Vụ chồng lập mưu lấy cắp phôi thai của vợ cho nhân tình: Nếu người vợ sinh thêm con có vi phạm pháp lệnh dân số?

Vụ chồng lập mưu lấy cắp phôi thai của vợ cho nhân tình: Nếu người vợ sinh thêm con có vi phạm pháp lệnh dân số?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 16/10/2019 09:36

Liên quan đến vụ việc chồng lập mưu lấy cắp phôi thai của vợ cho nhân tình, nhiều ý kiến cho rằng nếu như việc cấy phôi thành công cho người vợ thì gia đình này sẽ có tổng 5 người con. Như vậy, liệu có vi phạm về pháp lệnh dân số?

Có thể xử lý kỷ luật nếu là công chức, viên chức, Đảng viên

Có thể nói, trong suốt tuần vừa qua, câu chuyện hy hữu xảy ra tại bệnh viện Bưu Điện chồng lập mưu lấy cắp phôi thai của vợ cho nhân tình nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Mới đây nhất, vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (bộ Y tế) đã yêu cầu bệnh viện Bưu điện báo cáo cụ thể trường hợp chuyển phôi lưu trữ của vợ chồng bà N. cho bà D. mà các phương tiện truyền thông đề cập. Trong đó, rà soát kỹ việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước đó, bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, bà cùng chồng đã kết hôn vào năm 1990, có với nhau 4 con, người con lớn nhất đã 29 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi.

Sau khi sự việc được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều ý kiến cho rằng giả thiết nếu bà N. sinh thêm con trong phôi trữ đông nữa là 5. Vậy bệnh viện có vi phạm về pháp lệnh dân số?

Góc nhìn luật gia - Vụ chồng lập mưu lấy cắp phôi thai của vợ cho nhân tình: Nếu người vợ sinh thêm con có vi phạm pháp lệnh dân số?

Bệnh viện Bưu Điện - nơi xảy ra sự việc hy hữu.

Trước ý kiến này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã trao đổi với một số luật sư thuộc đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Theo Ths.Luật sư Trần Sơn Bách (phó giám đốc công ty luật Hùng Bách), tại khoản 2 điều 10 Pháp lệnh dân số hiện hành quy định về Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình thì mỗi cặp vợ chồng cá nhân được sinh từ 1– 2 con trừ trường hợp đặc biệt do Chính Phủ quy định. Những trường hợp đặc biệt đó được liệt kê cụ thể tại Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP như sau:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

“Căn cứ các quy định nêu trên, có thể thấy hiện tại vợ chồng ông bà N. đã có 4 đứa con và không thuộc một trong các trường hợp tại Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ – CP. Do vậy, hành vi của ông bà N. có thể đã vi phạm pháp luật về dân số.

Mặc dù pháp luật hiện nay không quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm chính sách dân số nhưng nếu ông bà N. đang là công chức, viên chức hoặc đang là Đảng viên thì vẫn có thể bị xử lý kỷ luật”.

Lúng túng xử lý hậu quả

Góc nhìn luật gia - Vụ chồng lập mưu lấy cắp phôi thai của vợ cho nhân tình: Nếu người vợ sinh thêm con có vi phạm pháp lệnh dân số? (Hình 2).

Khu vực kỹ thuật tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện Bưu Điện.

Nói về việc phân định trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến việc lưu trữ phôi, chuyển phôi và xử lý phôi. Trong trường hợp phôi đã được chuyển cho một người phụ nữ khác và đậu thai thì có thể xem xét xử lý hậu quả theo hướng nào?

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng đây là một vụ việc hi hữu, chưa tùng có “tiền lệ” trước đây, chính trong pháp luật nước ta chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Do vậy, các cơ quan cũng khá lúng túng khi nhắc đến việc xử lý hậu quả.

Qua trao đổi, luật sư Tuấn nhận định, về mặt di truyền học, con được sinh ra bởi phôi của vợ chồng bà N. thì đương nhiên là con của vợ chồng bà N, cho dù bà D. là người mang thai. Bà D. nhận phôi nhưng lại không hợp pháp bởi lẽ việc hiến tặng phôi thai phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng bà N.

“Có thể các cơ quan sẽ xử lý theo hướng coi bà D. là người mang thai hộ cho vợ chồng bà N. vì mục đích nhân đạo. Tức là xác định cha mẹ cho đứa bé theo Quy định tại Điều 94, Luật hôn nhân và gia đình. Theo đó, con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Đồng thời bà D. cũng có một số quyền và nghĩa vụ nhất định theo Quy định tại Điều 97 và 98 Luật hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, hướng xử lý như vậy chưa hẳn là tốt nhất, bởi lẽ theo quy định tại Nghị định số 10/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì bên nhờ mang thai hộ và bên nhận mang thai hộ đều phải có sự tự nguyện. Xét trên thực tế, sự tự nguyện là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt là từ phía người mang thai hộ, bởi lẽ chính đứa bé trong bụng người mang thai hộ sẽ chịu ảnh hưởng từ tâm lý, hành vi, chế độ sinh hoạt của người mang thai hộ; hoặc người mang thai hộ sẽ có thể phát sinh tình cảm, muốn giữ đứa bé lại sau sinh”.

Nếu trường hợp người được thụ tinh là bà N. thì phía bệnh viện đúng hay sai khi tiến hành thụ tinh cho ông bà N. khi gia đình này đã có 4 người con? Nếu sai thì bệnh viện có đang vi phạm pháp lệnh về dân số về số lượng con các cặp vợ chồng, cá nhân được sinh nở không? Về vấn đề này, Ths.Luật sư Trần Sơn Bách cho hay theo quy định của Pháp lệnh dân số 2003 thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm cả tổ chức kinh tế đều là đối tượng áp dụng của pháp lệnh này và phải có trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách về dân số.

“Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay lại chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh vấn đề này, nên mặc dù có thể xem là vi phạm nhưng xử lý vi phạm như thế nào và đến đâu thì vẫn cần bổ sung thêm hành lang pháp lý”, luật sư Bách chia sẻ thêm.

Theo luật sư Quách Thành Lực, giám đốc Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Pháp lệnh dân số năm 2008 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số năm 2003 như sau:

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:

“1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; 2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế không còn quy định hành vi sinh con thứ ba là hành vi vi phạm hành chính, không bị xử phạt hành chính”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.