Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lưu Mạnh Hùng, Phó viện trưởng VKSND huyện Kim Thành cho hay, khoản 1, Điều 26, BLTTHS năm 2003 quy định sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng thể hiện: Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
“Vụ việc này khá phức tạp ở địa phương, người nhà cháu bé thi thoảng lại lên cơ quan công an và VKS để hỏi thông tin vụ việc. Chúng tôi cũng chỉ biết giải thích là đang đợi kết luận của bộ Y tế để làm căn cứ xử lý tiếp theo. Tuy nhiên, phía bộ Y tế cũng không có công văn phúc đáp xem họ có nhận được văn bản hay không, có thuộc trách nhiệm trả lời của họ hay không, hoặc họ không trả lời để chúng tôi còn biết…”, ông Hùng chia sẻ.
Một cán bộ nhiều năm làm công tác điều tra của bộ Công an phân tích: Việc cơ quan điều tra đề nghị đơn vị chức năng cung cấp tài liệu hoặc trả lời về mặt chuyên môn mang tính tham khảo là một trong những biện pháp nghiệp vụ để xác minh, thu thập chứng cứ.
Tuy nhiên, việc đề nghị trả lời về mặt chuyên môn để tham khảo thì lại không mang tính chất ràng buộc trách nhiệm cao. Theo quy định, trong hoạt động tố tụng, nếu xét thấy vướng mắc những vấn đề liên quan đến khoa học kỹ thuật, cụ thể ở đây là liên quan đến nghiệp vụ y tế chẳng hạn thì cơ quan điều tra có quyền trưng cầu giám định.
Trở lại vụ việc cơ quan điều tra hỏi nhưng bộ Y tế không trả lời, nếu cơ quan điều tra chỉ gửi công văn đề nghị trả lời về các nội dung liên quan đến xác định trách nhiệm và quy trình thực hiện của y bác sĩ thì tức là nó không bị ràng buộc bởi giới hạn. Chỉ khi có yêu cầu trưng cầu giám định thì mới có thời hạn và buộc anh phải trả lời.
Do đó, muốn giải quyết dứt điểm vụ việc, cơ quan điều tra phải gửi quyết định trưng cầu trực tiếp đề nghị bộ Y tế cử giám định viên, giám định nguyên nhân cái chết của cháu bé. Hoặc trưng cầu gián tiếp thông qua viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) hay phòng Kỹ thuật Hình sự của Công an tỉnh.
Liên quan đến câu chuyện này, Luật sư Đào Thị Liên (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ, Thông tư liên tịch số 06 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì nhiệm vụ của cơ quan điều tra khi tiếp nhận tin báo tố giác hoặc kiến nghị khởi tố nếu thuộc thẩm quyền của mình thì phải tiến hành kiểm tra, xác minh. Với những lĩnh vực chuyên ngành mà cơ quan điều tra không đủ thông tin hoặc thiếu hiểu biết chuyên môn để kiểm tra và đánh giá thì đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp.
Cũng theo luật sư Liên, việc các cơ quan hữu quan chậm phối hợp trong việc cung cấp thông tin, ý kiến chuyên môn cho CQĐT là một sự cản trở nhất định đối với công tác giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có một quy định cụ thể nào hướng dẫn cơ chế phối hợp cung cấp thông tin, ý kiến chuyên môn, thời hạn, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hữu quan trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra cũng như chế tài xử lý nếu vi phạm. Chính vì lẽ đó mới dẫn đến việc ông hỏi nhưng tôi thích thì trả lời, không thích thì thôi.