Côn đồ ngang nhiên chặt phá hơn 2.000 cây chuối
Liên quan đến vụ chặt phá hàng nghìn cây chuối của hộ gia đình ông Phạm Văn Quân (SN 1959, ở thôn 3 Thái Lai, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên), Công an TP.Hải Phòng đã triệu tập các đối tượng tham gia chặt phá chuối để điều tra, làm rõ.
Trong số những đối tượng bị triệu tập, qua kết quả xét nghiệm nước tiểu thì có 7 đối tượng dương tính với chất ma túy.
Trước đó, vào 3h sáng ngày 15/5, trong khi gia đình ông Phạm Văn Quân đang ngủ, thì bất ngờ một nhóm đối tượng đã xông vào khu đất gia đình ông này đang trồng chuối và dùng dao, kiếm chặt hạ hơn 2.200 cây chuối sắp đến thời kỳ thu hoạch. Trong đó có hơn 800 cây có buồng, cùng hàng chục cây nhãn, cây cau, ước tính thiệt hại hơn 700 triệu đồng.
Sau đó, gia đình ông Quân đã hô hoán người thân, hàng xóm xung quanh nhà và bắt giữ được nhóm đối tượng kể trên. Nhóm này được đưa lên UBND xã Cao Nhân để làm rõ về hành vi chặt chuối của gia đình ông Quân.
Theo Công an TP.Hải Phòng, người đứng sau chỉ đạo vụ chặt phá vườn chuối của hộ ông Quân là ông Đỗ Văn Chí (trú xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên), Giám đốc công ty TNHH Chí Linh.
Ông Chí lấy lý do mảnh đất vườn của ông Quân đã được huyện Thủy Nguyên hợp đồng cho doanh nghiệp này thuê nên đã "ủy quyền" cho Đỗ Hữu Mạnh (44 tuổi, trú xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên) đưa nhóm côn đồ nửa đêm tập kích “dọn dẹp” mặt bằng giành đất cho doanh nghiệp này mở xưởng sản xuất gạch.
Để làm rõ trách nhiệm pháp lý xung quanh vụ việc, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
PV: Các 7 đối tượng tham gia chặt chuối của gia đình ông Phạm Văn Quân sẽ bị xử lý thế nào, thưa luật sư?
LS.Đặng Văn Cường: Việc chặt cây, phá hoại cây cối, hoa màu thường xảy ra trong những vụ án có tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc do thù tức, mâu thuẫn… Việc chặt, phá cây có thể thực hiện một cách công khai hoặc lén lút. Nhưng cho dù bất cứ nguyên nhân mâu thuẫn là gì, bất cứ hình thức chặt phá cây là công khai hay lén lút thì hành vi phá hoại cây cối của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân.
Cây cối, hoa màu cũng là tài sản theo quy định pháp luật. Pháp luật có những quy định, chế tài để bảo vệ quyền sở hữu tài sản đó. Nếu người nào cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì trước tiên là phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, nếu cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Nếu tài sản bị hủy hoại, bị làm hư hỏng trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hình người có hành vi cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc này, tài sản bị thiệt hại được xác định là khoảng 700 triệu đồng, vì vậy các đối tượng có hành vi cố ý hủy hoại vườn chuối này sẽ bị xử lý theo khoản 4, Điều 143 Bộ luật hình sự với mức phạt thấp nhất là 12 năm tù, cao nhất là tù chung thân.
PV: Việc các đối tượng dương tính với ma túy khi tham gia gây án có là tình tiết tăng nặng hay không?
LS.Đặng Văn Cường: Qua kết quả xét nghiệm nước tiểu thì có 7 đối tượng dương tính với chất ma túy. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật. Trước đây thì hành vi này bị xử lý hình sự, nhưng từ năm 2009 đến nay thì bị xử phạt hành chính và có thể bị bắt buộc cai nghiện.
Hành vi sử dụng chất ma túy trước khi cố ý hủy hoại tài sản của người khác không phải là tình tiết để tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, lại càng không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự.
Tình tiết này sẽ làm căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và chắc chắn người sử dụng ma túy trước khi thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị tòa án áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn với người phạm tội trong các trường hợp thông thường.
PV: Theo Công an TP.Hải Phòng, người đứng sau chỉ đạo vụ chặt phá vườn chuối của hộ ông Quân là ông Đỗ Văn Chí (trú xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên), Giám đốc công ty Chí Linh. Vậy ông Quân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ việc này như thế nào?
LS.Đặng Văn Cường: Trong trường hợp nhiều người cùng có ý chí cùng thực hiện một tội phạm (cùng có mục đích cố ý hủy hoại tài sản của người khác) thì những người này được xác định là đồng phạm trong cùng một vụ án.
Theo quy định tại Điều 20, Bộ luật Hình sự thì đồng phạm là từ 2 người trở lên cùng ý chí thực hiện một tội phạm. Trong đồng phạm thì có thể phân ra các vai trò như: Người chỉ huy (tổ chức), người thực hành, người giúp sức và người xúi giục.
Nếu trong quá trình điều tra có căn cứ xác định 7 đối tượng chặt chuối là do người khác sai khiến, chỉ đạo thì người sai khiến, chỉ đạo người khác chặt chuối cũng bị xử lý về tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác. Người chỉ đạo người khác thực hiện hành vi phạm tội là người nguy hiểm nhất, sẽ là người đầu vụ và phải chịu mức án nghiêm khắc nhất.
PV: Ông Đỗ Văn Chí cho rằng, ông Quân đã trồng chuối trên đất của Công ty Chí Linh, mặc dù công ty đã nhiều lần yêu cầu ông Quân phải di chuyển nhưng ông Quân lại không thực hiện. Trong khi đó ông Quân lại cho rằng đất đang trồng chuối là đất mà gia đình đã khai hoang từ những năm 1989. Trong trường hợp này, ông Chí phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của công ty, lại vừa đúng pháp luật?
LS.Đặng Văn Cường: Pháp luật quy định quyền sở hữu tài sản do chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu mới có quyền định đoạt. Người khác tự ý định đoạt, hủy hoại tài sản của người khác vì bất cứ lý do gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật và đều phải chịu chế tài theo quy định pháp luật.
Nếu hai bên có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà không thể tự hòa giải, giải quyết được thì phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khởi kiện tới tòa án... Nếu "tự xử" bằng cách "dọn dẹp" tài sản của người khác để chiếm đất (thậm chí để đòi đất) thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài của pháp luật.
Vụ việc này sẽ được giải quyết bằng chế tài hình sự đối với những người cố ý hủy hoại tài sản của người khác và buộc những người này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Còn đối với việc tranh chấp về quyền sử dụng đất thì sẽ được giải quyết bằng một vụ án dân sự nếu các đương sự có yêu cầu.
PV: Xin cảm ơn luật sư.
Việt Hương (T/h)