Sau loạt bài liên quan đến việc chiếm đường lập chợ tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Tp Hà Nội mà Người Đưa Tin đã đăng tải, mới đây UBND huyện Mê Linh đã có báo cáo gửi UBND Tp Hà Nội về nội dung trên.
Chợ trái phép hoạt động hàng chục năm tại Mê Linh
Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, điểm kinh doanh tự phát tại thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm được hình thành từ năm 2001 do một số hộ dân sinh sống tại đường thôn Ngự Tiền lập ra kinh doanh buôn bán trái cây. Hiện có khoảng 70 hộ tham gia sang mạn, bán buôn trái cây tại khu vực.
Đến nay, trên địa bàn xã Thanh Lâm và các địa bàn lân cận không có chợ và chưa được đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản để phục vụ nhu cầu phát triển kinh doanh ngày càng cao của nhân dân. UBND huyện Mê Linh đã tạo điều kiện cho phép mượn, sử dụng tạm thời tại khu đất thương phẩm thuộc dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân của Công ty An Phát làm điểm tập kết phương tiện vận chuyển, bốc xếp nông sản từ các nơi khác đến nhằm tránh gây ùn tắc giao thông.
Liên quan đến tình trạng lấn chiếm lòng đường làm chợ đầu mối, UBND huyện Mê Linh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 mực nước sông Cà Lồ dâng trên mức báo động 3 khiến một số tuyến đường ngập sâu làm chia cắt, gián đoạn giao thông và ảnh hưởng đến việc dừng đỗ bốc xếp nông sản. Các phương tiện vận chuyển nông sản chủ yếu từ các tỉnh Miền nam đến không thể quay đầu trả hàng nên các chủ phương tiện đã tự di chuyển đến đoạn đường 35 liên xã Đại Thịnh - Thanh Lâm và một số tuyến đường để làm điểm dừng đỗ tập kết nông sản…
Trước tình hình đó UBND huyện đã yêu cầu Công an huyện chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và Công an xã Thanh Lâm duy trì ứng trực 100% lực lượng ứng trực vừa phòng chống mưa bão vừa thực hiện phân luồng giao thông… hỗ trợ người dân khẩn trương bốc xếp nông sản vận chuyển đi tiêu thụ. Đến ngày 17/9, sau khi mực nước sông Cà Lô rút, các xe và phương tiện về khu đất tại dự án Khu du lịch 79 Mùa Xuân.
Theo UBND huyện Mê Linh, trong thời gian tới thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát đối với toàn bộ hoạt động của điểm tập kết trung chuyển nông sản, trái cây tại xã Thanh Lâm để kiểm tra xử lý các vi phạm về ATGT, ANTT, vệ sinh môi trường, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hoá liên quan đến hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá.
Rà soát và lắp đặt hệ thống biển hạn chế tải trọng đối với các tuyến đường do huyện quản lý, đặc biệt là đường Thanh Tước - Lâm Hộ và các tuyến đường xe container chở củ quả thường xuyên đỗ đậu không đúng quy định.
Báo cáo UBND Tp. Hà Nội, Sở GTVT cho phép thành lập bãi trông giữ xe tạm thời thu phí để phân luồng, quản lý các phương tiện tham gia tập kết, trung chuyển hàng hóa tại khu vực đúng quy định.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh gửi Tp. Hà Nội, đơn vị này cho biết sẽ yêu cầu lắp camera để theo dõi hoạt động tại điểm tập kết trên và chỉ đạo lực lượng Công an không để tái phát đội tự quản thành lập trái phép, nghiêm cấm thu tất cả các khoản thuế phí trái quy định tại đây…
Có tạo điều kiện cho hoạt động trái quy định tại chợ nông sản Thanh Lâm?
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, mặc dù UBND huyện Mê Linh đã yêu cầu Công an huyện chỉ đạo lực lượng CSGT TT và Công an xã Thanh Lâm duy trì ứng trực 100% lực lượng, vừa phối hợp thực hiện các nhiệm vụ vừa thực hiện phân luồng giao thông cho các phương tiện, sắp xếp các phương tiện góp phần hỗ trợ người dân khẩn trương bốc xếp nông sản vận chuyển đi tiêu thụ.
Trên thực tế người dân không thây lực lượng chức năng có mặt tại đây để thực hiện nhiệm vụ phân luồng xử lý vi phạm. Sau nhiều ngày ghi nhận tại tuyến đường 35, nơi có hàng trăm xe container lấn chiếm lòng đường họp chợ, phóng viên cũng không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm tra, hỗ trợ, phân luồng và xử lý vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên, vị trí trước đó cắm biển hạn chế tải trọng nằm cạnh khu chợ nông sản tại xã Thanh Lâm đã không còn nữa. Đây cũng là biển báo duy nhất tại đoạn đường này, nơi mỗi ngày phải oằn mình cõng hàng trăm lượt các loại xe tải trọng lớn hàng chục tấn ra vào.
Ngoài ra, một số người dân xã Thanh Lâm còn gửi nhiều đơn thư liên quan đến hoạt động tại khu chợ trái phép nêu trên. Như việc khu chợ này hoạt động đúng vào giờ tan tầm và giờ bắt đầu đi làm của người dân nên đoạn đường này thường xuyên ùn tắc trầm trọng.
Cũng từ khu chợ trái phép này mà xuất hiện nhiều tệ nạn và hệ luỵ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hoá của nhân dân xã Thanh Lâm, cụ thể là thôn Ngự Tiền và thôn Phú Hữu.
Những vấn đề trên người dân đã nhiều lần có đơn thư gửi cơ quan chức năng nhưng vẫn không nhận được phản hồi hay xử lý từ phía huyện Mê Linh và xã Thanh Lâm. Một số người đặt câu hỏi có hay không “nhóm lợi ích” liên quan đến khu chợ trên khiến nó tồn tại hàng chục năm không bị dẹp bỏ.
Hoạt động hàng chục năm nhưng không đóng thuế
Trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh về khu chợ nông sản tại xã Thanh Lâm, ông cho biết có nắm được việc hoạt động chợ nông sản mà phóng viên phản ánh. Trên thực tế hoạt động tại đây giúp cho phát triển kinh tế và tạo điều kiện cho người dân địa phương. Về việc xe container nặng hàng chục tấn di chuyển trên tuyến đường gần UBND xã Thanh Lâm, ông Tuấn cho rằng “do liên quan đến đời sống của người dân nên rất kho khăn".
Về việc cưỡng đoạt tài sản ông Tuấn cho biết lực lượng Công an đã xử lý. Về nội dung người dân phản ánh có người nhà “cán bộ" đứng ra “bảo kê" cho khu chợ ông Tuấn thẳng thắn bày tỏ "ở đây người dân người ta họ hàng với nhau, chứ không có chuyện đó."
Phóng viên đặt câu hỏi về việc UBND huyện Mê Linh có tiến hành ngăn chặn hoạt động trái phép tại khu chợ nông sản này không? Chủ tịch huyện Mê Linh ông Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Khu chợ này rất phức tạp, tôi đã phải họp nhiều cuộc để chỉ đạo về việc này. Người dân ở đấy họ hưởng lợi rất nhiều nhưng lại không chấp hành theo quy định. Họ không đóng thuế, kê khai thuế rất khó khăn khiến huyện phải lập tổ công tác đến từng hộ gia đình để yêu cầu họ phải chấn chỉnh. Yêu cầu lắp đặt camera hết để giám sát hoạt động trung chuyển, mua bán mọi thứ…”
Ông Tuấn chia sẻ: “Hiện người dân ở khu chợ tương đối chấp hành. Tuy nhiên tại chỗ tập kết xe vẫn chưa được triệt để. Huyện đã báo cáo và xin ý kiến Thành phố và Sở GTVT trước mắt cho làm cái bãi đỗ xe trung chuyển sản”.
Ông Tuấn nhấn mạnh, khu vực này vừa không có nguồn thu, vừa ô nhiễm môi trường, vừa không đảm bảo về ATTT…mọi thứ nhưng nó tự phát nên và tạo nguồn sống cho nhân dân.
Về khu đất dự án của Công ty An Phát hiện biến thành bãi tập kết, kinh doanh buôn bán nông sản trái phép, ông Hoàng Anh Tuấn thông tin “huyện đốc thúc nhưng chủ đầu tư vẫn không ý kiến gì, huyện cũng đang đề nghị Thành phố thu hồi nhưng chưa lấy được”.
Nói về hoạt động nhóm người thu tiền các xe ô tô ra vào chợ ông Tuấn Khẳng định không có việc đấy, có thể là những người này họ tự nguyện thu để xử lý vệ sinh môi trường. Vị này còn cho rằng ngay cả những người đi nộp cũng là sai, là hành vi phi pháp. Hiện UBND huyện đang xin ý kiến các cơ quan chức năng để thành lập làm bãi trung chuyển, trên cơ sở đó quy hoạch chính thống và thành lập HTX để quản lý, sau đó công khai việc thu chi tại đây.
Không thể cấm dù khu chợ hoạt động trái quy định pháp luật?
Sau buổi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Anh Tuấn giao cho ông Trần Sỹ Đạt - Chánh Văn Phòng huyện tiếp tục làm việc, trao đổi thông tin với phóng viên.
Khi phóng viên đề nghị ông Đạt cung cấp một số tài liệu về việc thành lập và hoạt động của tổ công tác xử lý vi phạm tại khu chợ nông sản, ông Đạt từ chối và đề nghị phóng viên xuống khu vực đó tìm hiểu thêm. Ông Đạt mong phóng viên “chia sẻ” vì theo ông Đạt ở đây là cuộc sống của người dân…
Phóng viên đặt câu hỏi tại sao các cơ quan chức năng không lập chốt, ngăn chặn vi phạm ông Trần Sỹ Đạt - Chánh Văn Phòng huyện lại khẳng định “pháp luật không cấm được việc người dân kinh doanh buôn bán tại đây và không có quy định nào cấm được cả…”. Dù khu chợ trên hoạt động không đúng theo các quy định của pháp và luật tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ô nhiễm môi trường, thất thu thuế, mất ANTT, ATGT mà Chủ tịch huyện Mê Linh - Hoàng Anh Tuấn cho biết ở trên.
Ngay sau buổi làm việc với ông Tuấn và ông Đạt, ghi nhận của phóng viên, khu chợ trên vẫn công khai hoạt động một cách bình thường.
Trong một diễn biến khác, trong báo cáo của UBND huyện Mê Linh gửi cho Tp. Hà Nội phóng viên không ghi nhận được nội dung nào liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ hay phương án xử lý đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại khu chợ nông sản. Trên thực tế tại khu chợ trên trước đó đã được lắp rất nhiều camera và dễ dàng có thể quan sát hoạt động tại đây nhưng không hiểu tại sao Chủ tịch UBNd huyện Mê Linh lại khẳng định hoạt động tại đây lén lút gây khó khăn cho công tác xử lý.
Trong quá trình ghi nhận tại khu chợ nông sản tại xã Thanh Lâm phóng viên đã ghi nhận thêm nhiều vấn đề tại đây trong đó có việc tập kết phế thải tạo mặt bằng và dấu hiệu cấp điện 3 pha trái quy định cho các kho lạnh tại đây.
Nội dung trên sẽ được Người Đưa Tin thông tin trong bài viết tiếp theo.