàn chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ”.
Cũng theo luật sư Huy, căn cứ Nghị định số 42 năm 2014 được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 40 năm 2018 quy định về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp, chỉ áp dụng đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp là hàng hóa. Trong khi đó, ở Việt Nam tiền ảo không được coi là một loại hàng hóa nên không thuộc quản lý của Nghị định này. Chính vì thế, không thể nói công ty Modern Tech là công ty đa cấp vì không có hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề người dân cho rằng có yếu tố bán hàng đa cấp trong vụ việc của công ty Modern Tech thuộc lĩnh vực quản lý của bộ Công Thương. Trao đổi với PV, ông Đinh Anh Tuấn, Cục Phó cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công Thương cho rằng, vụ việc này thực chất là lừa đảo qua mạng, do đó thuộc trách nhiệm quản lý của bộ Công an.
Dấu hiệu của hành vi lừa đảo
Đến nay, nhiều biểu hiện cho thấy có dấu hiệu lừa đảo của công ty Modern Tech. Trước hết, đó là việc công ty đã rời khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh trước làn sóng phẫn nộ của các nạn nhân và không ai biết Modern Tech đã đi đâu. Theo nhà đầu tư, Modern Tech đã huy động vốn, cam kết lợi nhuận nhưng nhà đầu tư đã mất cả chì lẫn chài. Hơn nữa, công ty này còn sử dụng hình ảnh trái phép của ca sĩ Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng… để quảng bá tên tuổi.
Ths - Luật sư Cồ Lê Huy cho biết: “Ngành nghề kinh doanh của công ty Modern Tech rất chung chung. Trong khi đó, nếu như đúng theo người dân nói thì việc công ty Modern Tech tổ chức sự kiện, dùng hình ảnh giới thiệu quảng cáo, đưa lợi nhuận lên đến 48%/tháng, tuy nhiên lại không có trả thực như cam kết thì đó là hình thức lừa đảo rõ ràng. Vì đây là hình thức dùng thủ đoạn gian dối tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Theo thông tin từ người dân thì tài sản của các nhóm lừa đảo này đã gần như tẩu tán hết. Do đó, việc thu hồi tài sản để trả lại cho người dân rất khó vì không biết họ đã tẩu tán tài sản đi đâu. Đồng thời nếu đúng như người dân nói rằng việc thu tiền của người dân để kinh doanh tiền ảo, tức một hình thức không có thật, đơn vị nhận tiền cũng không đầu tư vào dự án, hạng mục nào thì đó chính là gian dối nhằm lừa đảo đã được lên kế hoạch từ trước”, Luật sư Huy cho biết thêm.
Cũng theo luật sư Huy, người dân thiếu sót rất nghiêm trọng ở chỗ không tìm hiểu kỹ Modern Tech được phép kinh doanh những gì. Thứ hai là Nhà nước có cho phép được giao dịch, kinh doanh loại hình này hay không. Thứ ba là người dân không tìm hiểu việc những người thu tiền của mình họ chuyển đi đâu và sử dụng vào mục đích gì.
Theo đó, Luật sư Huy khuyến cáo: “Vấn đề của người dân là quá tin vào lời giới thiệu, những cam kết bằng miệng chắc nịch khiến bị mê hoặc về phần trăm lợi nhuận nên dính bẫy. Đây là sự việc rất đáng tiếc, người dân cần tỉnh táo hơn hoặc trước khi tham gia loại hình này nên tham vấn các chuyên gia pháp lý thì chắc chắn không bị lừa đảo. Điều cần kíp nhất của người dân hiện nay là gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo trên đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ tìm công lý”.
Hoàng Minh - Huy Nguyên