Vụ clip công an xã rút súng “dọa” dân, kẻ tung tin lên mạng bị xử lý?
Nguyễn Thị Hương Lan
Thứ 2, 02/11/2020 19:35
0
Người quay clip và phát tán hình ảnh công an xã rút súng "dọa" người dân không phản ánh trung thực sự việc khiến người khác hiểu lầm có thể bị xử phạt hành chính...
Có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan đến vụ việc đoạn clip lan truyền trên mạng Facebook với nội dung công an xã rút súng "dọa" người dân" ở Bà Rịa- Vũng Tàu gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, LS.Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, luật An ninh mạng nghiêm cấm các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Do đó, người nào có hành đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật về người khác lên mạng xã hội (như facebook, zalo,...), xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng thì chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật đó nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, tùy mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác). Trong đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu; mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng).
Cần giám định clip
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trung Tiệp, công ty Luật Dragon (đoàn luât sư TP.Hà Nội) cho rằng, để giải quyết vụ việc trên được rõ ràng, chính xác, khách quan, Công an huyện Xuyên Mộc cần tiến hành trưng cầu giám định đối với các video, hình ảnh được loan truyền trên mạng xã hội làm căn cứ giải quyết.
Trong trường hợp kết quả giám định kết luận đoạn clip đó do tài khoản N.A.T.M phát tán trên mạng xã hội là cắt đoạn đầu, tức là thời điểm giằng co với công an để đòi lấy chìa khóa xe ba gác. Người này chỉ phát tán đoạn clip ghi lại cảnh đồng chí Diện rút súng từ túi xách ra khiến người xem chưa hiểu hết nội dung sự việc. Không có chuyện ông Diện giơ súng đe dọa bắn người” thì đây là hành vi đã chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan khác. Như vậy, đây là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, nghị định số 15/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo Điều 101 về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp xét thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc sẽ xử lý hành vi phát tán clip giả mạo, bị cắt ghép đó đối với người đã có hành vi lan truyền trên mạng xã hội đó về tội vu khống tùy theo tính chất mức độ, hành vi phạm tội (điểm a khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Sự thật về clip
Như Người Đưa Tin Pháp Luật đã thông tin, trao đổi với báo chí, ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, đoạn clip lan truyền trên mạng Facebook với nội dung công an xã rút súng "dọa" người dân" gây xôn xao dư luận chưa chuyển tải hết sự việc, gây hiểm nhầm nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 29/10, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip do tài khoản N.A.T.M. đăng tải ghi lại cảnh nhiều người dân đang cãi vã, xô xát với một công an xã, xảy ra tại đường nông thôn tổ 7, ấp 2, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc. Sau đó, vị công an xã đã rút súng ngắn cầm trên tay. Tài khoản này cho rằng, công an sử dụng súng dọa bắn người.
Theo ông Trần Nam Trung, người cầm súng trong clip là ông Phạm Hồng Diện, Trưởng công an xã Hòa Hội. Tuy nhiên, đoạn clip đã không chuyển tải hết đầy đủ nội dung sự việc. Người đăng clip đã sử dụng từ ngữ gây hiểu nhầm nghiêm trọng.
Cụ thể, vào khoảng 14h ngày 28/10, khi ông Nguyễn Quý Thanh, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội đang đi công tác thì phát hiện một thanh niên sử dụng xe ba gác chở nhiều bao tải rác đổ xuống đoạn đường nông thôn tại tổ 7, ấp 2 không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Ông Thanh tạm giữ chìa khóa phương tiện của người này, đồng thời điện thoại cho ông Phạm Hồng Diện đến bảo vệ hiện trường, để lập biên bản xử lý vi phạm.
Sau khi ông Diện cùng 1 công an viên thường trực đến hiện trường được 5 phút thì ông Thanh giao lại chìa khóa để tiếp tục đi công tác. Lúc này, người bị bắt quả tang đổ rác sai quy định đã gọi điện cho 3-4 người khác chạy đến lớn tiếng, gây áp lực đòi trả lại chìa khóa xe. Do những người này có hành vi chửi bới nên ông Diện buộc phải rút súng ra đề phòng chống đối rồi bỏ lại vào túi, cũng chưa bắn chỉ thiên hay dọa bắn ai.
"Người này chỉ phát tán đoạn clip ghi lại cảnh đồng chí Diện rút súng từ túi xách ra khiến người xem chưa hiểu hết nội dung sự việc. Không có chuyện ông Diện giơ súng đe dọa bắn người", ông Trung cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, đoạn clip với những lời chú thích đi kèm gây hiểu nhầm nghiêm trọng. “Không có chuyện ông Diện chĩa súng vào người dân như lời chú thích của clip trên mạng xã hội”, ông Trần Nam Trung nhấn mạnh.
Lan Thúy
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.