Cuộc tấn công hoàn hảo
Trong nhiều năm, Saudi Arabia là khách hàng lớn đối với vũ khí do Mỹ sản xuất. Mối quan hệ quân sự hai nước tiếp tục tăng lên sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Chỉ vài tháng sau khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, vương quốc dầu mỏ đã cam kết mua thêm 110 tỷ USD vũ khí từ Mỹ.
Tuy nhiên, sau cuộc tấn công dữ dội vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi hôm 14/9 khiến giới lãnh đạo Riyadh bàng hoàng, một số nhà quan sát đã tỏ ra hoài nghi về sức mạnh thật sự của vũ khí Mỹ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù sở hữu các thiết bị quân sự đắt tiền, Saudi cũng khó có khả năng chống trả trước một cuộc tấn công chuyên nghiệp như vậy.
Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho biết, cuộc tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ của vương quốc Ả Rập được lên kế hoạch tốt và mang yếu tố bất ngờ, rất khó để ngay cả những quốc gia được trang bị tốt nhất và có kinh nghiệm nhất – có thể phát hiện và vô hiệu hóa mục tiêu.
“Đó là một cuộc tấn công thực sự hoàn hảo”, Michael Knight, một học giả tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, người đã nghiên cứu về năng lực phòng không của Saudi trong nhiều thập kỷ cho biết. Ông cũng lưu ý rằng, chỉ có một trong số 20 tên lửa bắn trượt mục tiêu. “Hiệu quả thật đáng kinh ngạc”, chuyên gia này nói.
Cuộc tấn công đã được nhận trách nhiệm bởi phiến quân Houthi ở Yemen – nơi một liên minh do Saudi dẫn đầu đang tiến hành cuộc can thiệp rắc rối kể từ năm 2015. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cáo buộc ít nhất một phần cuộc tấn công đã được phát động từ Iran. Tehran sau đó đã lên tiếng bác bỏ.
S-400 có làm tốt hơn Patriot?
Chiến dịch tấn công dường như đã phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân đội Saudi Arabia, bao gồm sáu tiểu đoàn Patriot do nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon sản xuất – với mỗi hệ thống có giá lên tới 1 tỷ USD.
Với phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc tấn công Saudi hôm 14/9, tờ Washington Post cho rằng đó là một sự ngầm trêu chọc hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Trong hội nghị ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/9, ông Putin đã gợi ý Saudi Arabia nên mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 hoặc S-400 do Nga sản xuất, giống như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm. “Chúng sẽ bảo vệ tất cả các cơ sở hạ tầng của Saudi một cách đáng tin cậy”, nhà lãnh đạo Nga cam kết.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani - người cũng tham dự sự kiện này - được nhìn thấy đã nở nụ cười lớn khi Tổng thống Putin phát biểu.
Hệ thống S-400 chưa được thể hiện trong các tình huống thực tế, nhưng nó có giá thành thấp hơn hệ thống Patriot và về mặt kỹ thuật được cho là vũ khí tân tiến hơn so với hệ thống của Mỹ, bao gồm phạm vi đánh chặn xa hơn và khả năng bao quát toàn hướng.
Saudi Arabia từng hào hứng với ý tưởng mua hệ thống S-400 nhưng dường như đã sớm dẹp bỏ vì lo ngại sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến mối quan hệ với chính quyền Trump.
Mặc dù được Tổng thống Putin đánh giá là đáng tin cậy, tờ Washington Post cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy nếu S-400 được triển khai có thể xử lý sự cố ở Saudi tốt hơn hệ thống Patriot.
Ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất cũng khó có thể đạt tỷ lệ thành công 100%. Không những vậy, bắn trúng một mục tiêu trên bầu trời về cơ bản là khó khăn, đòi hỏi tốc độ và độ chính xác đáng kể.
Saudi cần Vòm Sắt như Israel?
Khi các quan chức Saudi Arabia tuyên bố bắn hạ một tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi bắn vào năm 2017, một nhóm các nhà nghiên cứu đã lập luận trong một báo cáo rằng: Trên thực tế, hệ thống Patriot đã không thể làm gì để ngăn chặn tên lửa, vốn đã gần như bắn trúng mục tiêu là sân bay Riyadh.
Tương tự như vậy, cuộc tấn công cơ sở dầu hôm 14/9 sẽ còn khó bị vô hiệu hóa hơn gấp nhiều lần so với cuộc tấn công năm 2017. Trong cuộc tấn công cuối tuần trước, cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình dường như đã được sử dụng, với những suy luận cho rằng, vũ khí đã được phóng từ nhiều địa điểm.
Học giả Knight cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa của Saudi Arabia đã được phát triển vào những năm 1990 sau khi quan sát chiến tranh Iran-Iraq và Chiến tranh vùng Vịnh, nơi các vũ khí chính như máy bay và tên lửa đạn đạo có thể dễ dàng bị phát hiện bởi các hệ thống phòng không tầm xa.
Tuy nhiên, tên lửa hành trình và máy bay không người lái lại bay gần mặt đất hơn, khiến chúng khó bị radar phát hiện hơn. Ở tầm thấp, việc khai hỏa sẽ mang đến những rủi ro, đặc biệt là khi mục tiêu được phát hiện muộn. “Nếu bắn nhầm, bạn có thể thổi bay một máy bay của hãng hàng không British Airline”, Knight ví von.
Thomas Karako, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế lưu ý rằng, về lý thuyết, hệ thống Patriot có thể chống lại mối đe dọa ở tầm thấp, mặc dù nó chủ yếu được thiết kế cho tên lửa đạn đạo.
“Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào nơi hệ thống được đặt. Phạm vi phòng thủ của Patriot tương đối nhỏ. Ngay cả khi có nhiều hệ thống của Mỹ, khả năng bảo vệ cũng bị hạn chế”, Karako nêu quan điểm.
Hiện chưa rõ các cơ sở dầu bị tấn công vừa rồi có được bảo vệ bởi Patriot hoặc các hệ thống khác hay không.
Theo Becca Wasser, một nhà phân tích chính sách cao cấp của Rand Corp, Saudi Arabia hiểu được mối đe dọa kỹ thuật do Iran đặt ra đối với các cơ sở quan trọng và có thể tìm cách mua vũ khí mới để chống lại mối đe dọa này tốt hơn.
“Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt, được đồng thiết kế bởi công ty quốc phòng Rafael của Israel và Raytheon của Mỹ, có thể là một khả năng”, chuyên gia Karako nói.
“Hệ thống này khá nổi tiếng vì được sử dụng ở Israel, nơi nó được sử dụng để bắn hạ tên lửa từ Gaza và miền Nam Lebanon. Có lẽ người Saudi muốn có được thứ gì đó giống như Vòm Sắt”.
Ngoài ra, Saudi cũng có thể tìm cách cải thiện khả năng radar của mình với việc sử dụng các cảm biến nâng cao có thể phát hiện các mối đe dọa từ xa.
Tuy nhiên, trước mắt, vương quốc Ả Rập nên tập trung vào việc học cách sử dụng tốt hơn những vũ khí đã có. Bởi các giao dịch vũ khí từ Mỹ theo thỏa thuận sẽ còn mất nhiều năm để thực hiện, Washington Post nhận định.