Mặc dù vừa chuyển công tác sang lĩnh vực văn hóa, tuy nhiên gần 20 năm gắn bó với nghề khiến cô giáo Nguyễn Thúy Hương, từng làm việc tại trường tiểu học Hùng Vương, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị không khỏi xót xa về thông tin một người đồng nghiệp phải qùy gối trước phụ huynh ở tỉnh Long An, đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Với tình yêu nghề tha thiết, cô Hương đã trải lòng bằng những vần thơ đầy xúc cảm, bài thơ Đứng dậy đi em được cô chia sẻ trên trang cá nhân nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Đứng dậy đi em
Đứng dậy đi em, cô giáo của tôi ơi!
Khi học trò của em đang hồn nhiên chơi ngoài sân cỏ
Khi bài giảng mẹ và cô vẫn còn bỏ ngỏ..
Sao em lại quỳ ở đây...?
Em biết không, ở giữa chốn này
Chỉ dành cho những mầm xanh non trẻ
Trải nắng trải mưa và những điều dù rất nhỏ bé
Chồi mọc từ đất mẹ bao dung
Có thể một ngày giữa cơn giận trùng trùng
Những phép tắc ta vô tình đánh mất
Ta thất bại trước học sinh ngỗ nghịch
Rồi tự trấn an mình bằng những đòn roi
Nhưng!
Ai rồi cũng lớn lên thôi!
Ai cũng có một thời thơ dại
Những khóc mắng, những nạt đe, ta nhớ mãi
Vậy mà, nụ cười vẫn cứ trong veo.
Bây giờ!
Đôi khi ta lại muốn được trách phạt
Có khi ta lại thèm bị một roi
Thời ông bà ngày xưa còn bị quỳ xơ mít
Mà tôn sư trọng đạo vẫn bao đời!
Em chỉ quỳ xuống đỡ học sinh khi vấp ngã
Chỉ quỳ trước những tấm lòng cao cả nhé em!
Nơi này không dành cho hành vi đáp – trả
Đứng lên đi, cô giáo yếu mềm!
Tiếp chuyện với chúng tôi, cô Hương không ngần ngại cho biết bản thân mình đang điều trị bệnh hiểm nghèo, nhưng chưa bao giờ cô cúi đầu trước khó khăn. Cô vẫn đang từng ngày chiến đấu với bệnh tật, lạc quan và yêu đời.
Những ngày không ở bệnh viện, cô lại lên đường cho những chuyến tình nguyện ở những huyện nghèo, vẫn cất cao tiếng hát bài chòi dân gian vào đêm 30 Tết.
Cô Hương cho biết: “ Mình thấy đau khi thấy ai đó quỳ gối cho những điều không đáng. Mình sẽ không khuất phục trước ốm đau, bệnh tật hay bất kể những khó khăn nào khác, bởi vì đó là những điều tầm thường trong cuộc sống này. Nếu có quỳ, mình sẽ quỳ gối để đỡ học sinh mình khi các em vấp ngã”.
Cũng qua bài thơ này, cô muốn gửi gắm vào đó sự cảm thông về nghề giáo: “Thực ra mình viết không bênh vực cũng không chỉ trích hay cổ xuý cho hành động nào. Nhưng mình chỉ buồn ở cách cư xử giữa con người với con người. Hy vọng mọi người sẽ hiểu và chia sẻ hơn nữa cho nghề dạy học trân quý”.
Nguyễn Huy