Ngày 5/8, 2 nạn nhân cuối cùng được tìm thấy lần lượt là Đào Mạnh Cường (SN 1985, quê Thái Bình) và Nguyễn Bá Đức (SN 1988, quê Thanh Hóa). Sau khi hoàn thành việc tìm kiếm, các cơ quan chức năng TPHCM và Vũng Tàu đang phối hợp để xác minh rõ vụ việc. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn thương tâm có thể thấy, việc quản lý các phương tiện chở khách ngang sông còn rất lỏng lẻo.
Biên phòng không biết canô chạy “chui”
Người than của nạn nhân Nguyễn Bá Đức – nạn nhân cuối cùng được tìm thấy - chờ nhận dạng thi thể.
Theo Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu: Điểm canô H.29-BP xuất bến nằm trong khu liên hợp của Cty CP công nghệ Việt-Czech, đó không phải là bến đò ngang, việc xuất bến là không xin phép. Ở góc độ khác, mặc dù khẳng định lực lượng biên phòng tỉnh BRVT đầy đủ lực lượng để tuần tra, kiểm soát vùng biển được giao quản lý, nhưng vẫn “bỏ lọt” tàu H.29-BP (gồm 30 người) xuất phát từ TP.Vũng Tàu cùng 2 canô khác đi Tiền Giang và đưa tổng cộng gần 70 người từ Tiền Giang trở về TP.Vũng Tàu để ăn đám cưới mà không hề hay biết.
Đại tá Đào Quang Hiển – Tham mưu trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh BRVT - cho biết: “Canô H.29-BP do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hỗ trợ cho lực lượng biên phòng để phục vụ tuần tra, không phải để chở khách”.
Theo ông Hiển, canô H.29-BP cũng chưa thuộc biên chế của lực lượng biên phòng, vì thời điểm bị nạn, BĐBP đang gửi con tàu này lại cho Cty Việt-Czech để sửa chữa, hoàn thiện và họ tự ý lấy đi chở khách.
“Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, xác minh lại địa điểm xuất phát của tàu. Nhưng trước mắt cho thấy, họ đi tránh khu vực kiểm soát và ngoài tầm khu vực kiểm tra kiểm soát của BĐBP. Hơn nữa, tàu bị nạn chở người xuất phát từ Tiền Giang về TP.Vũng Tàu, nên BĐBP Vũng Tàu không nắm được” – ông Hiển cho biết.
Khi PV đặt vấn đề có thông tin cho rằng, lực lượng biên phòng biết tin tàu H.29-BP bị nạn từ sớm và đã điều 2 tàu ra vùng biển để tiến hành cứu nạn vào lúc 20 giờ đêm 2.8 nhưng không thông báo và phối hợp với các cơ quan khác, khiến việc cứu nạn diễn ra chậm trễ?
Đại tá Hiển phủ nhận và cho biết, trước khi nhận được thông tin từ Trung tâm PHTKCN KV3 thì lực lượng biên phòng hoàn toàn chưa biết, chưa nhận được thông tin báo từ ai và chưa điều tàu ra. ''Chỉ đến lúc TT 3 báo tin, chúng tôi đã lập tức chỉ đạo tất cả các lực lượng tại đơn vị xuất phát ngay, phối hợp với các lực lượng chức năng khác ra hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn''.
Thuyền trưởng tàu bị nạn có bằng lái?
Trao đổi với ông Đinh Văn Quyết - GĐ Cty CP Vũng Tàu Marina (trụ sở KCN Đông Xuyên, P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) - qua điện thoại, ông cho biết, thuyền trưởng tàu H.29-BP là ông Phạm Duy Phúc (1958, quê Quảng Bình) là nhân viên thử việc của Cty CP Vũng Tàu Marina, được thuê chở khách trên chuyến tàu H.29-BP và có đầy đủ giấy phép lái tàu, việc “lén” lấy tàu chở khách là do cá nhân tự làm, ông Quyết không hay biết.
Việc thông tin vụ tai nạn bị giấu giếm, ông Quyết khẳng định, anh Nguyễn Ngọc Tuấn là nhân viên của Cty không giấu giếm vụ tai nạn, sau khi nhận được tin vụ tai nạn từ tàu H.29-BP thì đã báo tin cho Trung tâm PHTKCN KV3.
Ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải VN - cho biết: Vụ việc đang do Cảng vụ hàng hải TPHCM chịu trách nhiệm điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ chuyển sang cơ quan công an xử lý. “Chúng tôi sẽ làm việc với anh Tuấn (Nguyễn Ngọc Tuấn – người báo tin - PV) để làm rõ thông tin báo tin chậm và “giấu giếm”.
Tôi khẳng định, Trung tâm PHTKCN KV3 không cứu nạn chậm, khi nhận được thông tin là chúng tôi triển khai ngay và sau 22 giờ ngày 2.8 đã có mặt tại hiện trường, vì chỉ nhận được thông báo vụ tai nạn ở vùng biển Cần Giờ, nhưng không có tọa độ cụ thể, triển khai như vậy là nhanh” - ông Nhật nói.
Về việc có 2 canô phát hiện canô bị nạn nhưng không tiếp cứu, ông Lê Văn Chiến - GĐ Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu - cho rằng: Có 2 canô phát hiện canô H.29-BP bị nạn nhưng không tiếp cứu là do 2 canô này cũng đã chở quá tải, trong khi thời tiết xấu, nếu dừng lại thì nguy cơ cũng gặp nạn là cao, nên đã lựa chọn cách “thoát” đi. Do đó, việc cho canô về phía Vũng Tàu là để đảm bảo cho hành khách.
Theo nguồn tin, ông Đinh Văn Quyết - GĐ Cty du lịch Vũng Tàu Marina - làm việc với nhân viên của Cty CP công nghệ Việt-Czech là anh Sơn để mượn tàu. Ông Quyết có viết tờ giấy đưa cho ông Phúc (người lái canô H.29-BP, đã thiệt mạng trong vụ chìm canô) mang sang cho anh Sơn để mượn tàu, Sơn đã đồng ý cho mượn. Ngoài ra, ông Vũ Văn Đảo - GĐ Cty CP công nghệ Việt-Czech - cũng đi cùng đoàn 3 canô trên 1 canô hiệu H790-HQ từ Tiền Giang trở về TP.Vũng Tàu, trên canô của ông Đảo chở hơn 10 người. Hà Anh Chiến |
Theo Lao động