Trao đổi với Infonet chiều 22/2, Thiếu tướng Sùng A Hồng - Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý theo quy định các báo đưa tin không đúng về chuyên án mang bí số 219D.
Cụ thể, cơ quan Công an tỉnh Điện Biên vừa kết thúc chuyên án mang bí số 219D bằng việc khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan đến vụ hiếp dâm, cướp tài sản rồi sát hại nữ sinh Cao Thị Mỹ D.
Nhờ thành tích đấu tranh xuất sắc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 14 cá nhân cán bộ, chiến sĩ tham gia chuyên án, đồng Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cũng tặng Giấy khen cho 48 cá nhân khác.
Tuy nhiên dư luận cho rằng việc khen thưởng là "không thỏa đáng" bởi xung quanh thông tin và quá trình bắt giữ các đối tượng được Công an tỉnh Điện Biên cung cấp còn nhiều nghi vấn; các thành viên Ban chuyên án nhận tiền thưởng trên nỗi đau người nhà nạn nhân; người chết rồi còn khai quật tử thi, lại thêm đau đớn lần nữa…
Nhằm làm rõ những thắc mắc của dư luận, Thiếu tướng Sùng A Hồng giải thích: “Việc các cơ quan chức năng hay một tổ chức hoặc người đứng đầu đã căn cứ vào tính chất vụ việc, giao cho cấp dưới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một khi họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì các cơ quan cấp trên cần phải động viên kịp thời cán bộ có công đó. Còn mấy tháng sau mà động viên thì còn gì nữa, dư luận không thể "đánh bùn sang ao" được!”.
Thiếu tướng Hồng cũng nhấn mạnh: “Trường hợp các cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ thì viết bản kiểm điểm, tường trình, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc nào ra việc đó, mình phải tiếp cận vấn đề trên cơ sở khách quan để xã hội tốt hơn”.
Còn về ý kiến cho rằng công an cung cấp thông tin cho báo chí "nhỏ giọt", có ý "ỉm" thông tin, Thiếu tướng cho biết: “Nghề của người ta, công việc của người ta, chức năng nhiệm vụ của người ta, pháp luật quy định những gì được cấp thông tin cho báo chí, những gì là tài liệu mật quốc gia cần bảo mật. Nếu cấp thông tin trước, không đúng sự thật thì sao? Cấp thông tin mà nhóm đối tượng bỏ trốn thì ai chịu trách nhiệm? Vì vậy, không thể nói là "ỉm", cấp "nhỏ giọt" được”.
Theo báo Giao Thông, Thiếu tướng lý giải việc khai quật tử thi nạn nhân: “Việc khám nghiệm hiện trường, Ban chuyên án, Viện kiểm sát, họ bàn là cực chẳng đã trên cơ sở lời khai của đối tượng không phù hợp với hiện trường điều tra trước đó. Chính vì vậy, việc khai quật tử thi là để cơ quan điều tra thu thập dấu vết để đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng. Trường hợp đối tượng nhận tội hay không nhận tội là việc của nghi phạm, còn cơ quan điều tra phải xác minh thông tin chứng minh tội giết người, hiếp dâm...
Có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của đối tượng và không phù hợp hiện trường nên cần phải khai quật tử thi để thu lượm lại những dấu vết hóa học, sinh học, tài liệu khác để đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội khách quan, đúng đắn nhất. Do vậy, đây là việc làm bình thường theo quy trình của pháp luật. Về mặt đạo lý, Ban giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cũng đã gặp gỡ gia đình nạn nhân để động viên, chia sẻ mất mát, tổn hại về người và tinh thần”.
Bá Di (Tổng hợp)